Theo trang mạng politico.com, không hề ồn ào, phô trương cũng như không được báo trước, chuyến bay thương mại đầu tiên từ Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) mới đây đã hạ cánh xuống sân bay Ben Gurion của Israel.
Máy bay này đã chở theo các mặt hàng viện trợ cho Chính quyền Dân tộc Palestine (PA) trong đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nhưng PA đã từ chối.
Chuyến bay này không phải là chưa có tiền lệ. Trong 5 năm qua, các cuộc tiếp xúc giữa Israel và các nước vùng Vịnh - đặc biệt là Saudi Arabia, UAE và Bahrain - đã nở rộ.
Hiện có nhiều ví dụ cho thấy "Cuộc Đại tan băng" trong môi trường chính trị “đóng băng”: Thủ tướng Benjamin Netanyahu cùng phu nhân và Giám đốc Cơ quan tình báo Israel (Mossad) đã được tiếp đón bởi cố Quốc vương Oman. Ông đã gặp các ngoại trưởng UAE và Oman tại Mỹ. Bộ trưởng Văn hóa Israel đã tới thăm Dubai. Người dân Israel - bao gồm giáo trưởng Do thái Jerusalem - đã được hoan nghênh tại Bahrain. Israel cũng chìa tay giúp đỡ Bahrain trong cuộc chiến chống COVID-19. Thương mại giữa Israel và các nước vùng Vịnh hiện ước tính khoảng 1 tỷ USD/năm...
Điều thậm chí đáng ngạc nhiên hơn là “sự hòa hoãn” này đang diễn ra dưới thời một thủ tướng cánh hữu của Israel, người luôn phản đối giải pháp hai nhà nước và đang làm mọi thứ có thể để đảm bảo không một nhà nước nào nổi lên với việc kiểm soát phần lớn Bờ Tây và toàn bộ Jerusalem.
Trái ngược những lời cảnh báo từ các nhà ngoại giao, giới phân tích và những người theo chủ nghĩa hòa bình, Israel dường như đang đạt được tiến triển hơn nữa hướng tới việc bình thường hóa quan hệ với các chế độ Arab nhưng không hẳn đạt được tiến trình hòa bình đáng tin cậy.
Rõ ràng, các nước vùng Vịnh hiện chưa tiến gần đến việc bình thường hóa hoàn toàn với Israel; cũng như thế giới Arab chưa sẵn sàng thoát khỏi nút thắt Palestine hay quan điểm thù địch của họ và cái nhìn bài Do thái.
[Tổng thống Trump có thay đổi được bản đồ lãnh thổ Trung Đông?]
Tuy nhiên, ngay cả các nhà quan sát có quan điểm hoài nghi nhất cũng phải thừa nhận rằng một điều gì đó đã thay đổi. Điều gì dẫn tới sự chuyển biến đó? Sự trỗi dậy của Iran và các phần tử thánh chiến Sunni lan tràn khắp khu vực đã tạo ra sự hội tụ lợi ích quan trọng, dù khá hạn chế, giữa Israel và thế giới Arab. Việc ngày một kiệt sức và tức giận trước sự nghiệp “không có hồi kết” của Palestine đã mở ra nhiều không gian để các nước Arập theo đuổi các lợi ích của họ.
Tuy nhiên, đằng sau đó là một Nhà Trắng bị “lôi cuốn” bởi nguồn tiền của các nước Arab qua các thương vụ vũ khí và đầu tư vào Mỹ, và mong muốn các nước Arab ủng hộ chương trình nghị sự chống Iran và ủng hộ Israel của họ.
Trên thực tế, trong nỗ lực để lôi kéo các nước Arab vùng Vịnh, ông Trump và con rể Jared Kushner, đặc phái viên Trung Đông của ông, đã trao toàn quyền hành động cho Saudi Arabia để theo đuổi các chính sách thảm khốc. Và các nước Arab, vốn cảm nhận được nhiều cơ hội với tổng thống Mỹ “thân thiện với các nhà chuyên quyền," đã rất vui vẻ làm theo.
Nếu nhìn từ góc độ của Israel, các lý do để tiến hành hòa hoãn không hề khó nhận thấy. Việc ông Netanyahu chìa tay với thế giới Arab là một phần trong chiến dịch lớn hơn của ông để thể hiện vị trí chính trị của Israel trên trường quốc tế với các chuyến thăm lịch sử tới Mỹ Latinh, châu Á, Nam Á và châu Phi.
Kể từ khi giành độc lập, đến nay, Israel hiện nhận được nhiều sự công nhận ngoại giao của quốc tế hơn trước đây. Tại Trung Đông, hành động chìa tay của ông là nhằm thể hiện rằng Israel có thể bắt tay với các nước Arab chủ chốt mà không cần phải thương lượng về vấn đề Palestine hay lôi kéo sự ủng hộ của các nước Arab trong chiến dịch chống Iran của ông.
Đặc biệt, Saudi Arabia và UAE coi Iran - chứ không phải vấn đề Palestine khó nhằn - là thách thức an ninh quốc gia nhức nhối nhất và coi Israel là đối tác hùng mạnh để kiềm chế các kế hoạch của Tehran trong khu vực. Quan hệ đối tác này bắt đầu kết tinh sau thỏa thuận hạt nhân năm 2015 mà chính quyền Obama ký kết với Iran và sau khi họ nhận thức rằng Washington đang mở đường cho việc hợp thức hóa nước Cộng hòa Hồi giáo như một đối tác tiềm năng trong khu vực.
Liệu tuần trăng mật giữa Israel và thế giới Arab có kéo dài hay không? Câu trả lời là có thể, bởi nó gắn liền với lợi ích của chính họ. Mối đe dọa Iran sẽ không biến mất. Trong khi đó, mối quan hệ Mỹ-Saudi Arabia đang trải qua sóng gió do vấn đề giá dầu.
Tuy nhiên, chừng nào Saudi Arabia và UAE vẫn cho rằng việc hành động theo ý của ông Trump vẫn nằm trong lợi ích của họ, thì mối quan hệ hợp tác này sẽ vẫn tiếp tục duy trì.
Đối với ông Netanyahu, chừng nào ông không quá kỳ vọng vào những người bạn mới Arab và không phá vỡ ranh giới với việc thôn tính Thung lũng Jordan và toàn bộ Bờ Tây (điều khó có thể xảy ra), thì các nước Arab vùng Vịnh sẽ vẫn tiếp tục “ngồi yên” như hồi Đại sứ quán Mỹ được mở tại Jerusalem.
Đó không phải là hòa bình. Tuy nhiên, đó từng là điều chưa bao giờ được dự tính. Tại khu vực Trung Đông đổ vỡ, đau thương và bất thường như vậy, chúng ta có thể đòi hỏi gì hơn?./.