Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua một tuần giao dịch đầy “sóng gió” và khiến VN-Index điều chỉnh giảm trong bốn phiên và có một phiên hồi phục vào giữa tuần. Cả tuần, VN-Index mất đến 49,71 điểm (-3,3%), về mức 1.443,32 điểm.
Bên cạnh đó, HNX-Index chính thức đi xuống sau tám tuần tăng điểm liên tiếp với ba phiên giảm điểm và hai phiên tăng điểm. Chỉ số này đã mất 9,36 điểm (-2%) trong tuần và xuống mức 449,27 điểm.
Thanh khoản duy trì mức cao
Xét về hoạt động giao dịch, mặc dù thị trường giảm sâu song thanh khoản vẫn duy trì ở mức cao. Cụ thể, thanh khoản trên 2 sàn đạt 33.800 tỷ đồng/phiên, thấp hơn so với tuần trước đó nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 20 tuần.
Trong đó, giá trị giao dịch trên HoSE xấp xỉ 148.500 tỷ đồng/tuần (giảm 10,5%) xuống tương ứng với khối lượng trên 4.800 triệu cổ phiếu/tuần (giảm 9,5%). Tuy nhiên, giá trị giao dịch trên HNX đạt hơn 20.500 tỷ đồng/tuần (tăng 1,5%), khối lượng tương ứng 768 triệu cổ phiếu/tuần (tăng 6%).
Diễn biến giao dịch cho thấy phần lớn các nhóm ngành cổ phiếu ở trong tình trạng sụt giá. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh nhất với 6,6% giá trị vốn hoá và tạo áp lực lớn chi phối thị trường chung, các mã tiêu biểu VCB (-7,1%), CTG (-3,8%), BID (-7,6%), VPB (-8,9%), MBB (-6,6%), TCB (-7%), ACB (-5,9%), SHB (-7,8%)...
Kế đến là nhóm cổ phiếu dịch vụ tiêu dùng và dầu khí có mức giảm chung 4,9% giá trị vốn hóa. Bên cạnh đó, nhóm công nghệ thông tin giảm 4% giá trị vốn hoá do các mã trụ cột lao dốc, như FPT (-3,4%), CMG (-7%)... Ngoài ra, ngành tiện ích cộng đồng giảm 3,7%, ngành hàng tiêu dùng giảm 2,4%....
Top 5 mã cổ phiếu giảm giá mạnh nhất trên sàn HoSE:
Trái với xu hướng điều chỉnh chung, nhóm cổ phiếu dược phẩm và y tế có “cú lội ngược dòng” mang lại lợi nhuận lớn cho nhà đầu tư với mức tăng 6,9% giá trị vốn hóa, tiêu biểu TNH (+7,8%), AMV (+10,1%), JVC (+13,4%), DHG (+17,3%), DBD (+3,3%), DVN (+2,7%), LDP (+59,6%), IMP (+3,6%)...
Tâm lý suy yếu
Trên bình diện quốc tế, thị trường chứng khoán toàn cầu chứng kiến tuần giao dịch chao đảo với sự xuất hiện của biến chủng mới của COVID-19 có tên Omicron – mang theo những sự lo ngại về một đợt bùng phát dịch bệnh mới.
Thêm vào đó, Cục dữ trữ liên bang Mỹ (FED) đưa ra tuyên bố có thể sẽ nâng lãi suất sớm hơn dự định để đối phó với nguy cơ lạm phát hiện hữu, điều này cũng dấy lên những lo lắng trong giới đầu tư.
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, khối ngoại tiếp tục rút ròng mạnh với giá trị gần 3.200 tỷ đồng trên sàn HoSE (tương ứng khối lượng ròng 85 triệu đơn vị) đồng thời bán ròng 234 tỷ đồng tại HNX (tương ứng khối lượng 8,5 triệu cổ phiếu).
Ông Nguyễn Đình Thắng, chuyên viên phân tích - Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội chỉ ra VN-Index gần như đi ngang trong 4 phiên đầu tuần trước khi giảm mạnh ở phiên cuối tuần đồng thời lấy đi toàn bộ thành quả tăng điểm (+2,4%) trong tháng 11.
“Điều này cho thấy xu hướng và tâm lý thị trường đang có sự suy yếu. Theo đó, tuần giao dịch ngày 6-10/12, VN-Index có khả năng kiểm chứng lại các vùng hỗ trợ để tìm kiếm lực cầu bắt đáy,” ông Thắng đánh giá.
Theo đó, ông Thắng khuyến nghị các nhà đầu tư đã chốt lời một phần danh mục trong tuần qua có thể canh những nhịp điều chỉnh về các vùng hỗ trợ 1.420-1.425 điểm (đỉnh tháng 7/2021) và khu vực hỗ trợ tâm lý 1.400 điểm (nếu có) để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nên cân nhắc tập trung vào những cổ phiếu có cơ bản tốt và định giá hấp dẫn ở thời điểm hiện tại.
Theo nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), giai đoạn này của thị trường phù hợp với những nhà đầu tư theo chiến lược “lướt sóng” ngắn hạn hơn là trường phái đầu tư dài hạn.
Báo cáo của VCBS cho rằng một mặt bằng giá mới đang dần được thiết lập kể từ thời điểm VN-Index vượt 1.400 điểm. Vì vậy, nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân với tỷ trọng nhỏ để tích lũy dần những mã cổ phiếu có nền tảng tài chính tốt và tiềm năng tăng trưởng tích cực, trên cơ sở kỳ vọng về sự phân hóa giữa các cổ phiếu dựa trên kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trong quý cuối cùng của năm 2021.
Về dòng tiền, theo nhóm phân tích Công ty Chứng khoán MB (MBS) diễn biến thị trường đang phản ánh áp lực bán trên diện rộng, trong đó nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ bị chốt lời mạnh mẽ khi quay lại kiểm tra mức đỉnh cũ của VN-Index ở phiên ngày 19 và 22/11. Ở thời điểm đó, nhóm cổ phiếu này sau khi chịu áp lực chốt lời đã nhanh chóng phục hồi với 8 phiên tăng liên tiếp theo.
“Tuy vậy, bối cảnh hiện tại dòng tiền đang suy giảm, thanh khoản ở cả hai nhóm này trong phiên hôm nay không còn cao như ở các phiên giảm sâu trước đó. Do vậy, khả năng thị trường chung vẫn còn chịu áp lực chốt lời ở 1-2 phiên đầu tuần sau và dòng tiền sau đợt giảm này có khả năng sẽ quay lại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn,” MBS dự báo./.