1. Âm nhạc nổi loạn và khác thường, nhưng ngoài đời Dương là người dễ chịu và nhẹ nhàng. Dương tận tụy và tinh tế trong những chăm sóc người khác, từ món quà nhỏ khi đi xa về hay bó hoa một dịp lễ, cũng đều thấy cái tình, tính thẩm mỹ và những quan tâm li ti của người tặng. Dương là một người Hà Nội đúng nghĩa, với sự ấm áp và hào hiệp, tử tế và nhân hậu. Nam tính của Tùng Dương không ở cơ bắp hay tỏ ra hùng hổ, mà ở sự tôn trọng phụ nữ, trong những hành xử đàng hoàng. Có Dương là bạn, đó là điều để ta yên tâm như mình có một tài sản, một thứ “của để dành”.
Tùng Dương duy mỹ không đồng phục với đám đông nghệ sỹ tự cho mình là elite thượng tầng xã hội, không chỉ âm nhạc - trang phục biểu diễn của Dương trên phương diện thời trang luôn có tính avant-garde, khước từ cái đèm đẹp phổ biến đương thời. Nhiều nhạc sỹ và ca sỹ chỉ loanh quanh trong không gian âm nhạc của chính mình, trong nhà anh ta (và cô ta) chỉ có đĩa nhạc của bản thân, (Không mở cửa để nhìn ra xung quanh, sẽ khó tỉnh táo để biết được tọa độ của chính mình, ta ở đâu và người khác đã đến đâu). Tùng Dương là một trong những nghệ sỹ chịu khó đi-đọc-xem-nghe nhiều nhất mà tôi biết.
Dương thích thơ, chăm đọc sách, giao du với giới nghệ sỹ đương đại, say mê tìm hiểu nhiều ngành nghệ thuật khác nhau, chịu khó "update" những xu hướng âm nhạc mới và sản phẩm của các nghệ sỹ độc lập trên thế giới. Vì mở rộng mình nên quan niệm nghệ thuật và âm nhạc ở Tùng Dương luôn mới, đôi khi là quá khác biệt so với hoạt động âm nhạc thường ngày trong nước. Đành rằng mỗi người một nhịp điệu, nhưng chẳng chóng thì chày, Dương sẽ “lạc bầy” mà độc hành thôi.
2. Cả nền ca hát đi trong an toàn của những thói quen chung, thì Tùng Dương - với nhu cầu phô diễn cá tính và cái Tôi mạnh mẽ, đã nhắc người ta về giá trị của sự khác biệt. Vừa xuất hiện (Sao Mai Điểm hẹn 2004), Dương đã được công chúng và giới chuyên môn đặt nhiều kỳ vọng. Thế “âm thịnh” của nhạc Việt đã chờ đợi rất lâu một giọng nam thực sự sáng tạo, mà năng lượng dữ dội và đầy mê đắm của Dương là cốc nước mát lành cho cơn khát ấy. Được “Tổ đãi”, dự án âm nhạc nào của Dương cũng thành công (kể cả về hiệu quả thương mại), vẫn nói đùa Dương rằng “chẳng tuần chay nào thấy cậu vắng nước mắt”, “Mề đay” của các giải thưởng âm nhạc lớn trong bộ sưu tập của Dương giờ đã đủ cả. Ngay cả nhạc sỹ Ngọc Đại, kẻ vừa gàn vừa kiêu số 1 của làng nhạc, còn nhún nhường nhận định: “Nhạc sỹ nào được cậu hát là một điều may mắn!”. Tôi không biết Tùng Dương có ngấm ngầm tự kiêu tự đại cho cái thế thượng phong của mình hay không? Hoặc cũng có đắc ý tự biết mình nhưng cậu không tỏ ra ta đây? Nhưng may mắn quá cũng không phải là hoàn cảnh tốt cho người làm sáng tạo. Người nghệ sỹ cần phải trải nghiệm cả sự bế tắc, sự bị từ chối, họ phải biết nơi cùng tối thì mới có động lực thúc đẩy cho khởi đầu mới.
Tôi không cầu mong, nhưng nếu có thêm một chút đắng vào con đường âm nhạc của Tùng Dương, tôi sẽ chẳng chia buồn. Bởi tôi tin, cái u tối ấy sẽ có lúc là chất liệu cần đến của Dương.
3. Không ít danh ca trả giá cho cả đời hát mà chẳng có được một âm chất Việt Nam, dù họ bỏ công nghiên cứu từ xẩm xoan cho đến quan họ, ca trù, chầu văn. Tùng Dương (lại may sao) được Trời cho, chỉ cần mở miệng là đã đậm đặc Việt Nam, ăm ắp phương Đông. Ca sỹ chuyên nghiệp sau nhiều năm mài dũa dây thanh đới, cất giọng lên là lộng lẫy Bel Canto, vượt qua 3 quãng 8 cũng chẳng phải hiếm, nhưng kỹ thuật hát “vang, rền, nền, nảy” thì đã thất truyền trong các trường nhạc. Không biết do “cái ẩn sẵn trong máu” như thế nào, mà Dương hát nảy họng hạt nhuần nhị đúng kiểu nghệ nhân cổ.
“Sound card Việt Nam” không chỉ từ giọng hát, mà ẩn trong cốt lõi tâm hồn Tùng Dương. Có tình yêu và sự cảm hiểu truyền thống, có quan điểm nghệ thuật rõ ràng (Dương ao ước sứ mệnh của mình là tạo tác sức sống tiếp dẫn trong đương đại cho âm nhạc truyền thống) – tin rằng Tùng Dương sẽ là người cất lên âm sắc Việt một cách đẹp đẽ, ấm áp và đầy kiêu hãnh…