Từng bước xóa bỏ ngập úng tại trung tâm Hà Nội

Quy hoạch thoát nước Hà Nội phải giảm thiểu và từng bước xóa bỏ tình trạng ngập úng tại trung tâm Hà Nội, các đô thị khác ở địa bàn.
Chiều 19/12, tại buổi làm việc với các sở, ngành, đơn vị tư vấn về Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch thoát nước), Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi yêu cầu Quy hoạch thoát nước này phải thực hiện được nhiệm vụ giảm thiểu và từng bước xóa bỏ tình trạng ngập úng tại đô thị trung tâm Hà Nội và các đô thị khác trên địa bàn.

Đồng thời, Quy hoạch thoát nước phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội; Quy hoạch sử dụng đất; Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ông Khôi nhấn mạnh nội dung Quy hoạch thoát nước cần thể hiện được việc thoát nước cho 10 quận và 2 huyện Từ Liêm, Thanh Trì.

Bên cạnh đó, Quy hoạch thoát nước cũng phải tính toán phương án thoát nước cho 5 đô thị vệ tinh cũng như các khu vực ven đô có ảnh hưởng trực tiếp đến đường thoát nước chung của các khu vực đô thị. Trong đó phải làm rõ việc ưu tiên chống úng ngập khi có mưa to tại các đô thị. Riêng với việc xử lý nước thải, đơn vị lập quy hoạch cần làm rõ thêm việc xây dựng hệ thống thoát nước mưa đồng bộ với hệ thống thoát nước thải; nhất là phải tính tới đồng bộ với hệ thống thu gom xử lý nước thải bệnh viện, nước thải công nghiệp.

Đặc biệt, Quy hoạch thoát nước phải tính tới vị trí các trạm xử lý nước thải đặt ở đầu nguồn hay cuối nguồn… Ngoài ra còn phải định rõ phân kỳ đầu tư theo giai đoạn; nguồn vốn để triển khai các dự án thoát nước và xử lý nước thải; diện tích thoát nước từng lưu vực cũng như hướng thoát nước...

Quy hoạch thoát nước Hà Nội đến năm 2030 sẽ tập trung vào các dự án nhằm tăng công suất tiêu nước như xây dựng mở rộng trạm bơm Yên Sở; cải tạo và xây dựng tuyến kênh hạ lưu sông Tô Lịch hiện trạng nối từ hạ lưu sông Kim Ngưu và tuyến kênh dẫn đến trạm bơm Đông Mỹ qua cửa xả Văn Điển và Đồng Trì; đầu tư nâng công suất các trạm bơm Đông Mỹ, Nam Thăng Long, Cổ Nhuế, Đồng Bông, Liên Mạc…; đồng thời, cải tạo hàng loạt cụm công trình đầu mối khác.

Quy hoạch Thoát nước cũng đề xuất giải pháp quy hoạch hệ thống thu gom và xử lý nước thải. Cụ thể tại khu vực đô thị trung tâm, vùng đô thị lõi thuộc lưu vực sông Tô Lịch, về cơ bản vẫn giữ nguyên như đã điều chỉnh quy hoạch từ năm 2010, đồng thời, tập trung xây dựng Trạm xử lý hồ Bảy Mẫu công suất 13.300m3/ngày và Trạm xử lý Công viên Yên Sở công suất 200.000m3/ngày.

Khu vực đô thị từ vành đai 2 đến sông Nhuệ và một phần đô thị lõi thuộc lưu vực Tô Lịch và Tả Nhuệ, tập trung thực hiện các dự án Trạm xử lý Yên Xá với công suất 270.000m3/ngày, Trạm xử lý Phú Đô có công suất 84.000m3/ngày.

Khu vực Phú Thượng xây dựng Trạm xử lý Phú Thượng có công suất 10.000m3/ngày và Khu vực từ sông Nhuệ đến vành đai 4 đầu tư Trạm xử lý Tân Hội với công suất 41.600-62.700m3/ngày, trạm xử lý Đức Thượng là 29.000-46.000m3/ngày…/.

Thanh Bình (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục