Ngày 19/12, Cơ quan Bầu cử Tunisia cho biết Tunisia sẽ tiến hành vòng bỏ phiếu thứ hai cuộc bầu cử quốc hội ở nước này, vì cuộc bỏ phiếu vừa qua không đưa ra được kết quả cuối cùng.
Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Trung Đông-Bắc Phi, Chủ tịch Cơ quan Bầu cử Tunisia, ông Farouk Bouasker nói rằng chỉ 11,22% trong số hơn 9 triệu cử tri đã đăng ký của Tunisia đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử quốc hội ngày 17/12 vừa qua.
Số liệu sơ bộ cho thấy 133 trong tổng số 161 khu vực bầu cử sẽ cần tiến hành bầu cử vòng hai, với chỉ 23 ứng cử viên xác nhận có ghế trong quốc hội mới.
[Bầu cử Tunisia: Tỷ lệ bỏ phiếu ở mức thấp kỷ lục]
Cơ quan Bầu cử Tunisia cũng cho biết họ đã quyết định hủy toàn bộ hoặc một phần phiếu bầu của một số ứng cử viên do vi phạm quy định bầu cử ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng. Trước đó, cơ quan này công bố tỷ lệ cử tri tham gia ở mức thấp kỷ lục là 8,8%.
Các nhóm đối lập đã kêu gọi Tổng thống Kais Saied và Cơ quan Bầu cử Tunisia từ chức sau khi các số liệu cho thấy tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu rất thấp.
Họ đã kêu gọi tẩy chay cuộc bầu cử, đồng thời cáo buộc ông Saied đang tìm cách củng cố quyền lực sau khi đình chỉ quốc hội vào tháng 7/2021 trước khi giải tán cơ quan lập pháp vào tháng 3/2022.
Ông Mohamed Tlili Mnassri, thành viên của Cơ quan Bầu cử Tunisia, nói rằng các số liệu liên quan tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu công bố hôm 17/12 và ngày 19/12 có sự khác biệt do thiếu dữ liệu từ một số điểm bỏ phiếu và khu vực bầu cử ở tỉnh Mednine, nơi các hòm phiếu đóng cửa vào lúc 20 giờ.
Kết quả cuối cùng sẽ được công bố vào ngày 19/1/2023. Chiến dịch cho vòng bầu cử thứ hai sẽ bắt đầu từ ngày 20/1 tới, nghĩa là các cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 2/2023 tại 131 khu vực bầu cử.
Cuộc bầu cử diễn ra sau 3 tuần vận động tranh cử hầu như không gây chú ý với rất ít áp phích trên đường phố và không có cuộc tranh luận nghiêm túc nào về vấn đề phục hồi kinh tế.
Sự kiện diễn ra gần một năm rưỡi sau khi Tổng thống Kais Saied giải tán quốc hội và sau nhiều tháng bế tắc chính trị cũng như khủng hoảng kinh tế trầm trọng hơn do đại dịch COVID-19.
Lạm phát tại Tunisia hiện khoảng 10%. Tình trạng thiếu sữa, đường và xăng thường xuyên xảy ra, kéo theo làn sóng di cư ngày càng tăng./.