Tướng Giáp trong nghiên cứu của giáo sư Hàn Quốc

Nghiên cứu về Tướng Giáp, GS-TS Ahn Kyong Hwan nhận định ông là một vị tướng văn võ song toàn, tài đức toàn vẹn, không có từ “chiến bại.”
Trước tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, giáo sư-tiến sỹ Ahn Kyong Hwan, Viện trưởng Viện Giáo dục ngôn ngữ Quốc tế, Trường Đại học Chosun - Hàn Quốc đã bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn người anh hùng dân tộc của Việt Nam. Giáo sư-tiến sỹ Ahn Kyong Hwan đã gửi Vietnam+ bài viết về Đại tướng mang tên "Chiến lược quân sự của Tướng Võ Nguyên Giáp," một lần nữa thể hiện tình cảm và sự ngưỡng mộ sâu sắc của ông đối với Đại tướng. Sau đây là nội dung bài viết của Viện trưởng Viện Giáo dục ngôn ngữ Quốc tế, Trường Đại học Chosun - Ahn Kyong Hwan. 1. Lời nói đầu Việt Nam là một nước bị nhiều nạn ngoại xâm hơn bất cứ nước nào trên thế giới và có nhiều vị anh hùng dân tộc. Ở thế kỷ 20, trong ba lần chiến tranh Việt Nam, Tướng Võ Nguyên Giáp là người đã đưa đến chiến thắng trong chiến tranh Việt Nam lần thứ nhất và thứ hai. Ông là một vị tướng được sách “Great Military Leaders anh Their Campaigns,” xuất bản tại Anh quốc vào năm 2008, bình chọn là một trong số 59 danh tướng trên thế giới trong lịch sử chiến tranh của nhân loại trong suốt 2.500 năm qua cùng với vua Alexander The Great B.C (356-B.C323), tướng Hannibal (247-B.C183), Chester William Nimitz - anh hùng đô đốc hải quân Mỹ trong Chiến tranh thế giới II. Võ Nguyên Giáp cùng với những tướng quân của Việt Nam như Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, là những vị tướng vĩ đại làm rực rỡ lịch sử Việt Nam. Tướng Võ Nguyên Giáp là người sáng lập ra Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông vừa là người chỉ huy lỗi lạc, vừa là nhà chính trị tài năng, được thế giới nhắc đến như một nhân vật huyền thoại của Việt Nam. Ông là người dẫn dắt quân dân Việt Nam đi đến chiến thắng trong cuộc chiến tranh giành độc lập với thực dân Pháp từ 1946-1954 (chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất) và từ 1960-1975 trong chiến tranh giải phóng thống nhất đất nước (chiến tranh Đông Dương lần thứ hai). Nhà lịch sử học nổi tiếng của Việt Nam, giáo sư Phan Huy Lê đánh giá: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị Đại tướng và là Tổng tư lệnh đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trong vai trò là anh cả của Lực lượng Vũ trang Nhân dân Việt Nam, Đại tướng đã thực hiện vai trò một cách trọn vẹn trong cuộc đấu tranh giành độc lập từ tay thế lực thực dân Pháp cũng như trong cuộc đấu tranh chống Mỹ thống nhất đất nước."

Bộ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh (giữa), Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp (ngoài cùng bên phải) và các đồng chí trong Bộ chỉ huy chiến dịch. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Để hiểu rõ ba lần chiến tranh xảy ra tại Việt Nam vào thế kỷ 20, ta cần phải nghiên cứu về thành tựu hoạt động của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trả lời câu hỏi vì sao một người chưa được huấn luyện về quân sự, chỉ giảng dạy lịch sử ở trường học, lại có thể chỉ đạo quân sự xuất sắc trong việc đấu tranh giành được độc lập và thống nhất đất nước? Việc nghiên cứu thành tựu của Tướng Võ Nguyên Giáp trong vai trò là một Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân là một nội dung rất quan trọng trong việc tìm hiểu dân tộc Việt Nam và chiến tranh Việt Nam thế kỷ 20. 2. Hoàn cảnh gia đình và thời niên thiếu Tướng Giáp sinh ngày 25/8/1911 tại thôn An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, miền Trung Việt Nam và qua đời ngày 4/10/2013. Phụ thân của ông là Võ Quang Nghiêm (phụ mẫu là Nguyễn Thị Kiên), là một nho sinh thất bại trong khoa cử, sinh kế bằng nghề thầy đồ và bốc thuốc tại quê nhà. Ông phản đối sự cai trị của thực dân Pháp, tham gia phong trào vận động chống Pháp, bị bắt đưa về nhà tù Huế và mất trong tù, sau ngày thống nhất đất nước 30/4/1975, hài cốt của ông mới được di dời về chôn cất tại quê nhà. Tướng Giáp có tất cả bảy anh chị em (ba nam, bốn nữ), nhưng anh cả và chị lớn qua đời sớm, còn lại Tướng Giáp và em là Võ Thuần Nho (Thứ trưởng Bộ Giáo dục). Vốn sinh trưởng trong một dòng họ lớn tại làng An Xá, phụ thân lại là một nhà Nho học nên  Tướng Giáp từ nhỏ đã được giáo dục rất nghiêm khắc, được dạy về Khổng Tử, Mạnh Tử và Tân học của Tây phương. Học xong lớp 3, Tướng Giáp đến làng Đồng Hới cách nhà 20km, ở trọ nhà bạn của phụ thân và học hành ở đó. Năm 1925, ông thi tốt nghiệp trường tiểu học Đồng Hới, với kết quả đứng đầu toàn tỉnh Quảng Bình. Sau khi tốt nghiệp tiểu học, ông dự định nhập học trường nhà nước nên chuyển vào Huế, Thủ đô của Nhà Nguyễn lúc bấy giờ. Ông đã đỗ vào trường Quốc học Huế, đứng thứ hai sau Nguyễn Thúc Hào. Hai năm sau, ông bị đuổi học sau khi cùng với Nguyễn Chí Diểu, Nguyễn Khoa Văn, Phan Bôi tổ chức một cuộc bãi khóa. Cụ thể vụ việc, vào tháng 4/1927 có xảy ra việc vận động bãi khóa tại trường Quốc học Huế; bạn của ông là Nguyễn Chí Diểu bị nhà cầm quyền thực dân Pháp cho là nhân vật cầm đầu trong cuộc bãi khóa nên cuối cùng bị đuổi học. Võ Nguyên Giáp phản đối việc Diểu bị đuổi học, đã trực tiếp tổ chức vận động bãi khóa, khiến phong trào lan rộng ra các cấp trường học khắp thành phố Huế, dĩ nhiên sau đó Giáp cũng bị đuổi học. Sau khi rời trường Quốc học Huế trở về quê, bỗng một hôm Nguyễn Chí Diểu tìm gặp Võ Nguyên Giáp, mang theo một tập tài liệu về “Liên đoàn các dân tộc bị áp bức trên thế giới” và một số văn kiện cuộc họp của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội ở Quảng Châu, Trung Quốc, trong đó có hai bài phát biểu của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Các tài liệu này đã khiến Võ Nguyên Giáp thực sự xúc động. Mùa Hè năm 1928, Giáp trở lại Huế đi theo con đường của chiến sỹ cách mạng. Nhờ Nguyễn Chí Diểu giới thiệu, ông đã tham gia Tân Việt Cách mạng Đảng, một đảng theo chủ nghĩa dân tộc nhưng có màu sắc cộng sản thành lập năm 1924 ở miền Trung Việt Nam. Nguyễn Chí Diểu cũng giới thiệu Võ Nguyên Giáp vào làm việc ở Huế, tại nhà xuất bản do Đào Duy Anh sáng lập và ở báo Tiếng dân của Huỳnh Thúc Kháng. Tại đây, Võ Nguyên Giáp bắt đầu học nghề làm báo, được trang bị lý luận về cách mạng, dân tộc, xã hội, kinh tế. Tháng 10/1930, trong sự kiện Xô Viết Nghệ Tĩnh, Võ Nguyên Giáp bị bắt và bị giam ở Nhà lao Thừa phủ (Huế), cùng với nhiều nhà yêu nước khác là người vợ đầu là Nguyễn Thị Quang Thái, em trai là Võ Thuần Nho và các giáo sư Đặng Thai Mai, Lê Viết Lượng... Cuối năm 1931, nhờ sự can thiệp của Hội Cứu tế của Pháp, Võ Nguyên Giáp được trả tự do nhưng lại bị Công sứ Pháp tại Huế cấm không cho ở lại Huế. Sau đó, năm 1937, ông ra Hà Nội nhập học vào trường Albert Sarraut và sau ba năm, ông đã đậu bằng cử nhân luật. Tuy nhiên, do bận rộn hoạt động cách mạng, năm 1938, ông đã bỏ dở năm thứ 4 chương trình học Kinh tế và Chính trị mà không nhận được bằng luật sư. Từ năm 1936-1939, Võ Nguyên Giáp đã tham gia phong trào Mặt Trận Dân Chủ Đông Dương, là Chủ tịch Ủy ban Báo chí Bắc Kỳ trong phong trào Đông Dương đại hội. Ông cũng hoạt động với tư cách là ký giả của các báo bằng tiếng Pháp, báo Tin tức, báo Dân chúng. Tháng 5/1939, Võ Nguyên Giáp nhận dạy môn lịch sử tại Trường Tư thục Thăng Long, Hà Nội, do Hoàng Minh Giám làm hiệu trưởng. Người vợ đầu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Nguyễn Thị Quang Thái. Bà bị nhà cầm quyền Pháp bắt giam và mất trong tù vào năm 1940. Liệt sỹ Thái hy sinh khi còn rất trẻ, bà được biết đến như một hình tượng người vợ-người mẹ yêu nước, đảm đang. Đại tướng Võ Nguyên Giáp và vợ đầu có một con gái tên là Võ Hồng Anh, bà đã mất năm 2009 lúc 68 tuổi. Sau khi bà Nguyễn Thị Quang Thái hy sinh, sau đó ít lâu, Tướng Giáp đã tái hôn với Đặng Bích Hà, con gái của nhà cách mạng Đặng Thai Mai vào năm 1946 và sinh được hai trai, hai gái. 3. Khởi đầu hoạt động quân sự Để gặp Hồ Chí Minh, Tướng Giáp đã sử dụng tên giả là Dương Hoài Nam cùng Phạm Văn Đồng qua Cao Bằng sang Trung Quốc. Gặp Võ Nguyên Giáp tại Trung Quốc, Hồ Chí Minh đã biết ngay đây là một nhân vật xuất chúng nên liên lạc với Đảng Cộng sản Trung Quốc, tiến cử ông đến khu quân sự Diên An học quân sự. Tuy nhiên khi Võ Nguyên Giáp đang đến Diên An thì Hồ Chí Minh gọi ông trở về. Sở dĩ Tướng Giáp phải trở về là vì có phán đoán rằng tại châu Âu, phátxít Đức đã xâm lược nước Pháp thì tại Đông Dương cũng sẽ có những chuyển biến lớn, phải triệt để lợi dụng tình hình và đón thời cơ này. Vào năm 1940, Tướng Giáp đã gia nhập đảng Cộng sản Đông Dương, bắt đầu hoạt động trong Việt Nam độc lập Đồng minh hội. Vào Tết âm lịch năm 1941, Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp về nước theo đường Cao Bằng, chuẩn bị cho cuộc cách mạng tại hang Bắc Pó, sau đó tổ chức thành công cuộc Cách mạng Tháng Tám. Tướng Giáp đã tham gia xây dựng căn cứ cách mạng và xây dựng khu huấn luyện quân sự cho Việt Minh tại Cao Bằng. Ngày 22/12/1944, theo chỉ đạo của Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân tại chiến khu Trần Hưng Đạo với 34 người, là tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Chỉ huy Võ Nguyên Giáp đọc Quân lệnh số I trong ngày thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - tiền thân của QĐND Việt Nam ngày 22/12/1944 tại Cao Bằng. Ảnh: TTXVN
Ngày 14/8/1945, Võ Nguyên Giáp trở thành Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, sau đó là Ủy viên Thường vụ Trung ương, tham gia Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc. Sau ngày Cách mạng Tháng Tám, ông là Bộ trưởng Bộ nội vụ, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trong chính phủ lâm thời và là Tổng tư lệnh Quân đội và Dân quân tự vệ; là Bộ trưởng Quốc phòng trong Chính phủ Liên hiệp trong thời gian đến tháng 7/1947, và từ tháng 7/1948 đến tháng 2/1980. Từ năm 1954-1982, ông là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ủy ban quân sự trung ương, Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam. Từ năm 1955-1991 là Phó Chủ tịch Ủy ban quốc phòng. Năm 1991, ở tuổi 80, ông về hưu, rời khỏi chức Phó Thủ tướng và Ủy viên Trung ương Đảng. Trong 50 năm hoạt động quân sự và chính trị của Tướng Giáp thì suốt 30 năm ông là anh hùng dân tộc trong vai trò là Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, là một danh nhân quân sự kiệt xuất sống mãi trong lòng người Việt Nam. 4. Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất Khi chiến tranh Đông Dương lần thứ 1 nổ ra vào ngày 19/12/1946 thì Võ Nguyên Giáp, với chức vụ là Tổng tư lệnh kiêm Bí thư Ủy ban quân sự, là tướng chỉ huy đã chiến thắng trong chiến tranh chống thực dân Pháp giành độc lập trong suốt 9 năm. Tướng Giáp chưa trải qua một trường huấn luyện quân sự nào, chưa mang cấp bậc nào trong quân đội nhưng ông được phong chức đại tướng đầu tiên của Quân đội Việt Nam ở tuổi 37 vào ngày 28/5/1948. Tháng 8/1948, ông là Ủy viên Hội đồng Quốc phòng Tối cao vừa mới được thành lập. Trong 9 năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp, ông đã có sáng kiến chiến thuật vượt trội, huấn luyện quân đội để có thành tích chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Năm 1954, Hồ Chí Minh và Đảng Lao động đã trao toàn quyền chỉ huy cho Tướng Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông xây dựng kế hoạch hành quân, chỉ huy 4 Sư đoàn (các Sư đoàn 308, 304, 312, 316). Ngày 13/3/1954, quân đội Hồ Chí Minh bắt đầu tổng tấn công và ngày 7/5/1954, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, chấm dứt sự thống trị của thực dân Pháp trong suốt 83 năm, nước Việt Nam độc lập hoàn toàn. 5. Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai Pháp rút ra khỏi Việt Nam, Việt Nam cho rằng đồng thời đạt được độc lập và thống nhất đất nước, nhưng theo Hiệp định Geneve năm 1954 thì đất nước lại bị chia cắt thành Nam-Bắc tại Vĩ tuyến 17. Để thống nhất Nam-Bắc thì tiến hành chiến tranh thống nhất là điều bất đắt dĩ. Trong thời gian chiến tranh Đông dương lần thứ 2, Tướng Giáp được phong chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ủy ban quân sự Trung ương, Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; từ năm 1955-1991 là Phó Chủ tịch trong Hội đồng Nội các. Tướng Giáp là tướng chỉ huy chiến tranh thống nhất đất nước trong cuộc chiến tranh Đông dương lần 2 này. Từ năm 1954-1956, Tướng Giáp đã chủ trương vừa đấu tranh hòa bình vừa yêu cầu chính quyền miền Nam tuân thủ Hiệp định Genever để thống nhất Việt Nam nhưng Chính quyền Ngô Đình Diệm tuyên bố chính sách “Tố cộng-Diệt cộng” vừa lờ đi yêu cầu này. Tháng 1/1959, nhận thấy rằng việc tuân thủ Hiệp định Genever không còn khả năng thực hiện, Trung ương Đảng mở Đại hội mở rộng lần thứ 15, Tướng Giáp đã chủ trương thống nhất Nam-Bắc bằng đấu tranh vũ lực và được Đại hội quyết nghị thông qua. Để xây dựng hệ thống phục vụ quân đội thông qua dãy Trường sơn, Sư đoàn 559 được thiết lập, gia tăng chiến tranh du kích ở miền Nam, tổ chức Mặt trận Giải phóng Miền Nam thăng cấp đơn vị là trung đoàn. Năm 1964, được sự chấp thuận của Bộ Chính trị, Võ Nguyên Giáp một mặt bí mật tuyển chọn Nguyễn Chí Thanh, Lê Trọng Tấn phái vào chiến trường Đông Nam Bộ, phong chỉ huy quân đội Giải phóng miền Nam, một mặt để gây thanh thế chiến tranh đã thành lập Sư đoàn 1, 2, 3, 5, 7 và 9.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các vị lãnh đạo Quân ủy Trung ương theo dõi diễn biến Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Ảnh: TTXVN
Vào năm 1968, với quyết định của Bộ Chính trị và các nhà lãnh đạo, Hà Nội đã quyết định tổng tấn công vào Tết Mậu Thân âm lịch. Trong cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân, thiệt hại về người rất nhiều nhưng đã đạt được thành quả là có thể chuyển thành cuộc chiến tranh rộng lớn, mở rộng dư luận phản chiến trên toàn thế giới và tại Mỹ, buộc Mỹ phải chất dứt ném bom miền Bắc, thực hiện hiệp định đình chiến và buộc toàn thể quân đội nước ngoài phải rút lui khỏi Việt Nam. Năm 1973, ngay sau khi quân đội nước ngoài rút đi thì vào ngày 30/4/1975, tổng tiến công miền Nam thống nhất toàn bộ đất nước bằng vũ lực. 6. Chiến lược quân sự của Tướng Giáp Suốt 30 năm từ năm 1945-1975, đối với hai nước Mỹ và Pháp, Việt Nam là nước đối phương hết sức ngoan cường trong chiến tranh, vì vậy mục tiêu chiến tranh và phương pháp tiến hành cũng buộc phải khác nhau. Vào năm 1945, Việt Nam ở thời kỳ đầu tuyên ngôn độc lập cũng chưa xây dựng được thể chế chính phủ, tổ chức quân sự cũng chỉ mới ở bước đầu. Nhà chính trị học Ivan Arrenguin-Toft của Đại học Harvard, Mỹ, đã phân tích cuộc chiến tranh giữa các nước nhược tiểu và cường quốc với sự chênh lệch dân cư và lực lượng quân sự 10 lần trong vòng 200 năm qua đã kết luận tỷ lệ chiến thắng của cường quốc là 71.5%, trong chiến đấu không theo luật của nước mạnh thì nước yếu có tỷ lệ thắng được là 63.6%. Bí quyết chiến thắng của người yếu là từ chối quy tắc của người mạnh và hoàn toàn sử dụng chiến lược sáng tạo mới. Việt Nam chiến thắng Mỹ trong chiến tranh chính là Việt Nam hiểu được những hạn chế của mình. Để khắc phục điều này, Việt Nam đã có các chiến lược quân sự - do Đảng quyết định, cũng có thể gọi là chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chiến lược của Tướng Võ Nguyên Giáp. Các chiến lược đó là: Thứ nhất, Chiến lược Ba mũi giáp công, là chiến lược công kích địch ba phương hướng, vừa đấu tranh trong vũ trang quân sự, vừa đấu tranh trong chính trị, đồng thời kích động địch. Trong thời kỳ mới thành lập nước, Việt Nam trực diện chiến đấu với cường quốc là việc không thể bảo đảm thành công được. Vì vậy, phải giảm đối đầu quân sự, động viên phương tiện chính trị, mở rộng phong trào dư luận phản chiến ra thế giới, khuấy động địch để ý chí chiến đấu của địch yếu đi, hoặc thực hiện vừa đấu tranh chính trị vừa đấu tranh vũ lực ở mức tối thiểu. Thứ hai, Chiến lược Du kích. Đây là chiến tranh mà đối tượng là nước Mỹ và Pháp có tiềm lực quân sự mạnh, nên Việt Nam cần có thời gian để vũ trang, chỉnh đốn tổ chức quân sự và gia tăng sức mạnh. Đương nhiên, chiến lược mà Việt Nam phải chọn là phát triển và mở rộng du kích chiến ra toàn quốc. Đối phó với chiến thuật tốc chiến tốc thắng của địch thì chiến thuật du kích được coi như là kỹ thuật làm chậm đối phương. Thứ ba, Chiến lược Đoàn kết đại đồng. “Giúp bạn nghĩa là giúp mình” của tư tưởng Hồ Chí Minh là giúp người bạn Lào và Campuchia để mở rộng hợp sức hàng ngũ đấu tranh độc lập, tăng cường năng lực, sức đấu tranh, bền bỉ tập hợp đại đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh trong tất cả mọi lĩnh vực, thực hiện phong trào “Thi đua yêu nước” một cách liên tục, cổ xúy tinh thần yêu nước của nhân dân. Thứ tư, Chiến lược Nổi dậy liên tục, là chiến lược thủ thế khi địch tấn công và bất ngờ tấn công một cách liên tục dồn địch vào thủ thế. Thứ năm, Chiến lược "1 trong 2,” là chiến lược mà toàn dân tại nơi sinh kế của mình cầm súng lên “một tay là búa, một tay là súng” hoặc “một tay là cái cày, một tay là cây súng,” vũ trang toàn dân, toàn dân tham gia chiến tranh do dân, vì dân mà thực hiện chiến tranh độc lập và thống nhất. Những chiến lược này đã giúp một nước Việt Nam mới thành lập với nền kinh tế lạc hậu, thiếu vũ khí và binh lực, đã trở thành nước hiện đại hóa, tiến hành chiến tranh chống các nước mạnh giành thắng lợi, giành độc lập, thống nhất đất nước. 7. Kết luận Nghiên cứu về Tướng Giáp, ta có thể rút ra các điểm chính như sau: Thứ nhất, trong những câu chuyện nói về Tướng Giáp không thể thiếu những từ bổ trợ như "tối cao," "đầu tiên," "trường thọ nhất." Thứ hai, Tướng Giáp là người đỗ đầu trong kỳ thi tốt nghiệp tiểu học trong toàn tỉnh Quảng Bình. Ông học xong lớp 3, đến Đồng Hới cách xa nhà đến 20km ở nhà bạn của phụ thân để học tập. Ở tuổi còn thơ, xa cha mẹ mà tốt nghiệp tiểu học đỗ đầu toàn tỉnh Quảng Bình, thi đậu vị thứ hai vào Trường Quốc học Huế đã chứng minh rằng Tướng Giáp rất thông minh. Thứ ba, Tướng Giáp được sinh ra trong một gia đình truyền thống yêu nước, con một nhà nho, một nhà ái quốc hoạt động chống Pháp, bị bắt và bị mất trong tù.nên ông luôn khắc phục khó khăn, chỉ đi theo con đường thống nhất và độc lập đất nước. Thứ tư, với tinh thần của Khổng giáo và với cương vị một lãnh đạo quân đội, Tướng Giáp tuyệt đối trung thành với đất nước, có nhân phẩm, trọng chữ tín. Hoàn cảnh gia đình tuy không dư dả nhưng ông được học tập Nho học và tư tưởng nhân văn từ phụ thân. Do phản đối việc bạn là Nguyễn Chi Diểu bị đuổi học, ông vận động bãi khóa nên cũng bị đuổi học và chính việc này đã mở đường cho sự nghiệp cách mạng của mình, vươn tới đỉnh cao, cùng quân dân Việt Nam giành lại độc lập, thống nhất đất nước. Thứ năm, về quan hệ giữa Quân đội Nhân dân Việt Nam với Tướng Giáp có thể nói “Quân đội Việt Nam chính là Tướng Giáp, Tướng Giáp chính là Quân đội Việt Nam.” Ngày 22/12/1944, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tướng Giáp đã thành lập Đội Tuyền truyền Giải phóng quân gồm có 34 người, là tiền thân của Quân đội Nhân dân Giải phóng. Từ đó đến năm 1991, ông đã xây dựng quân đội, chỉ huy, tham gia chính sách quốc phòng, trong đó có 50 năm là Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trong lịch sử thế giới, có lẽ không có quốc gia nào có người đảm nhiệm cương vị Tổng tư lệnh quân đội trong thời gian dài như Tướng Giáp. Thứ sáu, Tướng Giáp là vị tướng rất có đạo đức, luôn dạy các các chỉ huy dưới cấp mình phải coi trọng sinh mạng của binh sỹ. Đó không chỉ là vấn đề sinh mạng con người mà còn vì Việt Nam rất khó khăn trong xây dựng nhiều đơn vị quân đội khi là một nước nhỏ.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm các thương binh đang điều trị tại Quân y viện 108 (nay là Bệnh viện TW Quân đội 108) năm 1969. Ảnh: TTXVN
Thứ bảy, Tướng Giáp sử dụng chiến lược quân sự do Đảng quyết định rất hiệu quả, là một Tổng tư lệnh trong lịch sử nhân loại làm cho cường quốc quân sự Mỹ phải hổ thẹn. Dù trong tình hình chiến đấu khó khăn cực độ, ông vẫn nói “Vì Mỹ không biết rõ người Việt Nam nên sẽ thất bại ở Việt Nam,” luôn luôn lạc quan với chiến thắng của Việt Nam và lời nói này đã thành sự thật. Trong suốt 2.500 lịch sử chiến tranh của nhân loại, Tướng Giáp được bình chọn là một trong 59 danh tướng của thế giới và trong danh sách này, ông là tướng duy nhất vẫn còn sống vào thời điểm bình chọn. Việt Nam đã sinh ra một nhà chiến lược thiên phú và Tướng Giáp là niềm tự hào của Việt Nam. Trong lúc đất nước đang lâm vào tình cảnh “đèn treo trước gió,” Tướng Giáp đã giúp đỡ Chủ tịch Hồ Chí Minh, là Tổng chỉ huy của hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Bất kỳ một quân nhân nào cũng ngưỡng vọng một vị tướng tài danh như Tướng Giáp. Để hiểu hiểu rõ chiến tranh Việt Nam xảy ra trong thế kỷ 21 thì việc nghiên cứu Tướng Giáp là việc cần thiết trước tiên. Nghiên cứu về Tướng Giáp, một vị tướng văn võ song toàn, tài đức toàn vẹn, không có từ “chiến bại” sẽ luôn là đề tài cho các chiến lược gia quân sự, các nhà nghiên cứu của Việt Nam và thế giới cho đến mãi về sau./.
Ahn Kyong Hwan (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục