"Tuần trăng mật" mới trong phát triển quan hệ Canada và Mỹ

Ngày 11/3, chuyến thăm đầu tiên tới Mỹ kể từ khi nhậm chức của Thủ tướng Canada đã kết thúc, được đánh giá là bắt đầu thời kỳ “trăng mật” mới sau nhiều năm lạnh nhạt.
"Tuần trăng mật" mới trong phát triển quan hệ Canada và Mỹ ảnh 1Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) và Thủ tướng Canada Justin Trudeau tại cuộc họp báo sau hội đàm. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 11/3, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã kết thúc chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Mỹ kể từ khi nhậm chức hồi tháng 11 năm ngoái.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước đang bước vào thời kỳ phát triển tốt đẹp, được đánh giá là bắt đầu thời kỳ “trăng mật” mới sau nhiều năm lạnh nhạt dưới thời Chính phủ Bảo thủ của cựu Thủ tướng Stephen Harper.

Dưới thời của cựu Thủ tướng Harper, một thời gian dài quan hệ Canada-Mỹ rơi vào tình trạng nguội lạnh. Trong 10 năm cầm quyền, vị thủ tướng thuộc đảng Bảo thủ này đã có chính sách đối ngoại mâu thuẫn với truyền thống đa phương của Canada.

Nhiều quan chức Mỹ từng phàn nàn rằng chính phủ Harper đã để cho mối quan hệ hai nước phai tàn. Dự án đường ống dẫn dầu Keystone XL cũng là “nạn nhân” trong mối quan hệ cá nhân không mấy tốt đẹp giữa cựu Thủ tướng Harper và Tổng thống Obama.

Chính vì vậy, củng cố quan hệ với Mỹ là một trong những mục tiêu hàng đầu của Thủ tướng Trudeau ngay khi vừa kế nhiệm ông Harper. Trong tuyên bố đưa ra ngày 6/11/2015 sau lễ nhậm chức, Thủ tướng Trudeau hy vọng sẽ có khởi đầu mới trong quan hệ với Mỹ nhằm tăng cường quan hệ song phương trên tinh thần hữu nghị và hợp tác.

Tại chuyến thăm Mỹ lần này, dù chỉ gói gọn trong hơn hai ngày, hai nhà lãnh đạo đã thể hiện quyết tâm và mong muốn gạt bỏ những bất đồng - di sản của Chính phủ Bảo thủ Canada, để thiết lập một mối quan hệ nồng ấm giữa hai nước.

Chuyến thăm cấp nhà nước và quốc yến là vinh dự cao nhất mà Washington dành cho một nguyên thủ quốc gia. Đây là tín hiệu thể hiện ý nguyện xây dựng mối quan hệ song phương vững mạnh giữa Mỹ và một quốc gia khác.

Lần đầu tiên Nhà Trắng chiêu đãi một vị thủ tướng Canada sau 19 năm, kể từ năm 1997, sau chuyến thăm của vợ chồng cựu Thủ tướng Jean Chrétien dưới thời của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, cho thấy chính phủ Mỹ đánh giá cao vai trò của Canada.

Chuyến thăm cũng đã giải quyết được một vấn đề tranh chấp thương mại lâu đời nhất, lớn nhất và nan giải nhất giữa hai nước, đó là vấn đề gỗ mềm.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau khi hội đàm, hai nhà lãnh đạo cho biết hai bên đã đạt được sự đồng thuận về việc chỉ đạo các cơ quan hữu quan hai nước giải quyết tranh cãi dai dẳng liên quan tới mặt hàng gỗ xẻ của Canada xuất vào thị trường Mỹ.

Do hai nước có những mô hình sở hữu khác nhau và có những phương pháp nhau về tiếp thị và buôn bán gỗ, nên cứ vài năm phía Mỹ lại có những vụ kiện thương mại đối với gỗ mềm Canada nhập vào Mỹ.

Chính quyền Mỹ lại áp thêm thuế nhập khẩu sau một số hục hặc và xáo trộn thương mại lẽ ra có thể tránh được. Vấn đề tồn tại nhiều năm đã được giải quyết. Điều cốt lõi là cả Mỹ và Canada cùng nhau hiểu được điều gì có lợi cho cả hai nền kinh tế.

Thương mại là mối quan hệ quan trọng nhất của mỗi nước. Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Canada với tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 685 tỷ USD trong năm 2015.

Đáng chú ý, 75% hàng hóa xuất khẩu của Canada có đích đến là Mỹ và 50% hàng hóa nhập khẩu của Canada cũng là từ Mỹ. Hàng ngày, lượng hàng hóa và dịch vụ trao đổi qua lại giữa biên giới hai nước trị giá gần 2,4 tỷ USD. Canada nhập khẩu từ Mỹ nhiều hơn tất cả 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cộng lại.

Lượng giao dịch thương mại qua một cây cầu sang Canada mỗi năm nhiều hơn toàn bộ lượng xuất khẩu của Mỹ sang Nhật trong cùng thời kỳ. Do vậy, trọng tâm của cuộc hội đàm trong chuyến thăm này là vấn đề thương mại.

Tại cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo khẳng định quyết tâm thúc đẩy việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ và Canada cùng 10 nước đối tác châu Á-Thái Bình Dương đã ký ngày 5/10/2015 tại thành phố Atlanta của Mỹ.

Liên quan tới vấn đề biến đổi khí hậu, giới chức Nhà Trắng cho biết hai nhà lãnh đạo nhất trí sẽ triển khai những bước đi chung trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, trong đó có việc cắt giảm lượng khí thải metan và thực thi Thỏa thuận khung về chống biến đổi khí hậu đạt được cuối năm ngoái tại Paris (Pháp) sớm nhất có thể.

Theo thỏa thuận giữa hai bên, Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ sẽ xúc tiến việc xây dựng các quy định về lượng khí metan phát thải từ nguồn năng lượng dầu và khí đốt hiện nay. Trong khi đó, Cơ quan Bảo vệ Môi trường và chống biến đổi khí hậu Canada dự định công bố các dự thảo quy định đối với khí thải methane vào đầu năm 2017.

Có thể nói, mặc dù giữa hai nước cũng có một vài vết gợn nhỏ sau khi Tổng thống Obama chính thức khước từ dự án xây dựng đường ống Keystone XL đưa dầu cát từ Canada sang miền Nam nước Mỹ và việc Canada kiên quyết ngừng sứ mệnh chiến đấu chống IS trong liên minh quốc tế do Mỹ cầm đầu, nhìn chung quan hệ song phương vẫn đang phát triển theo chiều hướng tốt đẹp.

“Chúng ta vẫn hợp nhất là đồng minh và đối tác, trong cùng một mục đích chung. Không có mối quan hệ nào trên toàn thế giới như mối quan hệ giữa Canada và Mỹ,” ông Trudeau phát biểu.

Đã lâu rồi dư luận hai nước và khu vực Bắc Mỹ mới lại được chứng kiến sự nồng ấm đặc biệt như vậy trong quan hệ Canada-Mỹ. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, chuyến thăm mới chỉ là “viên gạch” đầu tiên trên cả chặng đường hợp tác song phương.

Tổng thống Obama chỉ còn nắm quyền chưa đầy một năm nữa, nên “tuần trăng mật” mới này có thể kéo dài tiếp hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào chính phủ mới ở Mỹ, sẽ được định hình trong cuộc bầu cử tháng 11 tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục