Tuổi thọ trung bình của người dân ở khu vực Tây Thái Bình Dương hiện là 77, tăng gần gấp đôi so với 75 năm trước. Thành quả này có được nhờ đổi mới sáng tạo và đầu tư y tế cộng đồng trong nhiều thập niên qua.
Đây là đánh giá được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương đưa ra ngày 14/4 nhân kỷ niệm 75 năm thành lập tổ chức này.
Theo WHO, cách đây 75 năm khi tổ chức này mới ra đời, người dân ở khu vực Tây Thái Bình Dương có tuổi thọ từ 40-50 tuổi.
Phó Tổng Giám đốc WHO, bà Zsuzsanna Jakab, nhấn mạnh WHO đang hợp tác với các nước và đối tác để tăng cường sức khỏe người dân, đảm bảo an toàn cho thế giới, hỗ trợ những người dễ bị tổn thương để tất cả người dân thế giới có được sức khỏe và hạnh phúc ở mức cao nhất."
Theo bà, hiện là thời điểm đánh giá những thành tựu đạt được, phát huy chúng và nỗ lực hơn nữa để nâng cao chất lượng cuộc sống cho tất cả người dân, trong đó có người dân ở khu vực Tây Thái Bình Dương.
[Liên minh châu Âu đối mặt vấn đề già hóa dân số do tỷ lệ sinh thấp]
Văn phòng WHO khu vực Tây Thái Bình Dương cho biết bệnh đậu mùa và bại liệt từng là mối đe dọa với sức khỏe cộng đồng tại khu vực này. Tuy nhiên, bệnh đậu mùa đã được thanh toán vào năm 1980 và khu vực này không ghi nhận sự lây lan của virus bại liệt trong môi trường hoang dã kể từ năm 2000.
Số ca tử vong do sốt rét tại khu vực cũng giảm 88% qua nhiều thập kỷ. Hiện có thêm nhiều bà mẹ và trẻ em ở khu vực này được cứu sống. Hầu hết các ca sinh nở đều được các nhân viên y tế hỗ trợ và tỷ lệ trẻ em được tiêm vaccine phòng bệnh đạt tới 90%.
Tuy nhiên, WHO cũng cảnh báo bất chấp tiến bộ đạt được, mục tiêu đảm bảo sức khỏe cho tất cả người dân vẫn là bài toán khó. Tuổi thọ tại một số nước vẫn thấp hơn, thậm chí là tới 10 năm, so với mức trung bình của khu vực. Chưa kể, quá nhiều người vẫn chưa tiếp cận được với dịch vụ y tế chất lượng do gánh nặng tài chính.
Do đó, vẫn còn nhiều việc cần phải giải quyết và các mối đe dọa vẫn đang đặt ra các thách thức cho thành tựu y tế đạt được sau nhiều thập kỷ qua./.