Tướng Al-Sissi sẽ ra tranh cử tổng thống Ai Cập?

Tướng Al-Sisi sẽ ra tranh cử tổng thống Ai Cập?

Dư luận Ai Cập hiện đang bàn tán về việc Bộ trưởng Quốc phòng Ai Cập, Tướng Abdel Fattah Al-Sisi sẽ ra tranh cử tổng thống.

Dư luận Ai Cập hiện đang bàn tán về việc Bộ trưởng Quốc phòng Ai Cập, Tướng Abdel Fattah Al-Sisi sẽ ra tranh cử tổng thống trong cuộc bầu cử dự kiến trong đầu năm tới tại nước này.

Trong bài trả lời phỏng vấn báo Al-Seyassah của Kuwait, được công bố tuần này, Tướng Sisi, người từ trước đến nay vẫn giữ im lặng về khả năng tham gia ứng cử tổng thống của mình, đã hé lộ về vấn đề này.

Khi được hỏi về việc tham gia ứng cử tổng thống của ông, Tướng Al-Sisi nói: " Liệu điều đó có đáp ứng được kỳ vọng của người dân? Việc này có làm hài lòng một số cường quốc nước ngoài hay không? Phải chăng điều đó giải quyết được các vấn đề của Ai Cập? Cho dù thế nào, chúng ta nên chờ đợi xem những gì sắp tới sẽ xảy ra."

Những phát biểu trên của Al-Sisi gây nhiều phản ứng trên sân khấu chính trị. Đối với một số người, đây là bằng chứng cho thấy Tướng Sisi đi ngược lại với những phát biểu trước đó khẳng định ông "không quan tâm đến quyền lực." Đã nổ ra cuộc tranh luận gay gắt giữa những người ủng hộ Al- Sisi làm ứng viên tổng thống và những người phản đối ông, muốn có một tổng thống dân sự.

Tuần báo Al Ahram trích dẫn ý kiến của Khaled Abdel- Hamid, một trong những người sáng lập của mặt trận Con đường Cách mạng (một phong trào ủng hộ một nhà nước dân chủ, dân sự), cho biết: "Chúng tôi từ chối việc Al-Sisi ứng cử tổng thống. Đó sẽ là một bước lùi. Một trong những mục tiêu của cuộc cách mạng ngày 25 tháng Giêng là tạo ra một nhà nước dân sự và dân chủ. Chúng tôi muốn có một tổng thống dân sự. Điều đó không phải là do việc tổng thống trước đó Mohamad Morsi là dân sự và vì thế mà thất bại, và cũng không phải cách chuyển đổi duy nhất cho Ai Cập phải là một tổng thống quân sự."

Theo ông, cho đến nay, Al- Sisi đã không làm gì để đạt được các mục tiêu của cuộc cách mạng. Khaled Abdel- Hamid nói: "Những kẻ sát nhân của những người tử vì đạo vẫn còn được tự do kể từ tháng Giêng năm 2011. Công bằng xã hội, dân chủ và cuộc đấu tranh chống tham nhũng vẫn là những giá trị còn thiếu của xã hội chúng ta. Chúng tôi sẽ tiếp tục giúp đỡ người dân để lựa chọn một ứng cử viên dân sự và từ chối việc ứng cử của Al- Sisi."

Những người bác bỏ việc đề cử Tướng Sisi dựa trên một thực tế rằng quân đội lên nắm quyền từ ngày 23/7/1952 và lãnh đạo đất nước trong 60 năm. Trong thời gian này, một loạt bốn tướng lĩnh đã kế tiếp nhau nắm quyền lực (Mohamad Naguib, Gamal Abdel Nasser, Anwar Sadat và Hosni Mubarak), nhà nước cảnh sát đã được tăng cường và không có tiến bộ về mặt tự do.

Mona Ezzat, nhà hoạt động nữ và sáng lập viên của Đảng Bánh mì và Tự do, cho biết: "Vấn đề không phải ở chính bản thân Al-Sisi, mà là quyền hạn quá mức được dành cho quân đội trong Hiến pháp. Quân đội đã trở thành một nhà nước trong một nhà nước. Thủ tướng Chính phủ không được lựa chọn Bộ trưởng Quốc phòng. Quân đội có quyền xét xử thường dân tại các tòa án quân sự và ngân sách của họ được giữ bí mật."

Nhưng đối với những người khác, việc Al-Sisi là một ứng viên tổng thống không phải là bước thụt lùi, vì nếu được bầu, đó sẽ một cách dân chủ. Đây là ý kiến của Magdi Gibberish, Tổng thư ký của đảng Tập hợp. Ông lập luận rằng Al-Sisi ứng cử tự do như tất cả các ứng viên khác, và cho rằng: "Sự hiện diện của Al-Sisi với tư cách là người đứng đầu đất nước không nhất thiết có nghĩa là quân đội sẽ cai trị đất nước, bởi vì chúng ta hướng tới một chế độ dân chủ."

Ông Gibberish nói thêm: "Tôi tin rằng thành phần của Quốc hội sắp tới sẽ xác định bản chất của chế độ được hình thành chứ không phải là nhân thân của tổng thống."

Một số người xem quân đội như bức tường thành duy nhất chống lại "mối đe dọa Hồi giáo." Nhiều người cho rằng nếu không có sự giúp đỡ của quân đội, không thể loại bỏ được chính quyền của Anh em Hồi giáo, và khi đó Anh em Hồi giáo sẽ độc quyền trong nhiều năm.

Từ ngày 30/6, một số phong trào vận động cho việc ứng cử của Al-Sisi. Một chiến dịch có tên gọi Kammel guemilak đã chính thức ra mắt vào tháng 9 vừa qua nhằm thu thập 30 triệu chữ ký ủng hộ việc ứng cử của Tướng Al-Sisi.

Khaled Al-Adawi, điều phối viên của chiến dịch, cho biết "những người phụ trách sẽ tổ chức các cuộc họp tại các nhà máy lớn để giải thích lý do tại sao chúng ta phải hỗ trợ Al-Sisi. Tướng Al-Sisi là người duy nhất có thể lãnh đạo đất nước này trong thời gian khó khăn này. Al-Sisi ủng hộ và giúp người dân thoát khỏi chế độ của Anh em Hồi giáo."

Chuyên gia Hani Raslane tại Trung tâm nghiên cứu chính trị và chiến lược (CEPS) khẳng định sau sự sụp đổ của Anh em Hồi giáo, không có lực lượng chính trị nào có thể thay thế quân đội. Ông nói "Quân đội vẫn sẽ là một 'người chơi' quan trọng trên chính trường và tình trạng này sẽ kéo dài trong nhiều năm"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục