Tưng bừng lễ kỷ niệm 110 năm du lịch Sa Pa

Lễ kỷ niệm 110 năm du lịch Sa Pa với nhiều hoạt động văn hóa bản địa đặc sắc đã diễn ra tối 2/11, tại thị trấn Sa Pa.
Tưng bừng lễ kỷ niệm 110 năm du lịch Sa Pa ảnh 1Chương trình nghệ thuật trong đêm khai mạc. (Ảnh: Thanh Hà/TTXVN)

Tối 2/11, tại thị trấn Sa Pa (Lào Cai), Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm du lịch Sa Pa với nhiều hoạt động văn hóa bản địa đặc sắc, tái hiện quá trình lịch sử hình thành và phát triển của khu du lịch Sa Pa.

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và nhiều lãnh đạo các bộ ban ngành Trung ương đã dự lễ.

Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, cảnh quan thiên nhiên, góp phần xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo của Sa Pa, tạo động lực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương đồng thời là cơ hội tuyên truyền, quảng bá, khai thác tiềm năng du lịch, thu hút du khách đến với Lào Cai và Sa Pa trong những năm tới.

Thị trấn Sa Pa xưa là cao nguyên Lồ Suối Tủng rừng rậm, âm u thuộc trại Ngòi Bo, sau là Tổng Hướng Vinh Châu Thủy Vĩ, tỉnh Hưng Hóa. Cách đây 110 năm, vào mùa đông năm 1903, đoàn thám hiểm của sở địa lý Đông Dương trong khi tiến hành đo đạc xây dựng bản đồ trên tỷ lệ 1/100.000 đã khám phá ra cảnh quan cao nguyên Lồ Suối Tủng và làng Sa Pả. Đoàn thám hiểm đã đặt tên cao nguyên và ghi danh vào bản đồ là (Cao trạm Sa Pa).

Sự kiện này trở thành dấu mốc lịch sử phát hiện ra Sa Pa. Đặc biệt, ở Sa Pa còn có Bãi đá cổ nằm trong thung lũng Mường Hoa rộng 3km2 với khoảng trên 200 hòn đá kích thước khác nhau được chạm khắc nhiều hình vẽ tả thực, hoa văn, dấu hiệu của chữ viết cho đến nay vẫn chưa được giải mã.

Di tích này đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học và được đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Vịnh, Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai cho biết: Nhận thấy tiềm năng du lịch của vùng, trải qua các thời kỳ lịch sử khác nhau, nhân dân các dân tộc Sa Pa cùng với chính quyền đã xây dựng Sa Pa trở thành “thiên đường” du lịch của Việt Nam.

Mỗi năm, Sa Pa thu hút hàng chục vạn du khách trong và ngoài nước đến tham quan, doanh thu dịch vụ du lịch có tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt từ 35% đến 40%/năm. Cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch không ngừng được tăng lên. Hiện Sa Pa có 162 khách sạn, nhà nghỉ với gần 2.500 phòng, trong đó có 47 khách sạn đạt từ 1 đến 4 sao.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã biểu dương những cố gắng phấn đấu của đảng bộ và nhân các dân tộc Sa Pa trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp, công nghiệp, đặc biệt là du lịch. Chính vì vậy, trong bối cảnh kinh tế cả nước có nhiều khó khăn, nhưng với sự đóng góp hiệu quả của ngành công nghiệp "không khói", Sa Pa đã góp phần đưa Lào Cai đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế như mục tiêu đề ra.

Nằm ở độ cao trên 1.500m so với mực nước biển, Sa Pa có khí hậu ôn đới mát mẻ quanh năm, nhiệt độ trung bình trong năm từ 15ºC đến 18ºC, nhiều khi xuống dưới 0ºC và có năm có tuyết rơi. Sa Pa còn có Fansipan là đỉnh núi cao nhất Đông Dương cách mực nước biển 3.143m.

Phía Tây của huyện có Khu Bảo tồn Thiên nhiên Hoàng Liên Sơn đã được xây dựng từ năm 1994 nhằm gìn giữ phần rừng còn lại trên triền núi Fansipan. Sa Pa là nơi có nhiều cảnh quan đẹp, hấp dẫn khách du lịch với những cánh rừng Sa mu xanh ngát xen những biệt thự, nhà thờ cổ kính mang nhiều dáng dấp của các thành phố Châu Âu, các thác nước, hang động, làng bản dân tộc… Đây là nơi sinh sống lâu đời của 6 dân tộc: Kinh, H’Mông, Dao, Tày, Dáy và Xá Phó với nhiều di tích, lễ hội, phong tục tập quán, kiến thức bản địa, và các hoạt động văn hóa nghệ thuật dân gian đặc sắc, tiêu biểu là Chợ Văn hóa - Giao duyên Sa Pa (chợ Tình).

Nhân dịp này, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã trao bằng công nhận 2 kỷ lục đối với 2 danh thắng của huyện Sa Pa là “Đèo dài nhất Việt Nam - Ô Quy Hồ” và “Thửa ruộng bậc thang có nhiều bậc nhất”./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục