Hàng năm, khi những nhành hoa Đọc Khun buông từng chùm dài, khoe cái sắc vàng óng ả, đẹp đến nao lòng trên những bản làng, những con phố của đất nước Triệu Voi cũng là lúc người Lào nô nức chuẩn bị để đón cái Tết cổ truyền của dân tộc, Bun Pi Mày hay còn gọi là Hội té nước.
Trong vô số những hoạt động chuẩn bị đó, có một hoạt động ngày càng thu hút được sự quan tâm của người Lào cũng như của du khách quốc tế, đó là các cuộc thi Nang Sangkhane (nàng Chúa Xuân).
Cuộc thi, trước đây chỉ được tổ chức ở Luangphabang, có nguồn gốc từ truyền thuyết về một cuộc đấu trí giữa Thammabane Cuman, con một phú ông rất nhanh trí và có biệt tài hiểu được tiếng chim và Kabinlaphom, thần của bầu trời được coi là người thông thái nhất.
Khi hay tin dưới trần gian có Thammabane Cuman là một người rất hiểu biết, Kabinlaphom muốn thi tài với Thammabane Cuman. Ông ta đưa ra ba câu hỏi để Thammabane trả lời. Nếu Thammabane Cuman trả lời được thì Kabinlaphom sẽ phải dâng đầu mình và ngược lại.
Kết quả, Thammabane Cuman đã trả lời được cả ba câu hỏi và Kabinlaphom phải chặt đầu mình. Tuy nhiên, trước khi chặt đầu, Kabinlaphom dặn bảy cô con gái của mình phải giữ gìn cái đầu cẩn thận, vì nếu đầu ông ta rơi xuống đất sẽ xảy ra hạn hán và hỏa hoạn, rơi xuống biển nước biển sẽ khô cạn, tung lên trời sẽ gây bão tố.
Bảy con gái của Kabinlaphom đặt đầu cha trên một cái âu và thờ ở động Khanthoumaly, núi Phoukhaokailat. Hàng năm các cô lần lượt đến đây rửa sạch đầu cha và đặt trở lại vào động.
Tên của bảy cô con gái Kabinlaphom là Thoungsatheve, Khorakham, Rarksa, Mountha, Kirinee, Kinitha và Manothone.
Thời phong kiến, các cuộc thi này chỉ được dành cho con gái của các gia đình giàu có, ngày nay, các cuộc thi này đã được tổ chức tại nhiều địa phương ở Lào và bất cứ cô gái nào tự tin vào sắc đẹp, trí thông minh và đức hạnh của mình đều có thể đăng ký tham gia.
Công tác chuẩn bị cho các cuộc thi này được tiến hành khá công phu. Ngay từ trước Tết, các bản, các trường học, các cơ quan công sở đã kêu gọi các cô gái trẻ tham gia thi. Sau khi đăng ký, các ứng viên sẽ được những người nhiều kinh nghiệm về văn hóa dân tộc hướng dẫn cách diễn đạt và ứng xử trước đám đông, cách phục trang và những điệu lăm, điệu múa truyền thống.
Các cuộc thi, được tổ chức làm nhiều vòng (như thi hoa hậu) dưới sự kiểm tra chặt chẽ và công minh của ban giám khảo. Bảy cô gái được chọn phải đảm bảo đủ sắc, tài và đức để biểu trưng cho bảy cô con gái của thần Kabinlaphom. Trong số bảy người đẹp này, người ta sẽ tiếp tục chọn ra một người nổi trội nhất để làm Nang Sangkhane.
Lễ rước hoàng tráng sẽ diễn ra vào đúng dịp Tết Lào. Vào ngày này, các cô gái được chọn sẽ được đưa lên một chiếc xe trang hoàng rất đẹp, diễu hành qua các đường phố chính. Trên chiếc xe này, Nang Sangkhane sẽ ngồi ở giữa, trên lưng một linh tượng đại diện cho con giáp của năm mới Lào. Sáu người đẹp còn lại ngồi dọc hai bên dưới chân linh tượng, mỗi bên ba người.
Năm nay, theo Phật lịch, ngày đầu tiên của năm mới tại Lào sẽ là ngày 14/4 (Tết Lào kéo dài ba ngày), ngày của ngựa, do đó Nang Sangkhane năm nay sẽ được ngồi trên một con ngựa mô hình để đi diễn hành.
Trong những năm gần đây, các đám rước này đã thu hút được sự tham gia ngày càng đông đảo của người dân trong nước và du khách quốc tế. Sau những ngày Tết cổ truyền, Nang Sangkhane sẽ được cộng đồng tôn vinh trong cả năm đó, đóng vai trò là đại sứ trong các sự kiện, hoạt động kỷ niệm quan trọng của địa phương.
Các nhà tổ chức cho rằng việc tổ chức các cuộc thi và duy trì các đám rước Nang Sangkhane sẽ góp phần duy trì và phát huy bản sắc văn hóa của các bộ tộc của Lào đồng thời giúp tăng lượng du khách đến thăm đất nước Triệu voi trong dịp Hội té nước.
Với các cô gái trẻ Lào, việc tham gia cuộc thi không đơn thuần là vấn đề tiền thưởng, nó còn là cơ hội để họ có điều kiện học hỏi thêm các kiến thức về văn hóa, các điệu múa truyền thống của dân tộc. Đó còn là niềm tự hào của gia đình và là cơ hội để chứng tỏ với cộng đồng rằng họ không những đẹp mà còn là những người chăm chỉ, tháo vát, biết kính trên nhường dưới và hiểu rõ văn hóa truyền thống của dân tộc mình./.
Trong vô số những hoạt động chuẩn bị đó, có một hoạt động ngày càng thu hút được sự quan tâm của người Lào cũng như của du khách quốc tế, đó là các cuộc thi Nang Sangkhane (nàng Chúa Xuân).
Cuộc thi, trước đây chỉ được tổ chức ở Luangphabang, có nguồn gốc từ truyền thuyết về một cuộc đấu trí giữa Thammabane Cuman, con một phú ông rất nhanh trí và có biệt tài hiểu được tiếng chim và Kabinlaphom, thần của bầu trời được coi là người thông thái nhất.
Khi hay tin dưới trần gian có Thammabane Cuman là một người rất hiểu biết, Kabinlaphom muốn thi tài với Thammabane Cuman. Ông ta đưa ra ba câu hỏi để Thammabane trả lời. Nếu Thammabane Cuman trả lời được thì Kabinlaphom sẽ phải dâng đầu mình và ngược lại.
Kết quả, Thammabane Cuman đã trả lời được cả ba câu hỏi và Kabinlaphom phải chặt đầu mình. Tuy nhiên, trước khi chặt đầu, Kabinlaphom dặn bảy cô con gái của mình phải giữ gìn cái đầu cẩn thận, vì nếu đầu ông ta rơi xuống đất sẽ xảy ra hạn hán và hỏa hoạn, rơi xuống biển nước biển sẽ khô cạn, tung lên trời sẽ gây bão tố.
Bảy con gái của Kabinlaphom đặt đầu cha trên một cái âu và thờ ở động Khanthoumaly, núi Phoukhaokailat. Hàng năm các cô lần lượt đến đây rửa sạch đầu cha và đặt trở lại vào động.
Tên của bảy cô con gái Kabinlaphom là Thoungsatheve, Khorakham, Rarksa, Mountha, Kirinee, Kinitha và Manothone.
Thời phong kiến, các cuộc thi này chỉ được dành cho con gái của các gia đình giàu có, ngày nay, các cuộc thi này đã được tổ chức tại nhiều địa phương ở Lào và bất cứ cô gái nào tự tin vào sắc đẹp, trí thông minh và đức hạnh của mình đều có thể đăng ký tham gia.
Công tác chuẩn bị cho các cuộc thi này được tiến hành khá công phu. Ngay từ trước Tết, các bản, các trường học, các cơ quan công sở đã kêu gọi các cô gái trẻ tham gia thi. Sau khi đăng ký, các ứng viên sẽ được những người nhiều kinh nghiệm về văn hóa dân tộc hướng dẫn cách diễn đạt và ứng xử trước đám đông, cách phục trang và những điệu lăm, điệu múa truyền thống.
Các cuộc thi, được tổ chức làm nhiều vòng (như thi hoa hậu) dưới sự kiểm tra chặt chẽ và công minh của ban giám khảo. Bảy cô gái được chọn phải đảm bảo đủ sắc, tài và đức để biểu trưng cho bảy cô con gái của thần Kabinlaphom. Trong số bảy người đẹp này, người ta sẽ tiếp tục chọn ra một người nổi trội nhất để làm Nang Sangkhane.
Lễ rước hoàng tráng sẽ diễn ra vào đúng dịp Tết Lào. Vào ngày này, các cô gái được chọn sẽ được đưa lên một chiếc xe trang hoàng rất đẹp, diễu hành qua các đường phố chính. Trên chiếc xe này, Nang Sangkhane sẽ ngồi ở giữa, trên lưng một linh tượng đại diện cho con giáp của năm mới Lào. Sáu người đẹp còn lại ngồi dọc hai bên dưới chân linh tượng, mỗi bên ba người.
Năm nay, theo Phật lịch, ngày đầu tiên của năm mới tại Lào sẽ là ngày 14/4 (Tết Lào kéo dài ba ngày), ngày của ngựa, do đó Nang Sangkhane năm nay sẽ được ngồi trên một con ngựa mô hình để đi diễn hành.
Trong những năm gần đây, các đám rước này đã thu hút được sự tham gia ngày càng đông đảo của người dân trong nước và du khách quốc tế. Sau những ngày Tết cổ truyền, Nang Sangkhane sẽ được cộng đồng tôn vinh trong cả năm đó, đóng vai trò là đại sứ trong các sự kiện, hoạt động kỷ niệm quan trọng của địa phương.
Các nhà tổ chức cho rằng việc tổ chức các cuộc thi và duy trì các đám rước Nang Sangkhane sẽ góp phần duy trì và phát huy bản sắc văn hóa của các bộ tộc của Lào đồng thời giúp tăng lượng du khách đến thăm đất nước Triệu voi trong dịp Hội té nước.
Với các cô gái trẻ Lào, việc tham gia cuộc thi không đơn thuần là vấn đề tiền thưởng, nó còn là cơ hội để họ có điều kiện học hỏi thêm các kiến thức về văn hóa, các điệu múa truyền thống của dân tộc. Đó còn là niềm tự hào của gia đình và là cơ hội để chứng tỏ với cộng đồng rằng họ không những đẹp mà còn là những người chăm chỉ, tháo vát, biết kính trên nhường dưới và hiểu rõ văn hóa truyền thống của dân tộc mình./.
Phạm Văn Kiên (Vietnam+)