Tương lai châu Âu trước sự lớn mạnh của lực lượng cực hữu

Tương lai châu Âu trước sự lớn mạnh của lực lượng cực hữu -ok

Mặc dù cuộc xung đột Nga-Ukraine hiện tại vẫn là ưu tiên hàng đầu ở châu Âu, nhưng trong những ngày tới, cuộc bầu cử Pháp trong bối cảnh “thời chiến” cũng sẽ thu hút sự chú ý của dư luận.
Ông Emmanuel Macron và đối thủ truyền kiếp Marine Le Pen. (Nguồn: AFP)

"Thời báo Hoàn Cầu" đã đăng bài viết của Thôi Hồng Kiến - Viện trưởng Viện châu Âu thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc - nhận định mặc dù cuộc xung đột Nga-Ukraine hiện tại vẫn là ưu tiên hàng đầu ở châu Âu, nhưng trong những ngày tới, cuộc bầu cử Pháp trong bối cảnh “thời chiến” cũng sẽ thu hút sự chú ý của dư luận.

Cuộc chiến giữa Emmanuel Macron (Tổng thống đương nhiệm) và đối thủ Marine Le Pen (lãnh đạo đảng cực hữu “Tập hợp quốc gia” - FN) trong vòng bỏ phiếu thứ hai được giới truyền thông nhận định “có thể kích hoạt một cơn địa chấn lớn hơn nữa."

Trước cuộc bầu cử, các hiện tượng như sự bám sít sao về tỷ lệ ủng hộ của người dân đối với hai ứng cử viên Tổng thống Macron và Le Pen, sự suy yếu nhanh chóng của các đảng cánh tả và cánh hữu truyền thống, và sự xuất hiện đột ngột của nhân vật cực hữu Éric Zemmour… đều cho thấy sự phát triển và lớn mạnh của các lực lượng cực hữu ở Pháp, thậm chí cả châu Âu, và xu thế hữu khuynh hóa chính trị đang diễn ra nhanh chóng.

[Bầu cử Tổng thống Pháp 2022: Vòng quyết đấu giữa hai đối thủ quen]

Tờ "Die Welt" của Đức cho rằng mặc dù ông Macron dẫn trước trong vòng bầu cử đầu tiên, nhưng bà Le Pen hiện có cơ hội chưa từng có để giành chiến thắng cuối cùng.

Đối với Pháp, kết quả của vòng một cuộc bầu cử gần như một trận động đất, và không loại trừ khả năng sẽ có nhiều dư chấn dữ dội hơn trong vòng bầu cử sắp tới. Nếu vậy, hậu quả có thể rất thảm khốc.

Mặc dù ông Macron đã đánh bại bà Le Pen với tỷ số cách biệt lớn với tư cách là đại diện của “phái cải cách” cách đây 5 năm, các lực lượng cực hữu ở Pháp vẫn tiếp tục lớn mạnh và phát triển.

Đó không chỉ là một Le Pen 5 năm sau ra tranh cử lần hai đầy tự tin, mà còn có những thế lực mới xuất hiện “rải rác” như Zemmour hay Aignion.

Nếu gộp các đảng phái cực hữu như “Liên minh dân chủ quốc gia,” “Đảng giành lại đất đã mất” và “Đảng nước Pháp trỗi dậy”… lại với nhau, họ có tỷ lệ phiếu bầu tổng hợp cao hơn của ứng cử viên Macron gần 5%. Phe cực hữu đã trở thành lực lượng chính trị lớn nhất ở Pháp.

Chính vì tình hình nghiêm trọng như vậy, các đảng cánh tả và cánh hữu truyền thống đã thất bại trong vòng bỏ phiếu đầu tiên đều tuyên bố ủng hộ ông Macron ở vòng hai.

Nếu ông Macron có thể giành chiến thắng cuối cùng trước Le Pen, chỉ có thể là nền chính trị chính thống của Pháp đã buộc phải đoàn kết để tự bảo vệ mình trước các lực lượng cực hữu.

Sự phát triển lớn mạnh của lực lượng cực hữu không phải là một hiện tượng chỉ có ở Pháp. Ở hầu hết các quốc gia, các đảng cực hữu đã vào quốc hội hoặc tham gia cầm quyền, điều này đã trở thành một hiện tượng phổ biến trên toàn châu Âu.

Trào lưu chủ nghĩa dân tộc cấp tiến và sự trỗi dậy của tình cảm phản đối toàn cầu hóa là nền tảng tư tưởng và xã hội cho các lực lượng cực hữu ở Pháp và châu Âu ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn.

Trong những năm gần đây, châu Âu phải đối mặt với một loạt thách thức bên trong và bên ngoài, hệ thống chính trị và hệ thống chính sách của nó đang cần được cải cách khẩn cấp, và đã có phản ứng theo bản năng của người dân trong việc thông qua việc định hình lại và làm rõ “danh tính” của mình để đạt được một cảm giác an toàn.

Tuy nhiên, cho dù xét từ việc trốn tránh trách nhiệm của chính trị chính thống hay từ việc tính toán của các thế lực cực hữu để mở rộng địa bàn của họ, phản ứng tự phát của người dân đều được dẫn dắt theo hướng chủ nghĩa dân túy, và mâu thuẫn chính được đổ lỗi cho thế giới bên ngoài, từ đó cùng nhau thúc đẩy chủ nghĩa dân túy và sự gia tăng của hệ tư tưởng chống toàn cầu hóa.

Tại Italy, 67% người dân có cái nhìn tiêu cực đối với các sắc tộc thiểu số, 60% người Hungary phản đối nhập cư và chỉ 29% người Anh sẵn sàng chấp nhận người Hồi giáo.

Trước sự bài ngoại của các lực lượng cực hữu, nền chính trị chính thống của châu Âu không có được chỗ đứng vững chắc và đối mặt với nhiều vấn đề, nhưng để phục vụ “dư luận” và bảo tồn địa bàn, nó đã chấp nhận các chủ trương của các chính đảng cực hữu ở các mức độ khác nhau, làm trầm trọng thêm khuynh hướng cực hữu của nền chính trị châu Âu.

Hệ quả của xu hướng này là trong khi một Le Pen cực hữu tỏ ra “ôn hòa,” nó lại mở ra một không gian sinh tồn và phát triển mới cho một Zemmour cực hữu hơn.

Các chiến lược vận động và bầu cử tổng thể hơn cũng như các liên minh rộng lớn hơn là những yếu tố thực sự đằng sau sự phát triển không ngừng của các đảng cực hữu ở châu Âu.

So với các chính đảng truyền thống, cách thức tổ chức và vận động của các đảng cực hữu châu Âu linh hoạt hơn và gần gũi hơn với nhu cầu của người dân, đồng thời giới tinh hoa của họ nhạy cảm hơn với những thay đổi xã hội hiện tại và nắm bắt cơ hội tốt hơn từ chúng.

Các lực lượng cực hữu đã khéo léo sử dụng các luận điệu chính trị của các đảng phái chính trị chính thống để thổi phồng sự đổ lỗi, thường xuyên thổi phồng sự bi quan và thất vọng trong người dân, khuếch đại những sai lầm về chính sách của các đảng phái chính trị chính thống, đồng thời gia tăng những quan điểm đối lập giữa xã hội địa phương và thế giới bên ngoài, giữa những người bình thường và giới tinh hoa.

Trong thời kỳ đại dịch, các chính phủ trên khắp thế giới đã phản ứng không hiệu quả và việc phổ biến rộng rãi các thông tin sai lệch càng làm tăng thêm các quan điểm phi lý khác nhau như chủ nghĩa phản trí tuệ và các thuyết âm mưu, làm trầm trọng thêm sự bất an và bất mãn của người dân với hiện trạng, đồng thời cung cấp một không gian rộng hơn cho các chủ trương chính trị của phe bảo thủ cực hữu bài ngoại.

Hai phần ba người Pháp cho rằng hệ thống chính trị đã sụp đổ, trong khi chỉ 6% ở Anh cho rằng hệ thống chính trị đang hoạt động tốt.

Đồng thời, không giống như các đảng chính trị truyền thống, nơi các tranh chấp chính trị vẫn tiếp diễn và các đảng phái tách biệt, trong những năm gần đây, các đảng chính trị cực hữu ở các nước châu Âu đã gia tăng các liên minh theo chiều ngang, và chống Liên minh châu Âu (EU) và chống toàn cầu hóa đã trở thành lập trường chính trị dễ nhận biết chung của họ.

Tệ hơn nữa, các quan điểm chính trị và các chủ trương chính sách cực hữu đang có “đất" phát triển hơn trong giới trẻ ở châu Âu, và họ dường như đang giành được tương lai của châu Âu. Trẻ hóa, tri thức hóa và chuyên nghiệp hóa là những đặc điểm chung của giới tinh hoa và những người ủng hộ chính của hầu hết các đảng cực hữu ở châu Âu.

Các cuộc thăm dò trước bầu cử ở Pháp cho thấy những người trẻ tuổi đã trở thành lực lượng chính ủng hộ phe cực hữu. Họ nhạy cảm hơn với những thách thức bên trong và bên ngoài mà châu Âu phải đối mặt và cấp bách hơn về nhu cầu thay đổi hiện trạng, nhưng họ cũng bối rối hơn về hướng thay đổi.

Sự thành thạo trong công nghệ thông tin hiện đại và các phương pháp truyền thông cũng làm cho các chuyên gia trẻ thích nghi hơn với những thay đổi chính trị trong thời đại Internet, đồng thời có khả năng định hình và hướng dẫn các vấn đề chính trị mạnh mẽ hơn.

Tình trạng mong muốn thay đổi hiện trạng càng cấp thiết, khả năng càng mạnh, nhưng cũng càng cảm thấy thiếu phương hướng đã phản ánh những mâu thuẫn và vướng mắc hiện nay trong quá trình phát triển chính trị của lực lượng cực hữu ở châu Âu.

Cho dù ông Macron có thể giành chiến thắng trong vòng bỏ phiếu thứ hai với sự giúp đỡ của các lực lượng chính thống và tạm thời giành được chiến thắng trước phe cực hữu ở Pháp, sẽ rất khó để thay đổi thực tế và viễn cảnh rằng các lực lượng cực hữu đã dần trở thành một thế lực ảnh hưởng ở châu Âu, đây sẽ là điểm yếu chết người ảnh hưởng tới sự phát triển tương lai của châu Âu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục