Từ vụ 'vòi tiền bôi trơn,' bao nhiêu cán bộ tài chính từng bị kỷ luật?

Từ năm 2014 đến tháng 12/2017 toàn ngành tài chính đã xử lý kỷ luật hơn 1.200 trường hợp, trong đó đáng chú ý là hình thức buộc thôi việc 99 trường hợp.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Từ năm 2014 đến tháng 12/2017 toàn ngành tài chính đã xử lý kỷ luật hơn 1.200 trường hợp, trong đó đáng chú ý là hình thức buộc thôi việc 99 trường hợp.

Đây là thống kê vừa được ông Phạm Đức Thắng, Quyền Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tài chính cho biết khi thời gian qua, một số vụ việc tiêu cực của cán bộ thuế, hải quan được các tờ báo phản ánh.

Gần 4 năm, 99 trường hợp bị buộc thôi việc

Nhắc lại 2 vụ việc tiêu cực trong thực thi công vụ của công chức Phòng Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh và công chức Chi cục Hải quan cảng Đình Vũ, Cục Hải quan thành phố Hải Phòng, ông Thắng khẳng định, Bộ Tài chính cũng như các tổng cục đã triển khai ngay các biện pháp để xử lý đối với các công chức vi phạm.

[Xác định, đình chỉ 3 công chức hải quan vụ nhận ‘bôi trơn’ ở Hải Phòng]

Cụ thể, đối với trường hợp ông Hùng, Phó Phòng Tuyên truyền hỗ trợ, Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh, cơ quan chức năng đã có quyết định đình chỉ công tác từ ngày 5/4, một ngày khi phát hiện sự việc.

Với vụ việc tại Hải Phòng, vị đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, Cục Hải quan thành phố Hải Phòng đã có quyết định tạm đình chỉ ngay các công chức hải quan có liên quan.

Ông Thắng nhấn mạnh, việc đình chỉ công tác chỉ là bước đầu để có thời gian kiểm tra, xem xét, làm rõ. “Sau khi xác định rõ mức độ vi phạm thì mới có quyết định về hình thức kỷ luật trên tinh thần xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của Đảng, Chính phủ về xử lý kỷ luật đối với công chức,” ông Thắng cho biết.

Cho biết thêm, theo ông, ngành tài chính có cơ cấu tổ chức gần 10.000 đầu mối đơn vị từ Trung ương đến các địa phương với số lượng công chức, viên chức và người lao động trên 70.000 người.

Theo ông, ngoài những việc báo chí, người dân, doanh nghiệp phản ánh, hàng năm cơ quan chức năng vẫn đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công vụ.

Ông Thắng thống kê, qua thanh tra, kiểm tra từ năm 2014 đến tháng 12/2017, toàn ngành đã xử lý kỷ luật hơn 1.200 trường hợp, trong đó đáng chú ý là hình thức buộc thôi việc 99 trường hợp, cách chức 32 trường hợp và giáng chức 6 trường hợp.

Buộc luân chuyển, giảm tiếp xúc trực tiếp

Nói về giải pháp thời gian tới, theo ông, một trong vấn đề bộ sẽ tập trung là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm tiếp xúc trực tiếp giữa người dân, doanh nghiệp đối với cán bộ, công chức.

Việc này có thể thực hiện thông qua mở rộng thực hiện hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc; đẩy mạnh nộp thuế qua mạng, thực hiện hoàn thuế điện tử, kiểm tra trước hoàn thuế; thực hiện quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thuế.

Một ý khác được ông nhắc tới là trong những lĩnh vực nhạy cảm sẽ rút ngắn thời gian bắt buộc phải luân phiên luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác so với quy định. Điều này theo ông Thắng nhằm phòng ngừa sai phạm, tiêu cực có thể xảy ra và cũng góp phần rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng và thử thách công chức ở các môi trường, điều kiện khác nhau.

Ngoài ra, giải pháp được vị đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh thêm là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về công vụ, công chức, nhất là việc thực thi công vụ ở những vị trí trực tiếp giải quyết yêu cầu của công dân, tổ chức, doanh nghiệp.

Ông cũng không quên nhắc tới việc sẽ xử lý nghiêm cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng, tiêu cực và xử lý nghiêm trách nhiệm vai trò của người đứng đầu đơn vị mình quản lý để xảy ra sai phạm, tham nhũng, tiêu cực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục