Tư vấn Pháp kiến nghị không mở rộng Tân Sơn Nhất: Chuyên gia lên tiếng

Những giải pháp giải quyết ách tắc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất cần phải được cân nhắc lựa chọn triển khai với mục tiêu không chỉ dừng lại ở mức “cải thiện” mà phải đặt trong tầm nhìn lớn, dài hạn.
Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Đã có rất nhiều đề xuất của các nhà chuyên môn và các giải pháp của cơ quan chức năng nhà nước đưa ra nhằm giải quyết tình trạng ách tắc cả trong lẫn ngoài sân bay Tân Sơn Nhất.

Tuy nhiên, những giải pháp đưa ra cần phải được cân nhắc lựa chọn triển khai với mục tiêu không chỉ dừng lại ở mức “cải thiện” tình hình mà phải đặt trong tầm nhìn lớn, dài hạn, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội thành phố Hồ Chí Minh và của khu vực miền Nam.

Ngày 27/2 vừa qua, Công ty tư vấn ADPi Engineering của Pháp-đơn vị được thuê nghiên cứu đã có báo cáo cuối kỳ về điều chỉnh quy hoạch, mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất trình Bộ Giao thông Vận tải.

Báo cáo đã giới thiệu ​6 phương án, trong đó có 1 phương án xây dựng thêm đường băng số 3 và ​5 phương án mở rộng sân bay về phía Nam-phía Bắc, không xây dựng đường băng số 3.

Theo đơn vị tư vấn này, nếu lựa chọn phương án xây dựng đường băng số 3 sẽ giúp nâng công suất lên 60-70 triệu khách/năm.

Cụ thể, đường băng này dài 2.600 mét về phía Bắc, nằm cách đường cất hạ cánh hiện nay hơn 760 mét và một nhà ga hành khách công suất 30-40 triệu lượt khách hoạt động tách biệt với các nhà ga đang có với tổng chi phí xây dựng khoảng 35.000 tỷ đồng, chưa tính đến chi phí 45.000 tỷ đồng giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên, đơn vị tư vấn kiến nghị không áp dụng phương án này vì chi phí tốn kém, số lượng dân cư phải di dời lớn, việc đầu tư mất nhiều thời gian…, đồng thời, việc kiến nghị phương án nói trên là do đơn vị tư vấn xác định sân bay Tân Sơn Nhất sẽ đạt mức khai thác với công suất 50 triệu hành khách vào năm 2025. Khi đó, sân bay Long Thành đi vào hoạt động sẽ giảm tải hành khách cho sân bay Tân Sơn Nhất.

[Mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất: Phải cân đối chung cả sân bay Long Thành]

Do vậy, phương án lựa chọn là cần đầu tư cải thiện đường cất-hạ cánh và đường lăn, cải thiện phương thức khai thác, tổ chức lại sân đỗ, mở rộng khu vực nhà ga bao gồm vị trí sân đỗ tàu bay và nhà ga hành khách; phát triển thêm giao thông tiếp cận và cuối cùng là phát triển nhà ga hành khách và dịch vụ ở khu vực phía Nam sân bay.

Về phía Bắc sẽ lấy phần đất quốc phòng để xây dựng nhà ga hàng hóa, khu sửa chữa máy bay và các công trình dịch vụ kỹ thuật phụ trợ.

Đồng tình với kiến nghị của đơn vị tư vấn nói trên, tiến sỹ kinh tế Lương Hoài Nam cho rằng không cần xây đường băng số 3 mà nên tăng giới hạn khai thác hai đường băng hiện có lên từ 54-56 chuyến/giờ bằng các giải pháp kỹ thuật đồng bộ và xây dựng thêm nhà ga T3, mở rộng sân đỗ đến hết đầu phía Tây đường lăn hiện hữu để tăng số vị trí đỗ máy bay.

Ngoài ra, tiến sỹ Lương Hoài Nam cũng kiến nghị cần phải có một trục đường mới kết nối với nhà ga T3 với bề mặt cắt ngang 40 mét, 8 làn xe như đường Trường Sơn (quận Tân Bình), vừa phục vụ nhà ga, vừa phục vụ cho giao thông đô thị nhằm chia tải với đường Cộng hòa (quận Tân Bình).

“Với các giải pháp trên, Tân Sơn Nhất có thể phục vụ trên thực tế được trên 50 triệu khách/năm, kéo giảm tình trạng ùn tắc sân bay,” tiến sỹ Lương Hoài Nam nói.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến chuyên gia khác cho rằng, kết quả của đơn vị tư vấn nói trên cần phải nghiên cứu thêm, bởi đây chỉ là những giải pháp nhằm khai thác tối đa hệ thống hạ tầng hiện hữu trên diện tích đất hiện có của khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

Theo thạc sỹ Cao Ngọc Thành, Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh, hiện trạng ách tắc trong và ngoài sân bay đã kéo dài nhiều năm và đến nay dù có giải pháp để giải quyết vấn đề nhưng cũng đều xuất phát từ tư duy làm sao để “cải thiện” chứ không phải là “cải tiến” hay “thay đổi.”

“Do vậy mới phát sinh ý kiến giải tỏa khu vực dân cư sân bay Tân Sơn Nhất để có diện tích mở rộng sân bay là khó khả thi. Nếu như có thể tư duy hình thành khu vực sân bay Tân Sơn Nhất như một vùng lãnh thổ với các đặc điểm về sức ảnh hưởng, khả năng tác động lớn đến các khu vực khác thì mới thấy sự cần thiết có những chính sách riêng biệt cho khu vực này,” thạc sỹ Cao Ngọc Thành cho biết.

Theo ý kiến của thạc sỹ Cao Ngọc Thành, một khái niệm mới có thể tạm gọi là “Trung tâm hoạt động hàng không sân bay Tân Sơn Nhất” cần được Chính phủ nghiên cứu để từ đó có chính sách về quy hoạch và đầu tư nhằm hình thành hệ thống logistics, giao thông vận tải hành khách đảm bảo tiếp cận mọi hướng. Trong giai đoạn trước mắt, cần nghiên cứu mở rộng sân bay với quy hoạch xây dựng hình thành đường vành đai chuyên dụng.

Về vấn đề này, giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Trọng Hòa đề xuất triển khai một vành đai đường chuyên dụng trên mặt đất kết hợp với đường trên cao (với tĩnh không cho phép từng đoạn) khép kín vòng quanh sân bay. Vành đai này được kết nối với các hướng tiếp cận từ các trục đường nối với đường Vành đai 2 hiện tại, thuận lợi trong việc tiếp cận hành khách các tỉnh, thành trong vùng từ cửa ngõ Quốc lộ 1, 22, 13…

“Tuyến đường này chủ yếu chạy sát hàng rào sân bay ở những đoạn cho phép và có thể vòng rộng ra một số khu vực xung quanh sân bay. Các phương tiện giao thông khi lên tuyến đường này chỉ để tiếp cận các nhà ga trong sân bay. Nếu phương án không mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất lên phía Bắc được lựa chọn thực hiện thì giải pháp này vẫn hợp lý, vẫn có thể kết nối với các trục giao thông của vùng từ đường Vành đai 2,” giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Trọng Hòa cho biết.

Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng khác trong việc giải quyết vấn đề ách tắc sân bay Tân Sơn Nhất mà Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã đề nghị đơn vị tư vấn nước ngoài cần phải xem xét trong mối tổng thể phát triển các sân bay vùng như sân bay Cần Thơ, sân bay Cam Ranh, sân bay Liên Khương… Bởi trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã có những quy hoạch định hướng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông các vùng.

Chẳng hạn như tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Giao thông Vận tải đang định hướng xây dựng 2 sân bay quốc tế tại Cần Thơ với công suất thiết kế 3 triệu hành khách/năm và Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang với công suất thiết kế 3 triệu hành khách/năm.

Đề nghị này của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đối với đơn vị tư vấn là nhằm để đảm bảo đầu tư hiệu quả với chi phí thấp nhất.

Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải phải đề xuất quyết định phương án khả thi trong tháng 3/2018, đồng thời, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án giải phóng mặt bằng khu vực dự án sân bay Long Thành để sớm triển khai xây dựng./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục