Sáng 10/8, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo Phát triển cụm công nghiệp ôtô thế giới và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng CIEM, cho biết chủ trương và mục tiêu phát triển ngành công nghiệp ôtô ở Việt Nam đã có từ lâu nhưng vẫn trong tình trạng “loay hoay," kém phát triển và chưa đạt kết quả như mong muốn. Nguyên nhân có nhiều, gồm cả chủ quan và khách quan nhưng chủ yếu do thị trường nhỏ, sức mua thấp trong khi lại thiếu cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích phát triển.
Trước tình hình này, Chính phủ giao các bộ, ngành tập trung nghiên cứu các biện pháp nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp sản xuất ôtô, từng bước đưa ngành này trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp thiết thực vào quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa nền kinh tế...
Bộ Công Thương đang xây dựng gói chính sách để hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp ôtô, trong đó yêu cầu đặt ra là làm sao giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp tham gia ngành này để nâng cao hiệu quả sản xuất, sức cạnh tranh của mỗi đơn vị.
Theo kinh nghiệm các nước đi trước cho thấy, Việt Nam cần chủ động huy động nguồn lực, nhất là chất xám và vốn, công nghệ để thành lập các cụm công nghiệp ôtô tập trung, mà doanh nghiệp hỗ trợ chính là lực lượng nòng cốt và từ đó xác lập chuỗi liên kết theo chiều dọc và chiều ngang để đảm nhận vai trò nhà sản xuất, cung cấp chi tiết, linh kiện ôtô.
Các đơn vị hoạt động trong cụm sẽ duy trì quan hệ bạn hàng, gắn bó với nhau một cách liên hoàn theo hướng chuyên nghiệp hóa ở mức độ cao... Tuy nhiên, vấn đề này, các chuyên gia kinh tế nhận định, còn chưa hình thành rõ ràng ở Việt Nam.
[Doanh nghiệp ôtô ra sức kích cầu, doanh số bán hàng vẫn giảm]
Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, Viện Chiến lược chính sách Công nghiệp (Bộ Công Thương), cho biết đặc điểm tổng quan về thị trường ôtô Việt Nam là một thị trường giàu tiềm năng nhờ dân số đông và có tốc độ tăng trưởng GDP cao; nhưng lại phải đối diện với sự cạnh tranh gay gắt từ đầu năm 2018 khi mà xe nguyên chiếc nhập khẩu từ ASEAN về Việt Nam có thuế suất bằng 0%.
Trong khi đó, xe do doanh nghiệp trong nước lắp ráp, sản xuất vẫn phải chịu thuế nhập khẩu đối với linh kiện bên cạnh việc tỷ lệ nội địa hóa còn ở mức thấp. Từ đó, dẫn đến việc xe trong nước có thể có giá bán cao hơn xe nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia. Thực tế này đã làm giảm năng lực cạnh tranh; đe dọa sự tồn tại, phát triển của ngành sản xuất ôtô nội địa trong bối cảnh mở cửa thị trường và người tiêu dùng có quyền quyết định mua xe từ nhiều nguồn cung khác nhau.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, gia tăng tốc độ thực hiện nội địa hóa trong sàn xuất linh kiện ôtô là mục tiêu quan trọng và lâu dài của ngành ôtô Việt Nam. Vì vậy, Chính phủ cần có những biện pháp hợp lý để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là hình thành ngành công nghiệp hỗ trợ trên cơ sở cắt giảm chi phí và ứng dụng công nghệ cao, tự động hóa...
Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết cũng cần nhận diện những yếu tố bất lợi, khó khăn của ngành công nghiệp ôtô là sức mua và dung lượng thị trường nhỏ nhưng lại phân chia ra nhiều chủng loại nên rất khó cho nhà đầu tư trong việc lựa chọn chủng loại xe để sản xuất.
Các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, áp dụng chính sách nhất quán, rõ ràng, dễ thực hiện để họ xác định định hướng, mục tiêu phát triển một cách hợp lý, ổn định.../.