Trong khuôn khổ Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2018, sáng 1/12, tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai, Ban tổ chức Festival tổ chức Lễ khai mạc đồng loạt các hoạt động thuộc sự kiện này.
Các hoạt động thuộc Festival như Nghi lễ, lễ hội truyền thống; Nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian, đan lát, dệt thổ cẩm; Diễn xướng sử thi, hát dân ca; Triển lãm tranh ảnh, tư liệu; Công bố tour du lịch cộng đồng; Hội thảo Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng của các dân tộc Tây Nguyên đồng loạt được khai mạc.
[Infographics] Cồng chiêng Tây Nguyên là Kiệt tác văn hóa của nhân dân
Mỗi mảng sự kiện mang một sắc thái, màu sắc bản địa riêng nhưng nhìn chung tổng thể các sự kiện này đều rất đặc sắc, sôi động và thể hiện tính cộng đồng dân tộc cao.
Tại Lễ khai mạc các hoạt động của Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2018, Ban tổ chức đã trao hơn 200 Giấy chứng nhận cho cá nghệ nhân có tham gia có đóng góp cho việc bảo tồn và phát huy các hoạt động văn hóa dân gian của các địa phương. Đồng thời, tặng cờ lưu niệm cho các đội nghệ nhân về tham dự các hoạt động tại Festival lần này.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, bà Huỳnh Nữ Thu Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai gửi lời cảm ơn sâu sắc đến toàn thể nghệ nhân các thế hệ trên địa bàn năm tỉnh Tây Nguyên đã đóng góp sức mình trong việc lưu giữ và tiếp tục phát triển các hoạt động văn hóa đặc trưng vùng miền, nhất là trong lĩnh vực cồng chiêng.
Bà Huỳnh Nữ Thu Hà cũng cho biết tỉnh Gia Lai nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cơ quan, ban ngành cấp trên trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của nhân loại./.