Từ vụ sạt lở ở đèo Bảo Lộc: Các giải pháp phòng chống không hiệu quả

Sau vụ sạt lở trên đèo Bảo Lộc, nhiều ý kiến cho rằng thời gian tới cần phải có kịch bản cụ thể và giải pháp lâu dài để ứng phó với sạt lở đất đá trên cả nước.
Hiện trường vụ sạt lở trên đèo Bảo Lộc sáng 31/7 vẫn còn ngổn ngang. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)

Thời gian qua, tại tỉnh Lâm Đồng liên tiếp xảy ra nhiều vụ sạt lở, sụt lún và ngập úng, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống người dân. Mới đây nhất là sự cố sạt lở nghiêm trọng trên tuyến Quốc lộ 20 đoạn qua đèo Bảo Lộc vào chiều 30/7 đã vùi lập một phần Chốt Cảnh sát Giao thông, khiến 3 cán bộ chiến sỹ cảnh sát giao thông bị vùi lấp trong đống đất đá.

Đánh giá về sự cố trên, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng vụ sạt lở đất nghiêm trọng xảy ra tại đèo Bảo Lộc là một bài học lớn về cách phòng, chống thiên tai bất thường.

Nhận diện nguyên nhân

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus về vụ sạt lở trên đèo Bảo Lộc vào chiều 30/7, Tiến sỹ Trịnh Xuân Hòa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho rằng một trong những nguyên nhân chính dẫn tới sự cố nghiêm trọng trên là do lượng mưa quá lớn.

Theo ông Hòa, khi mưa xuống với lưu lượng lớn, thông thường sẽ làm phân rã tạm thời các mối liên kết của đất đá, rễ cây, thảm thực vật, hoặc nước ngầm.

“Ngoài ra, điểm xảy ra sạt lở ở dưới khu vực đồi trồng sầu riêng nên việc tác động đến bề mặt đất và thảm thực vật của đồi, có thể cũng là nguyên nhân khiến khả năng xói lở đất cao hơn, từ đó gây ra sạt lở,” ông Hòa phân tích.

Ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng Phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia) cho biết cũng tương tự như các sạt lở trước, khoảng thời gian từ ngày 27 đến 13 giờ ngày 30/7, trên khu vực miền Trung, Tây Nguyên trong đó có tỉnh Lâm Đồng có mưa to đến rất to. Lượng mưa phổ biến trên 120mm, một số trạm có lượng mưa lớn như đèo Bảo Lộc là 371mm.

Do đó, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục xuất hiện hiện tượng đất đá bị ngậm nước bão hòa, liên kết yếu, khiến các khối địa chất bị trượt lở. Cùng với đó, mưa lớn kéo dài làm tăng lượng nước thấm vào khối đất, tăng mực nước ngầm trong khu vực bị sạt lở. Khu vực phát sinh sụt, nứt đất bất thường là nền đất mềm, yếu.

Trong khi đó, trao đổi với báo chí về sự cố sạt lở trên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai - ông Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng vụ sạt lở tại đèo Bảo Lộc là một bài học mới, nguy cơ mới.

Theo ông Hiệp, một trong những nguyên nhân sạt lở ở đèo Bảo Lộc là do mưa quá lớn, lượng mưa trong bốn ngày liên tục gấp bốn lần so với bình thường hằng năm.

Vấn đề đặt ra là tỉnh Lâm Đồng đã có dự kiến di dời Chốt Cảnh sát Giao thông Madagui vì có khả năng không an toàn. Tuy nhiên, trong các điểm có nguy cơ sạt lở cần di dời thì có nhiều điểm khác cần di dời gấp hơn nên tỉnh đã và đang tập trung các điểm có nguy cơ cao.

Đáng tiếc, điểm cũng phải di dời nhưng chưa xung yếu như khu vực chốt cảnh sát giao thông trên thì lại xảy ra sạt lở trước. Điều này cho thấy mưa lũ, sạt lở đất do tác động của biến đổi khí hậu rất khó đoán định.

Từ hiện trường vụ sạt lở ở trên đèo Bảo Lộc là khu vực đất trồng sầu riêng, ông Hiệp lưu ý rằng bất cứ thay đổi nào do tác động của con người thì thiên nhiên sẽ có những thay đổi. Đặc biệt, với điều kiện biến đổi khí hậu, mưa lũ bất thường như hiện nay thì tất cả tác động của con người đều có thể gây ra hậu quả.

Phòng chống sạt lở đất đá còn hạn chế

Tiến sỹ Trịnh Xuân Hòa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho biết qua tổng hợp các công trình nghiên cứu trượt, sạt lở đất đá, hiện có một số công trình nghiên cứu liên quan đến tỉnh Lâm Đồng như: Đề tài “Nghiên cứu đánh giá tổng hợp các loại hình tai biến địa chất lãnh thổ Việt Nam và các giải pháp phòng tránh.”

Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Nghiên cứu cho thấy lần đầu tiên 7 loại hình tai biến địa chất (bao gồm: nứt sụt đất, trượt lở, lũ quét lũ bùn đá, xói mòn đất, bồi lở bờ sông, bồi lở cửa sông và ven biển, môi trường địa hoá đặc biệt) đã được nghiên cứu đánh giá một cách đồng bộ.

[Lời giải giảm nhẹ rủi ro thiên tai: Công nghệ cần đi trước một bước]

Tuy vậy, ông Hòa cũng nhấn mạnh do mức độ điều tra nghiên cứu ở các tỷ lệ nhỏ nên các kết quả nghiên cứu của phần lớn các đề tài, dự án còn mang tính khái quát, khả năng áp dụng mới chỉ mang tính định hướng cho các công tác tiếp theo.

“Việc nghiên cứu khoanh vùng và đưa ra các phương án phòng chống tai biến trượt, sạt lở đất đá cho các khu vực cụ thể ở các địa phương còn nhiều hạn chế. Các giải pháp phòng chống trượt lở đưa ra còn thiếu sức thuyết phục,” ông Hòa nói.

Ông Hòa cũng chỉ ra một số tồn tại như việc nghiên cứu khoanh vùng và đưa ra các phương án phòng chống tai biến cho các khu vực cụ thể ở nhiều địa phương cũng còn nhiều hạn chế; các giải pháp phòng chống trượt lở đưa ra còn thiếu sức thuyết phục; kết quả của một số đề tài chưa nêu được nguyên nhân trực tiếp. Do vậy, giải pháp phòng chống trượt đưa ra khi thực thi không đem lại hiệu quả.

Các nghiên cứu về phân vùng mức độ, khả năng xảy ra tai biến trượt lở đất đá và pháp tích hợp thông tin, mô hình hóa khả năng trượt lở cũng còn nhiều hạn chế.

“Do mức độ điều tra nghiên cứu ở các tỷ lệ nhỏ nên các kết quả nghiên cứu của phần lớn các đề tài, dự án còn mang tính khái quát, khả năng áp dụng mới chỉ mang tính định hướng cho các vùng rộng lớn,” ông Hòa nói thêm.

Với sự cố sạt lở ở trên đào Bảo Lộc, ông Hòa cũng thẳng thắn cho rằng đây là “sự cố rất khó nói” bởi nhìn vào những bức ảnh từ hiện trường cho thấy điểm sạt lở không phải là khu vực nguy cấp cần phải di dời ngay. Việc nghiên cứu những khu vực này cũng rất khó bởi trên cả nước có rất nhiều điểm có độ dốc tương tự.

Phải có kịch bản ứng phó lâu dài với sạt lở

Đưa ra khuyến cáo để giảm thiểu rủi ro thiên tai trước diễn biến khó lường của biến đổi khí hậu, Tiến sỹ Trịnh Xuân Hòa cho rằng thời gian tới cần phải có kịch bản và giải pháp lâu dài ứng phó với sạt lở đất đá trên cả nước.

Cùng với đó, chính quyền các địa phương và người dân cũng cần chủ động hơn trong việc phòng chống sạt lở; đặc biệt là những khu vực ven đường giao thông có hiện trạng tương tự như khu vực xảy ra sự cố ở trên đèo Bảo Lộc.

Trước đó, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và các bộ, ngành liên quan tới phòng chống thiên tai, sạt lở đất đá vào ngày 31/7, sau khi tham khảo ý kiến, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đã đưa ra các chỉ đạo quan trọng.

Theo Phó thủ tướng, trước mắt, sự cố sạt lở đất đá trên khu vực đèo Bảo Lộc có thể xem là tai nạn và tỉnh Lâm Đồng đã xử lý tốt. Tuy vậy, tỉnh Lâm Đồng cũng cần xem xét phương án ứng phó sự cố phù hợp, đảm bảo vừa đủ nhân lực, vật lực để sớm khắc phục hậu quả vụ sạt lở, vừa chủ động phòng, chống sự cố tương tự, có nguy cơ xảy ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Cũng theo Phó thủ tướng, với những điểm có nguy cơ đã xác định và đang tiếp tục rà soát, phải có cách ứng phó không để xảy ra tai nạn. “Nếu xảy ra, nếu có hậu quả nghiêm trọng thì phải xử lý trách nhiệm. Vì đã có chuẩn bị mà vẫn để có hậu quả nghiêm trọng là lỗi chủ quan,” Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Về lâu dài, Phó thủ tướng cho rằng năm nay mưa quá nhiều, quá lớn và không thể chắc trong tương lai mưa ít hơn. Thời tiết càng lúc càng mưa nắng cực đoan, phải có phương án thích ứng, phương án cho biến đổi khí hậu.

Liên quan đến nguyên nhân vụ sạt lở trên khu vực đèo Bảo Lộc, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo mời các chuyên gia địa chất xác định nguyên nhân vụ sạt lở đồng thời đánh giá địa chất toàn bộ tuyến đèo Bảo Lộc và các tuyến đèo quanh tỉnh Lâm Đồng để có giải pháp lâu dài.

“Phải tính những phương án, những kịch bản dài hơi. Không được để xảy ra chuyện sự cố chồng sự cố,” Phó thủ tướng nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục