Tương lai chưa rõ ràng của Hiệp định FTA Mỹ-Nhật Bản

Nhật Bản sẽ khó có khả năng thỏa hiệp với Mỹ theo một thỏa thuận thương mại tự do song phương thay vì một thỏa thuận đa phương, tương tự như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Tương lai chưa rõ ràng của Hiệp định FTA Mỹ-Nhật Bản ảnh 1Bốc dỡ container hàng hóa tại cảng Tokyo, Nhật Bản ngày 25/1. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Nhật Bản sẽ khó có khả năng thỏa hiệp với Mỹ theo một thỏa thuận thương mại tự do song phương thay vì một thỏa thuận đa phương, tương tự như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Tuyên bố trên của Phó Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso​ được xem là một đòn giáng mạnh vào những nỗ lực của Mỹ nhằm gây áp lực lên Tokyo để mở cửa các thị trường có tính bảo hộ cao như nông nghiệp.

Phát biểu trong một cuộc hội thảo tại Đại học Columbia ngày 19/4, Phó Thủ tướng Aso, trưởng phái đoàn Nhật Bản tham gia vòng đối thoại kinh tế song phương với Mỹ, nhấn mạnh với TPP, Nhật Bản có thể chấp thuận nhiều hơn các yêu cầu từ phía Mỹ vì Tokyo vẫn có thể bù đắp các khoản thiệt hại về kinh tế thông qua các thỏa thuận ký với các quốc gia khác.

Trong khi đó, với một hiệp định song phương với Mỹ, Nhật Bản chắc chắn sẽ không thể bù đắp được các tổn thất khi thỏa hiệp với Washington.

Những bình luận của ông Aso đã phần nào phản ánh ý định của Tokyo về việc tránh ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Mỹ, sau khi Tổng thống Donald Trump quyết định rút Mỹ khỏi TPP, bất chấp việc người tiền nhiệm của ông Barack Obama​ và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe​ ủng hộ mạnh mẽ hiệp định đa phương này.

Giới quan sát nhận định Nhật Bản lo ngại một thỏa thuận thương mại song phương với Mỹ có thể khiến Tokyo đối mặt với áp lực lớn hơn từ Washington trong việc mở cửa các thị trường có tính nhạy cảm chính trị của nước này như nông nghiệp và thịt bò.

Trước đó, ngày 18/4, ông Aso và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã đồng chủ trì cuộc đối thoại kinh tế cấp cao ở Tokyo, theo đó hai bên nhất trí duy trì các cuộc đối thoại kinh tế song phương để giành được những thắng lợi sâu rộng hơn.

Ông Aso khẳng định Washington và Tokyo nhất trí sẽ tiến hành vòng 2 đối thoại kinh tế cấp cao vào cuối năm nay.

Thông qua cuộc đối thoại, chính quyền Tổng thống Trump cho thấy ý định sử dụng đối thoại để thúc đẩy một thỏa thuận song phương với Nhật Bản, trong khi đó Tokyo lại muốn mở rộng chương trình nghị sự để bổ sung các vấn đề ít gai góc hơn như đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.

Đối thoại kinh tế cấp cao lần này được tiến hành theo thỏa thuận giữa Tổng thống Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đạt được trong chuyến thăm của ông Abe tới Mỹ hồi tháng 2/2017 - thời điểm ông Trump vừa nhậm chức.

Đối thoại kinh tế cấp cao được coi diễn đàn để hai nước thảo luận về một loạt chủ đề từ chính sách kinh tế, các quy định về thương mại và đầu tư, đến hợp tác về cơ sở hạ tầng và năng lượng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục