Tương lai bất ổn của APEC là cơ hội cho Nhật Bản?

Trong bối cảnh APEC có nguy cơ trở thành một "sân khấu" khu vực chỉ để phô diễn sự đối đầu Mỹ-Trung thì Nhật Bản lại có tiềm năng sẽ dẫn dắt APEC trong những lĩnh vực chính sách chưa phát triển.
Toàn cảnh một phiên họp của Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 26 ở thủ đô Port Moresby, Papua New Guinea ngày 18/11/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng eastasiaforum.org, Hội nghị Cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương 2018 (APEC-2018) diễn ra ở Port Moresby, Papua New Guinea, trong hai ngày 17-18/11, đã báo hiệu một tương lai đầy bất ổn của diễn đàn đa phương này.

Do sự bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc, lần đầu tiên trong lịch sử APEC, Hội nghị đã kết thúc mà không có tuyên bố chung. Thiếu vắng vai trò lãnh đạo tập thể, APEC có nguy cơ trở thành một "sân khấu" khu vực chỉ để phô diễn sự đối đầu Mỹ-Trung.

Nhật Bản đã và hiện vẫn duy trì là một đối tác then chốt trong hợp tác kinh tế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đóng vai trò chủ chốt trong việc "cứu vãn" Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng như trong việc thiết lập Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để thay thế.

Mặc dù vai trò lãnh đạo của Nhật Bản ở Port Moresby chưa được thể hiện, đất nước này có tiềm năng sẽ dẫn dắt APEC trong những lĩnh vực chính sách chưa phát triển.

Nhật Bản từng là bên hậu thuẫn tích cực đề xuất của Thủ tướng Australia Bob Hawke về hợp tác kinh tế đa phương ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong những năm 80 của thế kỷ 20.

Kể từ thời điểm APEC được thành lập năm 1989, Nhật Bản đã đóng vai trò dẫn dắt sự phát triển của tổ chức này.

Nhật Bản đã 2 lần đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC, và Kế hoạch Hành động Osaka 1995 được coi là lộ trình hiện thực hóa những mục tiêu của Hội nghị Cấp cao Bogor 1994 - một loạt mục tiêu được các quốc gia thành viên APEC vạch ra với mong muốn có được một khu vực có thương mại tự do và mở cửa ở châu Á-Thái Bình Dương.

Đối với Nhật Bản trong những năm 90 của thế kỷ trước, APEC là cơ chế chủ đạo cho vấn đề đơn giản hóa thương mại, tự do hóa đầu tư và phát triển kinh tế trong khu vực.

Trong khi cam kết về hợp tác kinh tế của Nhật Bản không thay đổi, cách tiếp cận vấn đề tự do hóa thương mại của Tokyo đã dần dần khác với APEC.

Trong thập kỷ đầu của thế kỷ 21, những tuyên bố về chính sách trong nước nói về TPP như một công cụ đầy hứa hẹn đối với sự thịnh vượng kinh tế của đất nước Mặt trời mọc trong tương lai.

Chính phủ Nhật Bản tán thành quan điểm này và theo đuổi việc hiện thực hóa TPP bất chấp sự phản đối mạnh mẽ ở trong nước, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong một khoảng thời gian, tranh cãi về tự do hóa thương mại ở Nhật Bản đã hình thành 2 nhóm hoàn toàn xung đột nhau giữa ủng hộ và phản đối TPP.

Mặc dù có sự mâu thuẫn, sự tranh luận này đã "lái" chính sách hướng tới chú trọng TPP và giúp thỏa thuận này trở thành biểu tượng hàng đầu về tự do hóa thương mại ở Nhật Bản.

[Thất bại đầu tiên của APEC và hành động của Nga]

Kết quả là, việc công nhận APEC như một cách để tăng cường tự do hóa thương mại dần dần suy yếu.

Liệu có thể đảo ngược việc tách APEC khỏi những tranh cãi về chính sách thương mại của Nhật Bản? Câu trả lời là "hy vọng có," nhưng điều này phụ thuộc vào ý chí chính trị của Tokyo trong tìm kiếm và tận dụng những cơ hội mà APEC mang lại - đặc biệt là khi vai trò dẫn dắt khu vực của Nhật Bản ngày càng mờ nhạt.

Nhật Bản cần thừa nhận rằng khuôn khổ toàn diện của APEC - cùng với đề án đơn giản hóa và tự do hóa thương mại và đầu tư (TILF) - tạo cơ hội để Nhật Bản giành lại vai trò lãnh đạo của mình.

Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tại Tokyo. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Trong một số lĩnh vực chính sách như tăng trưởng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), phát triển nguồn nhân lực và đa dạng hóa nguồn nhân công, Nhật Bản có lợi thế nhờ kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Phát triển những lĩnh vực chính sách này cũng có thể có lợi cho những nhu cầu kinh tế hiện hành của Nhật Bản.

Nhật Bản có kinh nghiệm phong phú trong phát triển các SME. Đại đa số công nhân Nhật Bản đều làm việc cho SME, một thực tế chưa hề thay đổi kể từ giai đoạn đầu phát triển kinh tế của Nhật Bản.

Quốc gia này hoàn toàn có điều kiện để cung cấp những kinh nghiệm và kỹ năng cần thiết cho việc phát triển và quản lý các SME trong khu vực.

Trong khi sự phát triển nguồn nhân lực và sự chuyển dịch về lao động là những động lực cho sự phát triển kinh tế trong khu vực thì đó cũng chính là những lo ngại kinh tế hiện nay của Nhật Bản.

Nhật Bản cần các lao động nước ngoài và những người nhập cư để duy trì tiêu chuẩn kinh tế và mức phúc lợi xã hội hiện nay của quốc gia này.

[Lãnh đạo APEC không ra được tuyên bố chung là kết quả thất vọng]

Những đóng góp của Nhật Bản đối với các lĩnh vực chính sách này cũng giúp ổn định vai trò lãnh đạo của APEC đồng thời tạo thế cân bằng đối trọng với các cường quốc đối thủ liên quan đến nghị trình TILF.

Nhật Bản cũng cần năng động hơn trong việc phục hồi sự tham gia của xã hội dân sự trong các nhóm công tác (WG) của APEC.

Tác động chính trị của các WG hiện có thể chưa đủ mạnh để làm thay đổi APEC vào thời điểm hiện nay, song các cuộc gặp của WG lại rất hữu ích trong việc tạo ra những tranh luận về chính sách ở cấp phi chính phủ.

Việc tăng cường cơ cấu tổ chức này không chỉ tạo thuận lợi cho việc xây dựng sự đồng thuận đối với các chính sách của APEC giữa các chính phủ quốc gia và người dân của nước họ, mà còn giúp cải tổ APEC bằng việc điều chỉnh các chương trình nghị sự về các lĩnh vực chính sách mới.

Sự tham gia của các nhóm xã hội dân sự của Nhật Bản trong các WG của APEC còn hạn chế, và chính phủ cần phải khuyến khích sự tham gia và lãnh đạo của họ.

Sự tham gia của xã hội dân sự góp phần củng cố sự ủng hộ ở trong nước đối với các hoạt động của APEC. Và quan trọng hơn, kinh nghiệm thành công của Nhật Bản về dân chủ thời hậu chiến đặt nước này vào vị thế tốt nhất để thúc đẩy các thành viên không thuộc phương Tây có sự tham gia của xã hội dân sự trong APEC.

Những tranh cãi về chính sách của Nhật Bản đang có xu hướng tập trung vào vấn đề tự do hóa thương mại và đầu tư dựa trên luật pháp hơn là tạo ra các phương thức hoạt động của APEC dựa trên sự đồng thuận.

Tuy nhiên, vai trò của APEC không chỉ bị giới hạn trong những phương thức này. Các lĩnh vực chính sách như sự phát triển của SME, phát triển nguồn nhân lực và sự dịch chuyển lao động có thể chỉ là thứ yếu sau tự do hóa thương mại, nhưng những vấn đề đó cung cấp những nền tảng cần thiết cho một tiến trình tự do hóa lâu dài.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc và tác động ảnh hưởng từ những căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung Quốc đang dần làm lu mờ vai trò lãnh đạo "tự nhiên" của Nhật Bản trong hợp tác kinh tế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, bằng việc dựa vào ảnh hưởng đối với chính sách kinh tế và cam kết lâu dài của họ với chủ nghĩa đa phương, Nhật Bản có thể giành lại vị thế của họ và APEC trong tiến trình này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục