Cho rằng khung thuế bảo vệ môi trường với túi nilon tại Việt Nam là rất thấp so với các nước, lãnh đạo Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh khung này từ mức 30.000-50.000 đồng/kg hiện tại lên mức 40.000-200.000 đồng/kg.
Đây là một phần đáng chú ý trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế bảo vệ môi trường đang được Bộ Tài chính công bố lấy ý kiến.
[Mặt trận Tổ quốc sẽ giám sát xử lý ô nhiễm môi trường ở các địa phương]
Theo đại diện ngành tài chính, mức thuế bảo vệ môi trường với túi nilon hiện là 40.000 đồng/kg, tương đương khoảng 200-400 đồng/túi (1kg túi nilon có thể có từ 100-200 túi).
Với khung thuế hiện tại với mặt hàng này là 30.000-50.000 đồng/kg, lãnh đạo Bộ Tài chính tính toán, nếu nâng mức thuế lên tối đa là 50.000 đồng/kg thì cũng chỉ tương đương từ 250-500 đồng/túi.
Dẫn kinh nghiệm các nước khác, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, nhiều nước trên thế giới đang áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường cao hoặc thậm chí cấm sản xuất, bán, sử dụng túi nilon.
Cụ thể, ở Anh, mức thuế với túi nilon là 15cent/túi, tương đương 4.500 đồng/túi; tại Iceland là 15cent/túi, tương đương 4.500 đồng/túi; ở Hong Kong, mức thuế là 0,05USD/túi, tương đương 1.050 đồng/túi,…
Ngoài ra, một số nước khác còn cấm sản xuất, bán, sử dụng túi nilon mỏng, ví dụ như Trung Quốc đã cấm sản xuất, bán, sử dụng túi nilon có độ dày nhỏ hơn 0,025mm.
“Như vậy, khung và mức thu thuế bảo vệ môi trường đối với túi nilon của Việt Nam là rất thấp so với các nước trên thế giới, nên chưa có tác động nhiều tới hạn chế việc sản xuất, sử dụng túi nilon,” báo cáo của Bộ Tài chính đánh giá.
Do đó, cùng với các biện pháp quản lý khác, để góp phần thực hiện mục tiêu giảm dần việc sử dụng túi nilon khó phân hủy, lãnh đạo Bộ Tài chính đề nghị điều chỉnh khung mức thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng này từ 30.000-50.000 đồng/kg hiện tại lên 40.000-200.000 đồng/kg./.