Tưng bừng khai hội Chùa Hương

Tưng bừng khai hội Chùa Hương và hội Gióng đền Sóc

Ngày 5/2, tức mùng 6 tháng Giêng, lễ hội Chùa Hương và lễ hội Gióng, hay còn gọi lễ hội đền Sóc, đã tưng bừng diễn ra.
Tưng bừng khai hội Chùa Hương và hội Gióng đền Sóc ảnh 1Một hoạt động tại Lễ hội đền Sóc. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Sáng mùng 5/2 (mùng 6 tháng Giêng), lễ hội Chùa Hương - lễ hội lớn và kéo dài nhất trong năm đã diễn ra. Ước tính ngay trong ngày khai hội đã có khoảng 5 vạn du khách hành hương về đất Phật.

Lễ khai hội Chùa Hương được tổ chức trang trọng và nhanh gọn với tinh thần tôn vinh nét đẹp truyền thống văn hóa Việt Nam. Chủ đề này sẽ xuyên suốt thời gian tổ chức lễ hội với nhiều hoạt động như tổ chức đêm thơ nguyên tiêu, triển lãm ảnh chùa Việt và lễ khánh đạt Quan Thế Âm... Bên cạnh đó, nhà chùa sẽ thường xuyên tuyên truyền nhân dân hành lễ đảm bảo tính tôn nghiêm, lành mạnh tại cửa Phật, không cúng đồ mặn, đốt vàng mã, rải tiền lẻ...

Sau lễ khai hội, du khách thập phương đổ dồn vào động Hương Tích và các chùa, động khu vực bên trong để lễ Phật. Theo ghi nhận, lễ hội Chùa Hương năm nay mặc dù vẫn đông nhưng không còn cảnh chen lấn, ùn tắc như mọi năm.

Để phục vụ du khách đến với lễ hội Chùa Hương năm 2014, ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Đức cho biết năm nay, huyện bố trí 4.300 phương tiện vận chuyển, trong đó có 4 thuyền chuyên làm nhiệm vụ vớt rác dòng suối Yến kiêm thực hiện nhiệm vụ cứu hộ. Khu vực nước sâu sẽ được cắm cọc cảnh báo và treo phao cứu sinh đề phòng bất trắc xảy ra.

Khu vực bán hàng ăn được quy hoạch với 14 cửa hàng, có quy định chặt chẽ trong vấn đề đảm bảo vệ sinh môi trường, giá cả và không kinh doanh động vật hoang dã.

Huyện cũng huy động tới 170 chiến sỹ công an chốt giữ tại 13 trạm làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự.

Trước đó, Công an huyện Mỹ Đức đã thực hiện điều tra cơ bản công tác an ninh trật tự, giải quyết các vụ tồn đọng tại xã Hương Sơn trước khi vào hội, răn đe các đối tượng, làm cam kết không vi phạm pháp luật trong thời gian diễn ra lễ hội, kiểm tra các dịch vụ kinh doanh nhạy cảm, kinh doanh có điều kiện.

Theo ước tính của Ban tổ chức Lễ hội Chùa Hương, từ ngày mùng 2 đến 6 Tết, có khoảng 17-18 vạn lượt du khách trẩy hội Chùa Hương.

Cũng trong sáng 5/2 (mùng 6 Tết), tại Khu du tích đền Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn) lễ hội Gióng (hay còn gọi lễ hội đền Sóc) đã tưng bừng diễn ra nhằm tưởng nhớ thượng đẳng phúc thần Phù Đổng Thiên Vương. Hàng vạn người dân và khách thập phương đã tham dự lễ hội.

Hồn cốt của lễ hội chính là lễ dâng hương hoa, vật phẩm của các xã lân cận khu vực đền Sóc, bao gồm lễ dâng hoa tre-ngựa sắt của xã Phù Linh, dâng voi chiến của xã Tiên Dược, dâng trầu cau của thôn Đan Tải (xã Tân Minh), dâng ngà voi của xã Đức Hòa, cỏ voi của xã Xuân Giang, rước kiệu tướng của xã Bắc Phú, dâng cầu húc của thôn Xuân Dục (xã Tân Minh).

Tại lễ hội có tục “cướp” hoa tre, trầu cau và một số lễ phẩm khác của người tham gia lễ hội nhằm cầu mong may nắm trong năm.

Ngày mùng 7/2 (mùng 8 Tết), lễ hội tiếp tục với lễ dâng hương, báo cáo tổng kết lễ hội và lễ tế của thôn Phù Mã, Dược Thượng, hóa ngựa, voi - vật chiến của Đức Phù Đổng Thiên Vương.

Ngoài phần lễ, phần hội cũng diễn ra tại Khu di tích đền Sóc Sơn với nhiều trò chơi dân gian đặc sắc như biểu diễn trống hội do Nhà hát cải lương Trung ương thực hiện, múa cung đình do nhân dân xã Phù Linh biểu diễn, múa lân do xã Tiên Dược biểu diễn, võ thuật do Câu lạc bộ võ thuật Sóc Sơn biểu diễn cùng với chương trình hát quan họ, các trò chơi dân gian, giải bóng chuyền hơi.

Lễ hội kéo dài đến hết ngày 7/2 (mùng 8 tháng Giêng âm lịch)./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục