Ngày 23/10, hàng nghìn sinh viên, giáo viên cùng các phụ huynh đã tuần hành tại nhiều thành phố của Tây Ban Nha nhằm phản đối chính sách cắt giảm chi tiêu, nâng học phí đào tạo đại học và kế hoạch cải cách hệ thống giáo dục của chính phủ nước này.
Các cuộc tuần hành diễn ra tại thủ đô Madrid và 16 thành phố khác trong ngày cuối cùng của đợt biểu tình ba ngày do Hiệp hội sinh viên quốc gia phát động, khiến giao thông ùn tắc nghiêm trọng tại nhiều nơi. Theo Hiệp hội này, kể từ khi đảng Nhân dân (PP) bảo thủ lên nắm quyền tháng 12/2011, học phí đại học đã tăng 50%, khiến cho 45.000 sinh viên phải bỏ học.
Cũng từ thời điểm đó, ngân sách cho giáo dục đã bị cắt giảm 7 tỷ euro (khoảng 9 tỷ USD) và khoảng 32.000 giáo viên bị sa thải. Các sinh viên cũng phản đối những biện pháp cải cách mới của Chính phủ như nâng tiêu chuẩn tiếp cận các gói hỗ trợ sinh viên đại học và yêu cầu sinh viên làm bài kiểm tra cuối mỗi năm học để có thể tiếp tục học năm sau.
Ngoài ra, chương trình cải cách nhằm mở rộng việc giảng dạy tiếng Tây Ban Nha cũng khiến cho sinh viên các khu vực có ngôn ngữ riêng như Catalonia và xứ Basque bất bình.
Trong khi đó, Chính phủ Tây Ban Nha cho rằng các biện pháp cải cách được đưa ra nhằm nâng cao tiêu chuẩn giáo dục quốc gia bởi hiện có tới hơn một nửa số thanh niên của nước này đang thất nghiệp. Các biện pháp như tăng thuế, đóng băng lương công chức, cắt giảm chi tiêu giáo dục và chăm sóc sức khỏe đều nhằm hạn chế mức thâm hụt ngân sách khổng lồ mà quốc gia này đang phải đối mặt.
Tây Ban Nha đang đặt mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách xuống còn 5,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cuối năm 2014 và dưới mức 3% vào cuối năm 2016 như cam kết với Liên minh châu Âu (EU).
Kinh tế Tây Ban Nha mới chỉ bắt đầu hồi phục một năm trở lại đây sau cuộc khủng hoảng kéo dài sáu năm khiến nước này phải tìm đến gói cứu trợ quốc tế để vực dậy hệ thống ngân hàng./.