Không báo chí, không khách mời, Tuần lễ Thời trang Paris đã mở màn vào ngày 6/7 lần đầu tiên dưới hình thức trực tuyến, trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Các buổi trình diễn thời trang cao cấp Haute Couture và Tuần lễ Thời trang nam đã được kết hợp lại thành một, với các thương hiệu giới thiệu những bộ sưu tập của mình thông qua các đoạn phim, thay vì chi nhiều tiền để dàn dựng các buổi trình diễn tốn kém.
Bộ sưu tập thời trang cao cấp Haute Couture của nhà mốt Dior dưới định dạng video được xem là một điểm nhấn trong buổi mở màn Tuần lễ Thời trang Paris năm nay.
Nhà thiết kế của Diror Grazia Chiuri chia sẻ việc sáng tạo bộ sưu tập rất phức tạp và do đó hãng phải nỗ lực tạo ra một đoạn phim thực sự hấp dẫn và sáng tạo, thu hút người xem.
[Nét khác biệt của Tuần lễ Thời trang Paris 2020 thời dịch COVID-19]
Trong khi đó, nhà thiết kế Maurizio Galante cho biết việc giới thiệu các bộ sưu tập mới qua các video clip sẽ là cơ hội tốt để các nhà mốt tiếp cận với nhiều người hơn.
Người xem cũng sẽ tập trung hơn khi thưởng thức các mẫu thiết kế mới nhất so với ngồi xem trực tiếp.
Tham dự với tư cách khách mời trong Tuần lễ Thời trang Haute Couture năm nay, nhà thiết kế gốc Việt Xuân Thu Nguyễn cho biết cô sử dụng "video nghệ thuật" của mình như một clip quảng cáo để thu hút công chúng đắm chìm vào thế giới sáng tạo của mình.
Cô chia sẻ: "Nếu bạn không có bất cứ thứ gì..., bạn vẫn có thể sáng tạo."
Virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 không chỉ khiến phương thức trình diễn thời trang truyền thông, nơi hàng trăm người tập trung trong một căn phòng với nhiều ánh đèn chói sáng cùng âm nhạc dồn dập, tạm thời không còn phù hợp vì lý do y tế.
Nó cũng đã thúc đẩy một cuộc tìm kiếm chưa từng có "linh hồn" trong ngành công nghiệp thời trang, khi các nhà thiết kế kêu gọi một cuộc cách mạng trong lĩnh vực này.
Một số người thậm chí còn nói rằng các mùa trong năm, khung thời gian mà toàn bộ ngành thời trang thường "neo vào," nên được xóa bỏ hoàn toàn.
Nhà thiết kế tài ba thành Milan Alessandro Michele, Giám đốc sáng tạo của thương hiệu thời trang xa xỉ Gucci, đã cắt giảm các buổi trình diễn thiết kế của mình từ 5 xuống còn 2 buổi/năm, trong khi nhà một lừng lẫy Saint Laurent của Pháp cũng tuyên bố "thoát ly" kế hoạch hằng năm của Tuần lễ Thời trang Paris.
Nhà thiết kế Anthony Vaccarello của Saint Laurent muốn tự lên kế hoạch và lịch trình riêng để ra mắt các bộ sưu tập của mình từ giờ trở đi, vốn từ lâu là một ý tưởng cấm kỵ trong ngành thời trang nhưng lại nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà thiết kế nổi tiếng khác trong thời gian gần đây.
Tương tự, nhà thiết kế thời trang Bỉ Dries Van Noten cũng kêu gọi một sự cải cách "từ gốc tới ngọn" để đơn giản hóa và khiến ngành công nghiệp thời trang mang tính bền vững hơn và thân thiện hơn với môi trường.
Trước thềm diễn ra các show trình diễn thời trang nam, thương hiệu thời trang xa xỉ Hermes của Pháp đã tung một bộ phim dưới sự chỉ đạo của đạo diễn sân khấu người Pháp Cyril Teste.
Trong bộ phim này, đội ngũ nhân viên và kỹ thuật viên là những nhân vật trung tâm song hành cùng các người mẫu.
Người xem có thể nhìn thấy nhà thiết kế Veronique Nichanian đang điều chỉnh một chiếc áo khoác sọc xanh da trời và yêu cầu người mẫu nam đặt cho tay vào túi của anh ấy.
Những họa tiết kẻ sọc chính là điểm nhấn trong bộ sưu tập mà Hermes muốn dành cho các quý ông trong mùa Xuân-Hè và cũng là một biểu tượng của thương hiệu thời trang cao cấp này.
Các tuần lễ thời trang thường mang về cho Paris nguồn thu khổng lồ lên tới 1,2 tỷ euro (khoảng 1,35 tỷ USD) mỗi năm.
Dù vậy, nhiều người vẫn lạc quan vì giai đoạn gián đoạn do dịch bệnh này có thể khơi gợi cảm hứng cho các nhà thiết kế hướng tới những trang phục và chất liệu thân thiện hơn với môi trường.
Dự kiến, các show diễn thời trang truyền thống sẽ trở lại Paris trong tháng 9/2020./.