Những ngày qua, dư luận hoang mang khi liên tiếp xảy ra các trường hợp tai biến do phẫu thuật thẩm mỹ dẫn đến tử vong tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Nguy hiểm tiềm ẩn trong lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ và việc quản lý các cơ sở thẩm mỹ ra sao lại được nhiều người dân đặc biệt quan tâm.
Tiềm ẩn nhiều nguy hiểm
Trung tuần tháng Bảy, một người đàn ông 53 tuổi, quốc tịch Mỹ, đã tử vong khi đến Viện Thẩm mỹ Việt Thành (Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh) để cắt da vùng hông lưng.
Theo tường trình của bác sỹ phụ trách Viện thẩm mỹ Việt Thành, sau khi tiêm thuốc tê khoảng 10-15 phút, bệnh nhân có dấu hiệu trụy mạch. Mặc dù, bệnh nhân đã được cấp cứu nỗ lực như đặt nội khí quản bóp bóng, xoa bóp tim ngoài lồng ngực, đặt đường truyền dùng thuốc... nhưng không cứu được.
Mới đây, một vụ việc tương tự gây xôn xao dư luận khi chị S.B.T, 22 tuổi (ngụ huyện Hóc Môn) tử vong sau gần một tháng nâng ngực tại Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh (Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh) do bác sỹ Lê Tấn Hùng thực hiện.
Khi được đưa đến Bệnh viện Nhân dân 115 cấp cứu, các bác sỹ cho biết bệnh nhân tử vong do nhiễm trùng hậu phẫu. Điều đáng nói, các bác sỹ phát hiện thêm bệnh nhân đang mang thai khoảng 17 tuần...
Đây là hai trường hợp tử vong do tai biến trong phẫu thuật thẩm mỹ điển hình mới xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh.
[Bệnh nhân nước ngoài tử vong sau khi hút mỡ bụng tại thẩm mỹ viện]
Về trường hợp bệnh nhân người Mỹ tử vong tại Viện Thẩm mỹ Việt Thành, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh xác định bệnh nhân chết vì sốc phản vệ do thuốc gây tê.
Theo bác sỹ Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc Bệnh viện thẩm mỹ JW Hàn Quốc, tai biến dễ gây ra tử vong nhất trong phẫu thuật thẩm mỹ là sốc phản vệ do phản ứng với thuốc gây tê, gây mê. Do vậy, trước khi thực hiện bất kỳ phẫu thuật nào, bác sỹ bắt buộc phải thử phản ứng của bệnh nhân với các thuốc gây mê, gây tê. Điều quan trọng hơn là cơ sở phải có đủ điều kiện, thiết bị để cấp cứu kịp thời khi bệnh nhân rơi vào sốc.
Các phẫu thuật đơn giản như cắt mắt, nâng mũi, cắt sẹo, tạo lúm đồng tiền... có thể thực hiện tại các phòng khám thẩm mỹ nhưng những phẫu thuật đòi hỏi gây tê, gây mê như cắt mỡ, căng da bụng, nâng ngực, phẫu thuật cắt gọt xương... buộc phải thực hiện trong các bệnh viện có chuyên khoa về lĩnh vực đó.
“Cơ sở nào đủ điều kiện để thực hiện kỹ thuật nào chỉ nên thực hiện đúng kỹ thuật đó, không nên thực hiện ngoài danh mục cho phép bởi nếu xảy ra biến chứng rất dễ gây chết người,” bác sỹ Nguyễn Phan Tú Dung cho hay.
Còn trường hợp chị S.B.T dù đang mang thai nhưng tại sao bác sỹ vẫn thực hiện nâng ngực, theo thông tin ban đầu, cả bệnh nhân lẫn bác sỹ đều không biết bệnh nhân đang mang thai.
[Yêu cầu làm rõ vụ thai phụ tử vong sau khi phẫu thuật nâng ngực]
Phó giáo sư-tiến sỹ, bác sỹ Đỗ Quang Hùng, Trưởng khoa Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng mặc dù trong các quy định phẫu thuật nâng ngực không bắt buộc phải kiểm tra tình trạng có thai hay không nhưng do đây là phẫu thuật lớn cần phải gây mê nội khí quản nên bác sỹ cần phải kiểm tra, thực hiện nhiều xét nghiệm quan trọng trước phẫu thuật như kiểm tra chức năng đông máu của bệnh nhân, chức năng thận, chức năng gan, X-quang tim, phổi, kiểm tra tiểu đường... Đồng thời phải tiến hành thử nước tiểu để kiểm tra một số bệnh lý nội khoa khác, phải hỏi thêm tình trạng mang thai, chu kỳ kinh nguyệt gần đây của bệnh nhân.
“Nếu nghi ngờ, bác sỹ phải cho test nhanh thử nồng độ HCG. Tuy nhiên, đa số bệnh nhân nữ họ biết họ có thai hay không vì đây là kiến thức khá cơ bản, do đó trường hợp cả bệnh nhân lẫn bác sỹ không biết bệnh nhân đang mang thai là khá hy hữu,” phó giáo sư-tiến sỹ-bác sỹ Đỗ Quang Hùng cho biết.
“Lỗ hổng” trong quản lý các cơ sở thẩm mỹ
Dù được biết đến là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều khả năng xảy ra tai biến nhưng việc hai người tử vong trong quá trình phẫu thuật thẩm mỹ thời gian qua đã gióng lên hồi chuông báo động trong việc quản lý các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ. Và câu hỏi, ngành y tế đang quản lý các cơ sở thẩm mỹ này ra sao đang được dư luận đặt ra hơn bao giờ hết.
Quay trở lại trường hợp người đàn ông quốc tịch Mỹ tử vong sau khi cắt da thừa tại Viện Thẩm mỹ Việt Thành, Thanh tra Sở Y tế Thành phố cho biết, cơ sở này chỉ được cấp phép thực hiện các kỹ thuật như: Tạo má lúm đồng tiền, xóa xăm cung lông mày, tạo hình gò má, tạo hình cằm chẻ, cằm lẹm, sửa da vùng mặt, vùng cổ, tạo hình mí mắt, mũi, môi, tai…Tuy nhiên, trên thực tế, cơ sở này đã quảng cáo trên trang mạng xã hội, trên website có thể thực hiện các kỹ thuật nâng ngực, hút mỡ bụng...
Như vậy, từ lâu cơ sở này đã vi phạm thực hiện kỹ thuật vượt quá danh mục cho phép. Ngoài ra, dù có biển hiệu là Viện Thẩm mỹ Việt Thành nhưng trong giấy phép được cấp, đây chỉ là Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ. Mặc dù vậy, nhiều người dân vẫn băn khoăn tại sao trước đó, ngành y tế không phát hiện ra vi phạm mà để đến khi cơ sở này gây ra hậu quả nghiêm trọng mới phát hiện ra?
[Đức Phúc: Phẫu thuật thẩm mỹ để trở lại cuộc đua một cách công bằng]
Tương tự, sau vụ việc thai phụ S.B.T tử vong khi nâng ngực, Thanh tra Sở Y tế mới phát hiện bác sỹ Lê Tấn Hùng có hợp tác với Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh để thực hiện nâng ngực cho bệnh nhân. Trong khi đó, về giấy phép hành nghề, bác sỹ này chỉ có thể thực hiện các can thiệp từ vùng cổ trở lên như tạo má lúm đồng tiền, xóa xăm cung lông mày, nâng cung lông mày, tạo hình gò má, tạo hình cằm chẻ, cằm lẹm, sửa da ở vùng mặt, vùng cổ, tạo hình mí mắt, mũi, môi, tai...
Thừa nhận gặp nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra hoạt động của các cơ sở thẩm mỹ, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Theo Luật Doanh nghiệp, trước khi kiểm tra bất kỳ cơ sở, doanh nghiệp hay phòng khám nào chúng tôi buộc phải gửi thông báo trước cho nơi đó, vì vậy họ đều có sự chuẩn bị để đối phó, rất khó phát hiện sai phạm.
Ông Bùi Minh Trạng, Chánh Thanh tra Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố hiện có khoảng 100 cơ sở chuyên khoa về phẫu thuật thẩm mỹ, còn có khoa giải phẫu thẩm mỹ ở một số bệnh viện công, bệnh viện tư. Quá trình kiểm tra đã phát hiện nhiều sai phạm tại các cơ sở thẩm mỹ như quảng cáo sai phép, bố trí người thực hiện không có chứng chỉ hành nghề. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở giải phẫu thẩm mỹ khoán trắng chuyện tư vấn cho nhân viên không có chuyên môn nghiệp vụ dẫn đến việc tư vấn không đúng cho khách hàng...
Trước nhiều vụ việc liên quan đến hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh, mới đây, Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng, hoàn thiện, bổ sung và tổ chức tập huấn, bổ túc cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về giải quyết khủng hoảng xảy ra tại cơ sở. Đồng thời, Thành phố tiếp tục chấn chỉnh các dịch vụ thẩm mỹ nói riêng và khám bệnh, chữa bệnh nói chung để chấm dứt các tai biến xảy ra tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn./.