Chùa Vua ở phường Phố Huế (Hà Nội) là ngôi chùa mang trong mình gần ngàn năm lịch sử với những truyền thuyết độc đáo về các cuộc đấu cờ tướng đỉnh cao đất Thăng Long-Hà thành…
Bước qua cổng tam quan là khung cảnh hàng trăm cư dân địa phương và khách tứ xứ đang vây quanh sân đánh cờ. Ai cũng háo hức mong được xem buổi phá giải của hội đấu danh giá phía Bắc và cũng là cái nôi sản sinh các bậc cao cờ.
Giữa sân, trận chung kết giải cờ tướng xuân Tân Mão 2011 giữa Trần Tuấn Ngọc và Nguyễn Anh Quân sắp khai màn.
Đây là hai kỳ thủ thẳng tiến đến tam thắng (chung kết) sau những trận đấu loại (khảo tịnh), nhất thắng, nhị thắng, đầy thuyết phục nên cuộc so tài này được đánh giá là cân tài cân sức, hứa hẹn hết sức quyết liệt.
Tại mỗi ô vuông, những "quân" cờ người khoác trên mình những sắc áo xanh, áo đỏ cũng đã vào vị trí. Nhìn bàn cờ với nào tướng, sĩ, nào tượng, xe, pháo, mã, tốt, cũng cảm nhận được thế trận biến ảo sắp được mỗi kỳ thủ dăng ra.
Giọng xởi lởi, ông Lê Văn Trường, 73 tuổi, một người dân phố Thịnh Yên cho biết, từ hơn năm trăm năm nay, cứ vào mồng 5 đến mồng 9 tháng Giêng âm lịch, những người cao cờ ở Hà Nội và danh thủ cờ tướng xuất sắc khắp nơi lại tìm về ngôi chùa này để lễ tiên Đế Thích và phân tài cao thấp.
Các kỳ thủ những nước láng giềng như Trung Quốc, Lào, Campuchia… cũng tìm sang thi đấu. Giá trị giải thưởng tuy không nhiều về vật chất song có ý nghĩa về tinh thần bởi đây là giải đấu có uy tín cao.
"Từ nhiều năm nay, hội cờ chùa Vua được thực hiện theo thể thức thi đấu của quốc tế. Xuân Tân Mão này, hơn 80 người ở khắp mọi miền trên cả nước đã về đăng ký tham gia. Những kỳ thủ kỳ cựu, kiện tướng cờ đến những tay trẻ tuổi cao cờ đều muốn được vinh danh tại giải đấu này" - Ông Trường hồ hởi nói.
Chùa Vua gồm có hai công trình tôn giáo là chùa Hưng Khánh thờ Phật và điện Thiên Đế thờ Đế Thích - vị thần có thể cải tử hoàn sinh, đồng thời đánh cờ cực kỳ giỏi - được xây dựng từ thời nhà Lê (1428-1527).
Tích "Hồn Trương Ba da hàng thịt" lưu truyền trong dân gian kể về sự việc Đế Thích đã làm sống lại một người giỏi cờ bằng cách cho hồn anh ta chết đã lâu ngày nhập vào xác của một người mới chết cho thấy quyền năng và sự mê cờ của Đế Thích.
"Chùa Vua cũng là một ngôi chùa tiêu biểu cho truyền thống nhập thế của Phật giáo Việt Nam. Từ 1926-1930, ông Nguyễn Phong Sắc, một trong những đảng viên đầu tiên của Đông Dương Cộng sản Đảng, đã dùng nơi đây làm cơ sở liên lạc. Ngày 1 tháng 10 năm 2004, chùa được gắn biển di tích cách mạng kháng chiến vì chùa là nơi hoạt động bí mật của đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Bí thư xứ ủy Trung Kỳ." Ông Trường nói xen vào.
Dưới sân, cuộc so tài đã vào hồi tàn cuộc. Giải quán quân thuộc về Nguyễn Tuấn Ngọc. Nước cờ của Ngọc trông lơi lỏng và hùng hổ, hóa ra lại phòng thủ kín nhẽ và đi rất chắc chắn. Nhưng cũng tiếc cho Quân "bún" khi nước 42 sơ suất để mất quân Pháo dẫn đến thua cờ.
Rời ngôi chùa mang trong mình hàng trăm năm lịch sử với những truyền thuyết độc đáo, chúng tôi chợt nhớ câu nói buông lửng của anh bạn Tuấn Hải, thành viên của Thăng Long kỳ đạo, nơi tập hợp những người yêu cờ tướng: "Đất Thăng Long-Hà Nội đã có Văn Miếu, Võ Miếu, Y Miếu thì có coi Chùa Vua là "Cờ Miếu" cũng là hợp nhẽ./.
Bước qua cổng tam quan là khung cảnh hàng trăm cư dân địa phương và khách tứ xứ đang vây quanh sân đánh cờ. Ai cũng háo hức mong được xem buổi phá giải của hội đấu danh giá phía Bắc và cũng là cái nôi sản sinh các bậc cao cờ.
Giữa sân, trận chung kết giải cờ tướng xuân Tân Mão 2011 giữa Trần Tuấn Ngọc và Nguyễn Anh Quân sắp khai màn.
Đây là hai kỳ thủ thẳng tiến đến tam thắng (chung kết) sau những trận đấu loại (khảo tịnh), nhất thắng, nhị thắng, đầy thuyết phục nên cuộc so tài này được đánh giá là cân tài cân sức, hứa hẹn hết sức quyết liệt.
Tại mỗi ô vuông, những "quân" cờ người khoác trên mình những sắc áo xanh, áo đỏ cũng đã vào vị trí. Nhìn bàn cờ với nào tướng, sĩ, nào tượng, xe, pháo, mã, tốt, cũng cảm nhận được thế trận biến ảo sắp được mỗi kỳ thủ dăng ra.
Giọng xởi lởi, ông Lê Văn Trường, 73 tuổi, một người dân phố Thịnh Yên cho biết, từ hơn năm trăm năm nay, cứ vào mồng 5 đến mồng 9 tháng Giêng âm lịch, những người cao cờ ở Hà Nội và danh thủ cờ tướng xuất sắc khắp nơi lại tìm về ngôi chùa này để lễ tiên Đế Thích và phân tài cao thấp.
Các kỳ thủ những nước láng giềng như Trung Quốc, Lào, Campuchia… cũng tìm sang thi đấu. Giá trị giải thưởng tuy không nhiều về vật chất song có ý nghĩa về tinh thần bởi đây là giải đấu có uy tín cao.
"Từ nhiều năm nay, hội cờ chùa Vua được thực hiện theo thể thức thi đấu của quốc tế. Xuân Tân Mão này, hơn 80 người ở khắp mọi miền trên cả nước đã về đăng ký tham gia. Những kỳ thủ kỳ cựu, kiện tướng cờ đến những tay trẻ tuổi cao cờ đều muốn được vinh danh tại giải đấu này" - Ông Trường hồ hởi nói.
Chùa Vua gồm có hai công trình tôn giáo là chùa Hưng Khánh thờ Phật và điện Thiên Đế thờ Đế Thích - vị thần có thể cải tử hoàn sinh, đồng thời đánh cờ cực kỳ giỏi - được xây dựng từ thời nhà Lê (1428-1527).
Tích "Hồn Trương Ba da hàng thịt" lưu truyền trong dân gian kể về sự việc Đế Thích đã làm sống lại một người giỏi cờ bằng cách cho hồn anh ta chết đã lâu ngày nhập vào xác của một người mới chết cho thấy quyền năng và sự mê cờ của Đế Thích.
"Chùa Vua cũng là một ngôi chùa tiêu biểu cho truyền thống nhập thế của Phật giáo Việt Nam. Từ 1926-1930, ông Nguyễn Phong Sắc, một trong những đảng viên đầu tiên của Đông Dương Cộng sản Đảng, đã dùng nơi đây làm cơ sở liên lạc. Ngày 1 tháng 10 năm 2004, chùa được gắn biển di tích cách mạng kháng chiến vì chùa là nơi hoạt động bí mật của đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Bí thư xứ ủy Trung Kỳ." Ông Trường nói xen vào.
Dưới sân, cuộc so tài đã vào hồi tàn cuộc. Giải quán quân thuộc về Nguyễn Tuấn Ngọc. Nước cờ của Ngọc trông lơi lỏng và hùng hổ, hóa ra lại phòng thủ kín nhẽ và đi rất chắc chắn. Nhưng cũng tiếc cho Quân "bún" khi nước 42 sơ suất để mất quân Pháo dẫn đến thua cờ.
Rời ngôi chùa mang trong mình hàng trăm năm lịch sử với những truyền thuyết độc đáo, chúng tôi chợt nhớ câu nói buông lửng của anh bạn Tuấn Hải, thành viên của Thăng Long kỳ đạo, nơi tập hợp những người yêu cờ tướng: "Đất Thăng Long-Hà Nội đã có Văn Miếu, Võ Miếu, Y Miếu thì có coi Chùa Vua là "Cờ Miếu" cũng là hợp nhẽ./.
Anh Tùng (TTXVN/Vietnam+)