Từ vụ Sabeco: Có lo nhiều thương hiệu nội rơi vào tay nước ngoài?

Từ vụ bán vốn Sabeco, câu hỏi đặt ra là, cơ quan Nhà nước có lo sẽ có thêm nhiều thương hiệu nội rơi vào tay nước ngoài và đâu là bài học sau thương vụ được coi là lịch sử này.
Từ vụ Sabeco: Có lo nhiều thương hiệu nội rơi vào tay nước ngoài? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Từ thương vụ một công ty có liên quan tới đại gia Thái Lan chi gần 110.000 tỷ đồng (khoảng 5 tỷ USD) mua cổ phần Sabeco, câu hỏi đặt ra với lãnh đạo Bộ Tài chính là, cơ quan Nhà nước có lo sẽ có thêm nhiều thương hiệu nội rơi vào tay nước ngoài và đâu là bài học sau thương vụ được coi là lịch sử này.

Đó là những câu hỏi được gửi tới ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính trong cuộc họp báo về tình hình cổ phần hóa năm 2017 tổ chức sáng 25/12.

Thị trường quyết định

Thừa nhận đã nghe những trăn trở sau thương vụ Sabeco nhưng ông Đặng Quyết Tiến cho rằng, khi nền kinh tế hội nhập thì quan trọng là pháp luật được đưa ra với doanh nghiệp ra sao. Theo ông, pháp luật phải tạo ra sự phát triển bền vững cho Việt Nam và có sự sàng lọc.

[Hai nhà đầu tư đã mua thành công cổ phần của Sabeco]

“Ta sẵn sàng mời gọi nhà đầu tư mang lợi ích lớn đảm bảo an sinh, môi trường, cho người dân Việt Nam nhưng sẵn sàng xóa xổ thương hiệu gian đối, làm ô uế thương hiệu Việt Nam,” ông Tiến nói.

Ông bày tỏ, doanh nghiệp Việt Nam có quy mô lớn hiện nay phần lớn là doanh nghiệp Nhà nước trong khi doanh nghiệp tư nhân mới đi lên và sức bền vững không có. “Vì thế ta buộc phải giải phóng nguồn lực,” vị lãnh đạo ngành tài chính lên tiếng. Tất nhiên, theo ông, có những lĩnh vực nhà đầu tư nước ngoài không thể tham gia nhưng với số khác, ông nhắc lại ý kiến đã Chính phủ đưa ra là: Chính phủ không bán bia, bán sữa.

Nói riêng với thương vụ Sabeco, theo ông, việc thương hiệu mất hay không, quan trọng là khi ký kết hợp đồng, điều kiện về thương hiệu phải tốt. Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh, việc giữ được thương hiệu hay không còn do thị trường, người dùng quyết định.

Tiếp tục với thương vụ này, trước ý kiến cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài có thể đã cố tình lách luật đầu tư của Việt Nam để mua trên 50% cổ phần, ông Đặng Quyết Tiến cho rằng không nên phân biệt yếu tố trong nước và nước ngoài.

Lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định, thương vụ trên có quy định rõ ràng và nhà đầu tư đảm bảo đúng nguyên tắc, quy chế đấu giá.

Ông cho biết, trong trường hợp nếu sau này, đơn vị trên xâm phạm lợi ích người tiêu dùng Việt Nam thì cơ quan có quyền lên án, xử lý còn ngược lại thì cần trân trọng.

5 tỷ USD chi như thế nào?

Nhiều câu hỏi đặt ra với lãnh đạo Bộ Tài chính là khoản tiền gần 110.000 tỷ đồng sẽ được chi như thế nào.

Trả lời cho những thắc mắc này, ông Tiến cho biết, số tiền trên theo kế hoạch sẽ đổ về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước trong vài ngày tới (theo kế hoạch là ngày 28/12). Quỹ này được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước.

Ông nhấn mạnh, quỹ này mục tiêu không chỉ tạo nguồn cân đối ngân sách đầu tư mà còn chi giải quyết vấn đề trong cổ phần hoá như lao động dôi dư và các vấn đề khác.

“Việc thoái vốn vừa qua ở Sabeco hay Vinamilk và các doanh nghiệp khác trước đó đều là để tạo nguồn cho việc chi đầu tư các dự án theo Nghị quyết của Quốc hội,” ông Tiến nói.

Theo ông, Quốc hội đã phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn trong đó riêng nguồn từ cổ phần hóa, thoái vốn phải sắp xếp là 250.000 tỷ đồng để phục vụ mục tiêu đầu tư. Ông khẳng định lại, mọi địa chỉ đầu tư đều đã có trong danh mục Quốc hội thông qua.

Nói thêm về kinh nghiệm sau thương vụ Sabeco, vị lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp bày tỏ, theo quy định, sau khi cổ phần hóa, các đơn vị phải chuyển quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước về SCIC. Việc bàn giao trên theo ông Tiến thời gian qua là chưa đảm bảo.

Ông thống kê, riêng với thương vụ Sabeco, để thực hiện bán vốn, Chính phủ đã phải họp 6-7 cuộc và có hẳn một nghị quyết để đảm bảo.

Theo ông, nếu việc bán vốn trên để cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thực hiện thì số cuộc họp tương tự có thể sẽ ít hơn.

“Nếu SCIC làm thì họ sẽ lường trước hết tình huống, có khi chỉ xin ý kiến Chính phủ 1 lần thôi,” ông Tiến nói.

Vấn đề theo ông là để “bộ đi bán bia” nên nhiều vấn đề phải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ trong khi “Thủ tướng làm sao phê duyệt từng sự vụ cụ thể được.”

“Thoái vốn bia là lịch sử, nhưng về cá nhân, chúng tôi muốn tốt nhất là bàn giao về tổ chức chuyên trách,” vị đại diện Bộ Tài chính nêu quan điểm./.

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính nói về số thu 5 tỷ USD từ thương vụ Sabeco.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục