Tương lai bất định của các cơ sở nhân giống sư tử tại Nam Phi

Các cơ sở nhân giống sư tử tại Nam Phi bị cấm hoạt động nhưng chính phủ không đưa ra các hỗ trợ tài chính nào khiến các chủ sở hữu sư tử lo lắng về triển vọng sinh kế của họ.
Một chú sư tử con được nuôi nhốt cho mục đích thương mại trong trang trại tư nhân ở tỉnh North West, Nam Phi. (Ảnh: Hồng Minh/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, việc Nam Phi ngừng nhân giống động vật lớn nuôi nhốt và lệnh cấm sử dụng sư tử để kiếm lợi nhuận thương mại đã khiến một số cơ sở nhân giống giống mèo lớn này lo lắng về triển vọng kinh doanh của mình.

Hồi tháng 12/2022, một nhóm công tác của Bộ Môi trường do cựu Bộ trưởng Barbara Creecy bổ nhiệm đã khuyến nghị đóng cửa ngành nhân giống, nhưng không đưa ra các hỗ trợ tài chính cho chủ sở hữu sư tử sau khi lệnh cấm có hiệu lực.

Từ tháng 4/2024, chính phủ Nam Phi đã thực hiện các khuyến nghị này mà không có thời hạn chấm dứt hoạt động nhân giống. Sau khi chính phủ mới được thành lập sau cuộc bầu cử quốc gia vào tháng Năm vừa qua, các kế hoạch về vấn đề này không có thay đổi nào.

Hiện nay, Nam Phi có hơn 8.000 con sư tử sống trong điều kiện nuôi nhốt, là quần thể sư tử nuôi nhốt lớn nhất thế giới, vượt qua quần thể sư tử hoang dã của đất nước.

Willie Le Roux, chủ sở hữu nhà nghỉ săn bắn và nhà nghiên cứu sinh sản nhân tạo động vật hoang dã, cho biết nhà nghỉ của ông đã tham gia các dự án nghiên cứu sinh sản nhân tạo của các trường đại học địa phương và quốc tế kể từ năm 2006 và vào năm 2017 đã lai tạo ra những chú sư tử con đầu tiên thông qua thụ tinh nhân tạo.

Theo ông, chính phủ không nên cấp quyền nghiên cứu, nhưng sau đó lại cắt nguồn thu nhập của hoạt động này.

Nhà nghỉ của ông Le Roux cung cấp dịch vụ cho phép khách du lịch tham gia các chuyến đi bộ giáo dục có hướng dẫn với sư tử. Nguồn thu từ hoạt động này giúp ông trả lương cho nhân viên và tài trợ hoạt động nghiên cứu.

Ông Asini Sanadi, nhân viên chăm sóc động vật tại nhà nghỉ của ông Le Roux trong 14 năm cho biết việc chấm dứt hoạt động nhân giống mèo lớn sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của ông, người đang phải lo cho cả gia đình.

Báo cáo của Bộ Môi trường Nam Phi khuyến khích chủ sở hữu cơ sở nhân giống tự nguyện rời khỏi ngành bằng cách an tử hoặc triệt sản động vật, hoặc giao chúng cho chính phủ để thả về tự nhiên hoặc chuyển đến các khu bảo tồn.

Bà Fiona Miles, giám đốc tổ chức phúc lợi động vật Four Paws tại Nam Phi cho biết: "Các tổ chức bảo tồn có thể phân bổ lại các quỹ và nguồn lực hiện đang dành cho ngành công nghiệp nuôi nhốt để hỗ trợ các nỗ lực bảo tồn thực sự.”

Theo bà Miles, các cộng đồng xung quanh khu bảo tồn động vật hoang dã và công viên quốc gia có thể đạt được lợi ích kinh tế thông qua du lịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục