Tuần "cân não" trên bàn đàm phán về chương trình hạt nhân Iran

Iran và 6 cường quốc thế giới đang tiến hành vòng đàm phán nước rút tại Vienna (Áo) nhằm đạt thỏa thuận cuối cùng về chương trình hạt nhân gây tranh cãi.
Tuần "cân não" trên bàn đàm phán về chương trình hạt nhân Iran ảnh 1Trưởng đoàn đàm phán Iran, Ngoại trưởng Mohammad-Javad Zarif (giữa) trước vòng đàm phán. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Iran và 6 cường quốc thế giới đang tiến hành vòng đàm phán nước rút tại Vienna (Áo) nhằm đạt thỏa thuận cuối cùng về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran vào thời hạn chót ngày 24/11 tới.

Dù còn nhiều trở ngại, song không thiếu những yếu tố thuận lợi cho phép các bên lạc quan về khả năng đạt được thỏa thuận lịch sử này.

Sau 9 vòng đàm phán diễn ra dồn dập trong suốt một năm qua, Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) vẫn chưa tìm thấy tiếng nói chung về một số vấn đề then chốt. Mỹ, Pháp, Anh và Đức muốn giới hạn số máy ly tâm của Iran trong khoảng 4.000-6.000 chiếc, trong khi Tehran muốn duy trì khoảng 20.000 máy, đồng thời lắp đặt thêm các máy ly tâm thế hệ mới IR-2 có công suất cao hơn 2-5 lần so với loại IR-1 đang được sử dụng hiện nay.

Ngoài ra, Iran còn đòi dỡ bỏ "ngay lập tức và toàn bộ" các lệnh trừng phạt song phương và đa phương chống lại nước này trong khi Mỹ và các nước đồng minh châu Âu chỉ chấp nhận dỡ bỏ từng phần dựa vào kết quả đánh giá việc thực hiện các cam kết của Tehran.

Một điểm bất đồng khác giữa hai bên là thời hạn thanh sát các cơ sở hạt nhân của Iran. Các nhà đàm phán phương Tây muốn đặt các cơ sở này dưới sự giám sát của quốc tế trong khoảng thời gian từ 10-20 năm, đồng thời yêu cầu nước này phê duyệt Nghị định thư bổ sung Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Trong khi đó, Tehran chỉ đồng ý cho phép thanh sát trong thời hạn 5 năm.

Tại vòng đàm phán mang tính quyết định hiện đang diễn ra, các nhà ngoại giao cũng chịu thêm sức ép chính trị ở cả Mỹ và Iran.

Ngoài các đồng minh thân cận của Mỹ trong khu vực như Israel và các nước Arab vùng Vịnh, ngày càng có nhiều tiếng nói phản đối thỏa thuận với Iran và áp đặt thêm trừng phạt đối với nước này.

Đặc biệt, sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ hôm 4/11 vừa qua, đảng Dân chủ của Tổng thống Barack Obama mất quyền kiểm soát Quốc hội lưỡng viện vào tay đảng Cộng hòa vốn luôn hoài nghi về thiện chí của Iran và đòi gia tăng trừng phạt đối với quốc gia Trung Đông này.

Sau nửa nhiệm kỳ thứ hai được đánh giá là thất bại về chính sách đối ngoại, Tổng thống Obama đang rất muốn để lại dấu ấn cá nhân của mình. Tuy nhiên, cơ hội đạt được "kỳ tích" trong vấn đề hạt nhân của Iran sẽ trở nên khó khăn khi đảng Cộng hòa chính thức kiểm soát toàn bộ Quốc hội vào tháng 1/2015.

Tại Iran, Tổng thống Hassan Rouhani và Ngoại trưởng Javad Zarif cũng chịu sức ép mạnh mẽ từ phe chống đối trong nước. Quốc hội do phe bảo thủ chi phối tuyên bố rằng thỏa thuận cuối cùng phải được các nghị sỹ phê chuẩn mới có giá trị, đồng thời yêu cầu các cuộc thương lượng phải đảm bảo được các quyền hạt nhân của Tehran và các nước phương Tây phải dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp trừng phạt đối với nước này.

Tuy trao quyền đàm phán hạt nhân cho chính phủ, song Thủ lĩnh tối cao Ayatollah Ali Khamenei được cho là người có tiếng nói cuối cùng.

Theo các nhà phân tích, chính những sức ép trên sẽ thúc đẩy các nhà đàm phán nỗ lực chạy đua với thời gian và có thể có những nhượng bộ quan trọng vào phút chót. Hơn nữa, dù còn bất đồng, song các bên liên quan đều cho rằng chưa bao giờ các cuộc đàm phán lại chạm tới gần đích như hiện nay.

Đây cũng là lần đầu tiên sau 10 năm đàm phán hết sức cam go và phức tạp, cả Mỹ và Iran có chung mong muốn, thậm chí rất nóng lòng muốn đạt được thỏa thuận nhằm tháo ngòi một trong những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất tại Trung Đông. Các bên đều ý thức được rằng thời gian càng trôi đi, khả năng đạt được thỏa thuận càng giảm.

Việc đạt được thỏa thuận hạt nhân toàn diện không chỉ giúp khép lại 35 năm thù địch mà còn mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa Washington và Tehran, trong đó có cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria, đảm bảo tiến trình chuyển tiếp thành công tại Afghanistan, khôi phục ổn định tại Liban và Yemen, cũng như đảm bảo hòa bình tại khu vực biên giới giữa Liban và Israel. Ngoài ra, điều đó cũng sẽ giúp Iran thoát khỏi thế bao vây, cô lập và vươn lên xác lập vị thế cường quốc trong khu vực.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng cần tới thỏa thuận trên bởi việc các nước phương Tây dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt sẽ giúp nhà lãnh đạo ôn hòa này theo đuổi các chương trình nghị sự khác, trong đó có thúc đẩy cải cách kinh tế và xã hội.

Về mặt chính trị, viễn cảnh này còn giúp nâng cao vị thế của Tổng thống Rouhani và phe ôn hòa trước cuộc bỏ phiếu kép quan trọng là bầu Quốc hội và Hội đồng chuyên gia - cơ quan có quyền chỉ định và giám sát Thủ lĩnh tối cao - vào tháng 3/2016. Thỏa thuận còn quyết định khả năng tái cử nhiệm kỳ hai của ông Rouhani trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2017.

Ngoài ra, việc giá dầu mỏ sụt giảm xuống dưới mức 80 USD/thùng trong thời gian qua, thấp hơn nhiều so với mức kỳ vọng hơn 120 USD/thùng, cũng được cho là nguyên nhân khiến Iran cố gắng đạt được thỏa thuận.

Do chỉ mới gượng dậy đôi chút sau khi một phần các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ theo thỏa thuận hạt nhân sơ bộ ngày 24/11/2013, nền kinh tế Iran sẽ khó có khả năng trụ vững một khi giá mặt hàng chiến lược này duy trì ở mức thấp trong thời gian dài.

Từ những lý do trên, các bên sẽ nỗ lực tới tận phút cuối nhằm đạt được thỏa thuận toàn diện hoặc ít nhất là thỏa thuận tạm thời chi tiết hơn vào thời hạn chót 24/11 để tránh trở về tay không trước khi tiếp tục tìm cách tháo gỡ những bất đồng còn lại. Một số chuyên gia dự báo rằng nhiều khả năng các bên sẽ đạt được một thỏa thuận khung gồm các điểm then chốt để đi đến một thỏa thuận cuối cùng trong vòng vài tháng tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục