Tại một quầy bán thịt ở một chợ dân sinh, một phụ nữ xách chiếc túi dứa vào mua hàng. Cô chọn mua 3 loại thịt, và dù liên tục nhắc người bán hàng “cho chung vào một túi được rồi,” nhưng người bán vẫn cẩn thận cho mỗi loại thịt vào một chiếc túi nylon mỏng màu đỏ, trước khi cho toàn bộ vào một chiếc túi nylon khác rồi giao cho khách.
Đó là một nghịch lý hiện nay giữa những người mua hàng muốn giảm thiểu rác thải nhựa và những người bán hàng chỉ muốn bán hàng thật nhanh chóng và tiện lợi. Điều này cho thấy những vấn đề cần suy nghĩ trong các chiến dịch kêu gọi giảm thiểu rác thải nhựa hiện nay.
Thay đổi thói quen của người bán thay vì người mua
Đồ nhựa có thể nói là phát minh vĩ đại của nhân loại, được ứng dụng trong mọi khía cạnh của cuộc sống, trong đó có sản phẩm chai nhựa, túi nylon. Đây là những sản phẩm khi mới ra đời góp phần quan trọng vào tiện ích sống của con người, giúp thực phẩm được bảo quản tốt hơn, việc mua bán được thuận lợi hơn.
Hà Nội: Phấn đấu 100% siêu thị không sử dụng túi nylon khó phân hủy
Tuy nhiên, về lâu dài, tiện ích cùng với chi phí rẻ đã khiến rác thải nhựa trở nên nhiều đến mức không kiểm soát được, gây ảnh hưởng lớn đến môi trường sống, đặc biệt đối với các loài động vật trong tự nhiên.
Do chi phí rẻ, túi nylon tại các chợ dân sinh thường được làm từ chất liệu tái chế, nguy hại cho sức khỏe, đặc biệt khi đựng các loại đồ ăn nóng. Khi thiêu hủy dưới dạng đốt, chúng sẽ hình thành nên các loại khí độc.
Trong những năm gần đây, các chiến dịch truyền thông nhằm hạn chế rác thải nhựa đã phát huy được một số tác dụng đáng kể trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ, với các chương trình đổi rác thải nhựa lấy đồ dùng, vật trang trí cho gia đình, truyên truyền hạn chế sử dụng túi nylon.
Đặc biệt, nhiều người đã tự giác trong việc giảm rác thải nhựa trong các hoạt động đi chợ, mua bán hàng ngày bằng việc tự mang túi, mang đồ đựng thực phẩm, hoặc yêu cầu người bán hàng giảm bớt các lớp túi nylon khi giao đồ.
Bên cạnh đó, hình ảnh những người phụ nữ lớn tuổi kéo những chiếc xe kéo xinh xắn bằng inox cũng đã hết sức phổ biến trong các khu chợ truyền thống. Trong chiếc xe đó, bên cạnh thịt, cá vẫn bọc trong túi nylon, đã có những bó rau, quả bưởi được để trực tiếp không cần túi bọc, giúp giảm thiểu một lượng đáng kể các túi nylon sử dụng hàng ngày.
Ở các địa phương, nhiều mô hình của phụ nữ đã được triển khai, lan rộng như “đi chợ bằng giỏ nhựa,” “đi chợ bằng làn nhựa,” “nói không với túi nylon,” “bán làn cỏ để loại bỏ túi nylon”…
Tuy nhiên, không phải người bán hàng nào cũng sẵn sàng chung tay giảm rác thải nhựa, đặc biệt là những người buôn bán tại các khu chợ truyền thống. Nguyên nhân chính vẫn là từ sự “quen tay” của những người bán hàng, sự tiện lợi của các loại túi nylon giá rẻ cũng như tâm lý “một chiếc túi thì không giải quyết được gì.”
Trên thực tế, trung bình một ngày một người bán hàng sử dụng từ vài chục tới vài trăm chiếc túi nylon, gấp nhiều lần những người mua hàng. Điều này đặt ra một câu hỏi về đối tượng của các chiến dịch tuyên truyền về rác thải nhựa.
Tại các siêu thị, có thể thấy ngoại trừ hệ thống Mega Market Việt Nam vẫn cương quyết giữ vững chính sách không sử dụng túi nylon từ nhiều năm nay, các siêu thị khác vẫn sử dụng túi nylon để phục vụ khách hàng.
Nhiều siêu thị đã cải tiến bằng cách sử dụng túi phân hủy sinh học, loại túi được cho là thân thiện với môi trường vì có chứa tinh bột, giúp lên men thành phần hạt nhựa, đẩy nhanh quá trình phân hủy xuống còn 5 đến 10 năm.
Tuy nhiên, các túi nylon được thải ra môi trường trong quá trình phân hủy vẫn có thể gây hại nghiêm trọng đến môi trường và các loài động vật khi nuốt phải.
Tại hệ thống Aeon Mall, khách hàng sẽ được trừ 1.000 đồng nếu không lấy túi nylon. Tuy nhiên, nhiều nhân viên siêu thị vẫn tự động lấy túi nylon đựng đồ cho khách thay vì hỏi trước khách có cần túi không. Có khách hàng cho biết họ thường chỉ mua một mặt hàng nhỏ, và sẵn sàng vui vẻ cất vào túi xách nếu như nhân viên siêu thị gợi ý họ có thể không sử dụng túi.
Chiến dịch truyền thông vẫn phải chịu thua thực phẩm “take away”?
Cách đây vài năm, trên mạng xã hội có rất nhiều chiến dịch kêu gọi một thương hiệu càphê lớn của Việt Nam phục vụ cho khách tại chỗ bằng các loại cốc sứ, thìa kim loại thay vì cốc nhựa, thìa nhựa.
Tuy nhiên, cho đến hiện tại, hãng này vẫn giữ nguyên cách phục vụ cốc nhựa tại chỗ cho khách hàng, còn những page, bài viết kêu gọi hầu như đã rơi vào quên lãng. Các cửa hàng của thương hiệu càphê này vẫn luôn tấp nập khách, kéo theo một lượng khổng lồ các loại cốc, thìa nhựa sử dụng một lần.
Không chỉ có thương hiệu càphê nói trên, hiện tại rất nhiều các thương hiệu cà phê lớn cho giới trẻ tại Hà Nội sử dụng cốc dùng một lần cho khách hàng uống tại chỗ. Các loại cốc được phục vụ thường là cốc giấy được ép thêm một lớp nylon, khiến cho sau khi vứt bỏ chúng gần như không thể tái chế được, trở thành rác thải chôn lấp.
Giải thích cho việc sử dụng loại cốc này, nhiều quán cho biết với lượng khách quá lớn, nhân lực, thời gian và không gian dành cho việc rửa, làm khô cốc trước khi quay vòng cho khách gần như không đáp ứng được. Mặt khác, theo họ, các loại hóa chất rửa bát cũng gây tác động đáng kể đến môi trường sống. Vì vậy, cốc giấy, bát giấy dùng một lần vẫn là giải pháp tối ưu.
Bên cạnh đó, nhiều khách hàng cũng "thỏa hiệp" với hình thức phục vụ này, cũng như hài lòng với các loại hộp xốp, thìa nhựa khi mua đồ ăn take away, dù là mua về nhà ăn. Những sự tiện lợi "nho nhỏ" này đã khiến cho lượng rác thải nhựa ngày càng chồng chất tại các nhà máy xử lý rác vốn đang quá tải của Việt Nam.
Tuy nhiên, khách hàng không thể lựa chọn được hình thức phục vụ, mà quyền quyết định vẫn thuộc về người bán. Do đó, sự chuyển đổi trong ngành F&B sẽ đóng góp tích cực nhất vào sự giảm thiểu lượng rác thải nhựa dùng một lần của Việt Nam.
Báo cáo của Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho thấy hiện nay, gần 50% sản phẩm nhựa được thiết kế, sản xuất phục vụ mục đích sử dụng một lần và sau đó thải bỏ. Chỉ có một phần rác thải nhựa được thu hồi- tái chế, một phần được xử lý bằng biện pháp thiêu, đốt hoặc chôn lấp, phần còn lại không được thu gom triệt để theo dòng chảy gây ô nhiễm sông ngòi, biển và đại dương.
Theo tính toán của các chuyên gia, mỗi ngày có khoảng 1 triệu túi nylon được sử dụng và thải ra tại Việt Nam. Trung bình, mỗi ngày mỗi người sẽ sử dụng từ 6-10 túi nylon, kéo theo một lượng rác thải lớn.
Đặc biệt, các loại túi nylon được sử dụng tại các cửa hàng và siêu thị là loại túi siêu mỏng, bền dai chắc, khó phân hủy. Loại túi này có giá trị thu hồi và tái chế thấp, nên ít được đội ngũ “đồng nát” lựa chọn, và đích đến của chúng thường là các bãi chôn lấp rác thải tập trung.
Bên cạnh đó, do tính chất mỏng nhẹ, túi nylon còn bị 1 bộ phận người dân thiếu ý thức vứt bỏ tại các kênh rạch, sông hồ, cống rãnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sống./.