Tưng bừng lễ hội chọi trâu lâu đời nhất cả nước

Đến hẹn lại lên, 17 tháng Giêng (tức 26/2), lễ hội chọi trâu lâu đời nhất Việt Nam được tổ chức tại xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc.
“Dù ai đi đâu ở đâu/ Tháng giêng mười bảy chọi trâu thì về”... Đến hẹn lại lên, ngày 17 tháng Giêng (tức 26/2), lễ hội chọi trâu lâu đời nhất Việt Nam được tổ chức tại xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc. Lễ hội chọi trâu cổ nhất Theo các ghi chép còn lưu giữ lại (thư tịch cổ và các bản Ngọc phả đời Lê Trung Hưng và gần đây nhất là Địa chí Vĩnh Yên), hội chọi trâu Hải Lựu (Sông Lô) có từ thế kỷ thứ II trước công nguyên (tức cách nay khoảng 2.200 năm). Sử sách ghi lại: Khi đó, thừa tướng Lữ Gia đóng quân ở vùng núi Long Động-Lập Thạch chống lại quân Hán đã đặt ra trò đấu ngưu (hội chọi trâu) để mua vui, động viên tinh thần binh sỹ và dân chúng. Sau đó, dù thắng hay thua, các chú trâu chọi đều bị giết thịt để khao quân. Sau khi Lữ Gia mất, dân làng Hải Lựu tôn ông làm thành hoàng làng. Hội chọi trâu được nhân dân lưu truyền qua nhiều đời, dần dần trở thành một cổ tục truyền thống của địa phương. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, lễ hội đã bị gián đoạn, đến năm 2002 mới được khôi phục trở lại. Các "chiến ngưu" tham gia lễ hội được người dân tôn kính gọi là ông Cầu. Các ông Cầu được mua về từ các tỉnh Lào Cai, Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ… qua tuyển chọn kỹ càng theo những tiêu chí như mình trường, móng hến, đuôi trai, sừng khum, mắt đỏ  hay "sừng cánh đá, má bình vôi." Đặc biệt các ông Cầu phải đủ 250 vanh (vòng ngực) trở lên mới được thi đấu…


Chọi trâu Hải Lựu (Ảnh: PV/Vietnam+)
Trâu khi mua về được chăm sóc, huấn luyện bằng chế độ đặc biệt trong suốt hơn nửa năm. Đến ngày 15 tháng Giêng, các ông Cầu phải làm lễ tấu trình ở vọng đài tưởng niệm tâm linh để kính cáo với thánh thần là trâu được tham gia vào hội. Một chủ trâu cho biết: Trâu chọi phải được chăm sóc với một chế độ chăm sóc và luyện tập đặc biệt. Hàng ngày, trâu phải được rèn luyện thể lực và tắm sạch sẽ. Thức ăn của trâu thường gồm cỏ, cây ngô non và mật mía. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hàng đầu để có được một chú trâu hay là việc luyện tập cho “ông Cầu.” Mỗi chú trâu có một kiểu sừng riêng và đó là vũ khí chính của “chiến ngưu” khi xung trận. Bởi vậy, người huấn luyện phải biết quan sát đặc điểm đôi sừng đó để huấn luyện cho “ông Cầu” những thế đánh riêng. Đắt như thịt trâu Hải Lựu Năm nay lễ hội Chọi Trâu Hải Lựu thu hút 28 "ông Cầu" của 19 thôn và 9 tổ chức, đoàn thể trong xã tham gia. Lễ hội kết thúc, cả trâu thắng và thua đều được giết thịt để cúng tế trời đất, người chủ trâu cũng được chia phần là bộ sừng để làm kỷ vật. Với quan niệm ăn thịt trâu chọi sẽ gặp nhiều may mắn, sức khỏe và tài lộc nên du khách đến xem đều cố gắng mua cho kỳ được mặc dù giá bán không hề rẻ. Theo ghi nhận của phóng viên, giá thịt trâu dao động từ 250-400 ngàn đông/kg. Giá thịt trâu chọi ở vòng loại bị thua, những chủ trâu mang đi mổ thịt bán từ 500.000-800.000đ/kg. Còn những con trâu tiến xa hơn (tức vào vòng bán kết) bán với giá 1 triệu đồng/kg. Cùng với đó, đầu trâu có giá 800 ngàn đồng đến một triệu đồng/cái; tim trâu giá 500 ngàn đồng/kg.


Thịt trâu chọi được quan niệm sẽ mang lại may mắn cả năm (Ảnh: PV/Vietnam+)
Đặc biệt, đối với “ông Cầu” giành giải nhất, giá bán lên tới ba triệu đồng/kg. Mức giá này giảm dần đối với hai “đấu sỹ” giành giải nhì và giải ba (lần lượt là 2 triệu đồng và 1 triệu đồng/kg). Anh Nguyễn Nam (Hà Nội) chia sẻ: “Dù đắt nhưng mỗi năm chỉ có một lần; hơn nữa, với hy vọng năm mới mọi sự may mắn, thuận lợi nên tôi vẫn mua thịt trâu về làm quà cho cả gia đình.” Tại lễ hội năm nay, chú trâu số 10 của ông Đỗ Duy Hùng (thôn Đồng Chủ) đã giành chiến thắng và giành được phần thưởng trị giá là 40 triệu đồng trước khi được… “khao quân” với giá ba triệu đồng/kg. Đại diện Ban tổ chức cho biết, trong quan niệm dân gian, những làng nào có ông Cầu chiến thắng thì năm đó làng gặp nhiều may mắn, mọi người mạnh khỏe, mùa màng bội thu./.
Phương Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục