Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ngày 14/1 Tunisia đánh dấu 7 năm diễn ra các cuộc biểu tình tại Tunisia dẫn tới lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Zine El-Abidine Ben Ali vào ngày 14/1/2011.
Hàng trăm người đã tham gia biểu tình trên đại lộ Habib Bourguiba ở thủ đô Tunis, vốn là tâm điểm của làn sóng biểu tình năm 2011.
Cuộc biểu tình do Nghiệp đoàn lao động UGTT và một số chính đảng đối lập phát động, trong bối cảnh các cuộc biểu tình bạo lực bùng phát tại Tunisia trong tuần qua sau khi một số biện pháp kinh tế khắc khổ của chính phủ có hiệu lực từ đầu tháng 1/2018 khi thực thi ngân sách mới trong khi giá cả leo thang.
Hơn 1.000 người cũng tập trung bên ngoài các văn phòng của Nghiệp đoàn lao động UGTT, với các khẩu hiệu phản đối tình trạng giá cả leo thang và các biện pháp kinh tế khắc khổ của chính phủ.
Trong khi đó, đảng Ennahdha thuộc liên minh cầm quyền và đảng Mặt trận Nhân dân của Thủ tướng Youssef Chahed cũng kêu gọi xuống đường tuần hành.
[Biểu tình tiếp diễn, Tunisia bắt giữ gần 800 đối tượng quá khích]
Bộ Nội vụ Tunisia cho biết hơn 800 người đã bị bắt giữ kể từ ngày 8/1 vừa qua sau khi xảy ra các vụ đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh. Những người này bị bắt giữ với các cáo buộc gây bạo lực, cướp bóc, phá hoại.
Ngày 13/1, Tổng thống Tunisia Beji Caid Essebsi đã triệu tập cuộc họp các đại diện các chính đảng, nghiệp đoàn và giới chủ để bàn cách giải quyết các vấn đề hiện nay.
Sau cuộc họp, Chính phủ Tunisia đã công bố một loạt cải cách xã hội, trong đó có kế hoạch tăng hỗ trợ cho các gia đình nghèo, cũng như cải thiện dịch vụ chăm sóc y tế.
Các cuộc biểu tình tại Tunisia từ tháng 12/2010 đến tháng 1/2011 dẫn tới lật đổ nhà lãnh đạo Zine El-Abidine Ben Ali vào ngày 14/1/2011 sau 23 năm cầm quyền.
Đây được xem là khởi nguồn làn sóng nổi dậy được gọi là "Mùa Xuân Arab" ở khu vực Bắc Phi-Trung Đông năm 2011, khiến nhiều nhà lãnh đạo ở Trung Đông và Bắc Phi phải rời bỏ chiếc ghế quyền lực và khu vực này rơi vào tình trạng bất ổn cho tới ngày nay.
Tunisia được nhận định có tiến trình dân chủ tương đối suôn sẻ kể từ sau cuộc chính biến năm 2011, so với những nước hiện vẫn chìm trong chiến tranh và xung đột như Syria và Yemen.
Tuy nhiên, quốc gia Bắc Phi này vẫn chưa thể thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế, nhất là sau các vụ tấn công khủng bố đẫm máu hồi năm 2015, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch của nước này.
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), sau 7 năm, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên ở Tunisia hiện ở mức trên 35%./.