Lễ hội đền Huyền Trân Công chúa được tổ chức thường niên vào ngày mồng Chín tháng Giêng (âm lịch) hàng năm là một hoạt động văn hoá có ý nghĩa tri ân, ghi nhận và tưởng nhớ Công chúa Huyền Trân.
Huyền Trân công chúa là con gái vua Trần Nhân Tông với Bảo Thánh hoàng hậu họ Trần, là em gái vua Trần Anh Tông. Bà sinh năm Đinh Hợi 1287. Là công chúa trong hoàng tộc xinh đẹp, dịu dàng nhưng một sự kiện ngoại giao của nhà Trần đã dẫn dắt cuộc đời bà qua khổ ải để cuối cùng phải đến với thiền môn.
Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ 2 năm 1285, hai vương triều Đại Việt và Champa đã kề vai sát cánh trên trận tuyến chống kẻ thù chung. Sự liên minh khắng khít đã làm cho thượng hoàng Trần Nhân Tông trong chuyến vân du Chiêm Thành năm 1301 đã hứa gả công chúa út của mình là công chúa Huyền Trân cho vị vua lân bang trẻ tuổi có chí lớn. Lúc đó Huyền Trân khoảng 14 tuổi.
Năm năm sau, khi Huyền Trân đã trưởng thành, sứ bộ đã đến kinh đô xin định sính lễ. Triều đình Đại Việt phân vân, rốt cục vua Anh Tông đã thực hiện lời hứa của thượng hoàng, và công chúa Huyền Trân đã hy sinh tình riêng, vì dân tộc chấp nhận kết hôn cùng với Chế Mân. Sứ bộ đã dâng sính lễ trọng hậu là đất hai châu Ô, Lý (vùng đất Thuận Hóa - Phú xuân - Thừa Thiên Huế ngày nay) và rước công chúa vu quy về Vijaya.
Tháng 7 năm 1306, đoàn hải thuyền vượt biển về Nam. Đến cửa Ô Long, đoàn thuyền ghé nghỉ. Xúc động vì sự xuất giá của em gái, vua Anh Tông đã cho đổi tên cửa biển này là Tư Dung hải môn, để bày tỏ nỗi niềm của mình và nhắc nhở cho đời sau mãi mãi nhớ đến sự hi sinh vì nghĩa lớn của nàng công chúa Việt Nam.
Các triều đại sau đều sắc phong bà là thần hộ quốc. Vua triều Nguyễn ban chiếu đền ơn công chúa "trong việc giữ nước giúp dân, có nhiều linh ứng", nâng bậc tăng là "Trai Tĩnh Trung Đẳng Thần."
Để ghi nhớ công ơn của Công chúa, Triều đình nhà Nguyễn đã lập miếu Đại Đế Vương ở làng Lịch Đợi, phường Đúc, Thành phố Huế, thờ các vị khai quốc công thần, trong đó có Công chúa Huyền Trân. Tiếc là miếu thờ này ngày nay không còn.
Đến đầu năm 2006, Trung tâm Văn hóa Huyền Trân được khởi công xây dựng. Một năm sau đó, ngày 26 tháng 3 năm 2007, công trình khánh thành nhân kỷ niệm tròn 700 năm Thuận Hóa - Phú Xuân.
Lễ hội đền Huyền Trân được tổ chức hằng năm, thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc nhằm tri ân các bậc tiền nhân đã có công với dân, với nước trong việc mở mang bờ cõi nước Việt.
[Tưng bừng lễ hội đền Huyền Trân tri ân người có công với nước]
Lễ khai hội được mở đầu bằng chương trình nghệ thuật sử thi đặc sắc, với chủ đề “Ngưỡng vọng tiền nhân”, tái hiện cuộc đời và công lao to lớn của Công chúa Huyền Trân - người cách đây hơn 700 năm đã dấn thân “Nước non ngàn dặm ra đi…/Mượn màu son phấn/ Đền nợ Ô, Ly”, hy sinh tình riêng để góp nên vùng Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế có vị thế xứng đáng trong lịch sử của đất nước.
Sau phần dâng hương và các nghi lễ truyền thống tại Điện Huyền Trân công chúa, đền thờ vua Trần Nhân Tông, lễ hội còn có nhiều hoạt động mang tính tâm linh như cầu nguyện "quốc thái dân an," lễ hội hoa đăng; trưng bày, triển lãm và giới thiệu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ; tổ chức một số trò chơi dân gian, hoạt động truyền thống như cờ tướng, cờ người, võ thuật, thư pháp, biểu diễn nghệ thuật ca múa, vẽ chân dung, vẽ tranh...
Trung tâm Văn hóa Huyền Trân là quần thể kiến trúc gồm ngôi đền thờ Đức vua Trần Nhân Tông và ngôi đền thờ Huyền Trân công chúa nằm cách thành phố Huế 7 km về phía Tây, tại vùng núi Ngũ Phong thuộc phường An Tây trên khuôn viên rộng 28ha, có đồi núi thoai thoải, rừng thông xung quanh, bốn mặt là đồi núi trùng điệp.
Công trình bao gồm đền thờ và tượng đồng bà Huyền Trân công chúa, tháp chuông Hòa Bình, hệ thống đường đạo, công viên. Bên trong đền thờ Huyền Trân có pho tượng công chúa Huyền Trân ngồi trên ngai được đúc bằng đồng. Tượng cao 2,37m, do các nghệ nhân đúc đồng nổi tiếng của phường Đúc, thành phố Huế cẩn tác.
Phía sau là đền thờ đức vua Trần Nhân Tông-vị vua có công lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, có pho tượng nhà vua bằng đồng đỏ nguyên chất, cao 3m, nặng 2 tấn được đúc theo phiên bản lấy từ đền thờ các vua Trần tại Nam Định.
Đến với Trung tâm văn hóa Huyền Trân, du khách sau khi thắp hương cầu nguyện công chúa Huyền Trân và các bậc công thần khai quốc, có thể thả bước dưới những tán thông già, ngắm nhìn tượng ni sư Hương Tràng, cầu nguyện trước tượng Di Lặc và chinh phục 246 bậc cấp lên đỉnh núi Ngũ Phong đến với tháp chuông Hòa Bình.
Ở độ cao 108 mét có tháp chuông Hòa Bình với quả chuông đồng nguyên chất nặng 1,6 tấn, cao 2,16 mét, khắc 8 chữ "Thế giới-Hòa Bình-Nhân loại-Hạnh phúc" cùng hình ảnh tượng trưng của bốn chùa Giác Lâm (Thành phố Hồ Chí Minh), Thiên Mụ (Huế), Diên Hựu (Hà Nội) và chùa Trúc Lâm Yên Tử (Quảng Ninh)./.