Tunisia: Thủ tướng được chỉ định đệ trình danh sách nội các mới

Giới quan sát cho rằng chính phủ sắp tới của ông Jemli sẽ phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là cải cách nền kinh tế, giảm thâm hụt và giám sát nợ một cách chặt chẽ.
Tunisia: Thủ tướng được chỉ định đệ trình danh sách nội các mới ảnh 1Thủ tướng Tunisia mới được chỉ định Habib Jemli (phải) đệ trình danh sách nội các lên Tổng thống Kais Saied. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 1/1, Thủ tướng mới được chỉ định của Tunisia Habib Jemli đã đệ trình lên Tổng thống Kais Saied danh sách nội các, nhưng danh tính của các bộ trưởng mới chưa được công khai.

Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, danh sách nội các của ông Jemli sẽ được đưa ra Quốc hội vào ngày 2/1.

Nếu nhận được sự ủng hộ của đa số, chính phủ mới của Tunisia sẽ sớm nhậm chức và đi vào hoạt động.

[Tunisia: Thủ tướng được chỉ định quyết định lập chính phủ độc lập]

Giới quan sát cho rằng chính phủ sắp tới của ông Jemli sẽ phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là cải cách nền kinh tế, giảm thâm hụt và giám sát nợ một cách chặt chẽ theo yêu cầu của các nhà tài trợ quốc tế để có thể nhận được các khoản vay, giúp thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Chính phủ Tunisia tiền nhiệm đã thực hiện nhiều biện pháp cắt giảm và thắt chặt chi tiêu nhằm giảm thâm hụt ngân sách công, nhưng Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và các nhà tài trợ vẫn yêu cầu những cam kết cải cách hơn nữa.

Sau khi giành được nhiều ghế nhất trong cuộc bầu cử Quốc hội tổ chức hồi tháng 10/2019, đảng Ennahda ôn hòa đã chỉ định ông Jemli làm thủ tướng. Theo lịch trình, ông Jemli sẽ phải công bố chính phủ mới vào cuối tháng 12/2019.

Tuần trước, ông Jemli đã đề nghị Tổng thống Saied gia hạn thời gian để thành lập chính phủ, đồng thời khẳng định sẽ lựa chọn những người có năng lực, độc lập và không đại diện cho bất cứ đảng phái chính trị nào.

Trong cuộc bầu cử lập pháp Tunisia, không đảng nào giành được hơn 1/4 số ghế, buộc các đảng phải đàm phán để thành lập một liên minh cầm quyền. Tuy nhiên, tiến trình này hiện đang gặp khó khăn do một số chính đảng từ chối tham gia chính phủ liên hiệp nếu không được nắm một số vị trí bộ trưởng quan trọng.

Thủ tướng Jemli khẳng định đã vận động và sẽ nhận được sự ủng hộ của các đảng đối lập đối. Dư luận nhận định đây là thành công bước đầu của chính phủ của ông Jemli.

Tunisia là quốc gia Trung Đông - châu Phi duy nhất xây dựng thành công nền dân chủ sau cuộc chính biến Mùa xuân Arab 2011.

Sau 8 năm, nước này đang phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế, gây cản trở nhất định đối với quá trình chuyển đổi chính trị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục