Tử vong do ung thư tại Mỹ giảm tới 25% trong 25 năm qua

Phát hiện sớm và điều trị kịp thời cùng những điều chỉnh cơ bản trong thói quen sống như bỏ hút thuốc lá là những lý do cơ bản giúp tỷ lệ tử vong do ung thư tại Mỹ trong 25 năm qua đã giảm tới 25%.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: cancer.org)

Phát hiện sớm và điều trị kịp thời cùng những điều chỉnh cơ bản trong thói quen sống như bỏ hút thuốc lá là những lý do cơ bản giúp tỷ lệ tử vong do ung thư tại Mỹ trong 25 năm qua đã giảm tới 25%.

Theo báo cáo thường niên công bố ngày 5/1 của Hiệp hội Ung thư Mỹ (ACS), trong giai đoạn 1991-2014, nước Mỹ đã giảm được hơn 2,1 triệu ca tử vong do ung thư, tập trung chủ yếu ở các bệnh nhân ung thư phổi, ung thư vú, ung thư tiền liệt tuyến và ung thư trực tràng, trong đó ung thư tiền liệt tuyến và trực trang ghi nhận mức giảm mạnh nhất.

Cụ thể, tỷ lệ bệnh nhân nam tử vong do ung thư tiền liệt tuyến đã giảm tới 51% trong khoảng thời gian từ năm 1993-2014. Đây cũng là mức giảm đối với ung thư trực tràng ở cả nam và nữ giới giai đoạn 1976-2014.

Thống kê của ACS còn cho biết từ năm 1990-2014, tỷ lệ nam giới tử vong do ung thư phổi giảm mạnh, tới 43%, và tỷ lệ này ở nữ giới là 17% trong khoảng thời gian 2002-2014. Trong khi đó, số trường hợp tử vong do ung thư vú cũng ghi nhận mức giảm đáng kể vào khoảng 38% trong các năm từ 1989-2014.

ACS còn phát hiện sự chênh lệch về tỷ lệ tử vong và tỷ lệ mắc ung thư ở hai giới đối với từng loại ung thư. Nhìn chung, nguy cơ mắc ung thư ở nam giới cao hơn nữ giới là 20%, trong khi tỷ lệ tử vong cũng cao hơn 40%.

Báo cáo cho rằng sự chênh lệch này chủ yếu xuất phát từ các yếu tố rủi ro tác động tới hai giới. Cụ thể, số trường hợp mắc ung thư gan ở nam giới thường cao hơn so với nữ giới tới 3 lần, do tỷ lệ nhiễm virus (vi-rút) viêm gan C (Hepatitis C) cao hơn ở các đấng nam nhi do quan hệ tình dục không an toàn và thói quen hút thuốc lá thường xuyên hơn nữ giới.

Trong khi đó, nam giới cũng dễ mắc ung thư da hơn nữ giới với tỷ lệ chênh lệch là 60% và tỷ lệ tử vong cao gấp 2 lần. Tuy nhiên, các bệnh ung thư thực quản, thanh quản và bàng quang ghi nhận sự chênh lệch lớn nhất giữa hai giới với tỷ lệ bệnh nhân nam cao hơn nữ tới 4 lần.

Báo cáo của ACS cũng đề cập đến sự thu hẹp cách biệt về tỷ lệ tử vong do ung thư xét về góc độ chủng tộc. Trước kia, tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân nam người Mỹ gốc Phi thường ghi nhận cao hơn so với người Mỹ da trắng, song đến nay mức này đã có chiều hướng giảm. Theo đó, trong gần 25 năm qua, sự chênh lệch này đã giảm từ 47% xuống còn 21%.

Xu hướng này cũng được nhìn nhận ở nữ giới da màu so với nữ giới da trắng với mức giảm từ 20% của năm 1998 xuống 13% trong năm 2014. Nhìn chung, số người Mỹ gốc Phi tử vong do ung thư vẫn cao hơn so với người Mỹ da trắng trong năm 2014 với mức chênh lệch là 15%.

ACS cho rằng việc người dân dễ tiếp cận hơn với các dịch vụ y tế và công tác ngăn ngừa bệnh tật được cải thiện đã góp phần giúp giảm các tỷ lệ tử vong do ung thư này.

Theo giới chuyên gia, biểu đồ ung thư này của Mỹ cho thấy hiệu quả của công tác phòng ngừa và điều trị các căn bệnh chết người này tại Mỹ. Tuy nhiên, để duy trì kết quả tích cực này, các cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu lâm sàng nâng cao chất lượng điều trị cũng như nâng cao nhận thức của người dân về các bệnh ung thư, các biện pháp phòng ngừa, khuyến khích lối sống lành mạnh thông qua các chiến dịch tuyên truyền thông tin rộng rãi và thường xuyên.

Dự báo trong năm nay, tại Mỹ sẽ có thêm khoảng 1,68 triệu bệnh nhân mắc ung thư và khoảng 600.000 người tử vong vì các căn bệnh này. Ung thư là căn bệnh gây tử vong lớn thứ hai tại Mỹ, sau các bệnh tim mạch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục