Tiếp theo loạt bài đã trích đăng từ cuốn Kỷ yếu của Hội thảo khoa học quốc tế “Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay” vừa diễn ra tại Hà Nội, Vietnam+ xin trân trọng trích đăng bài viết của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, nhan đề "Tư tưởng Hồ Chí Minh về thế giới quan và đường lối đối ngoại vì hòa bình, hợp tác và phát triển."
Hòa bình, hợp tác và phát triển luôn là nội dung xuyên suốt của ngoại giao Việt Nam. Hòa bình, độc lập tự chủ để phát triển và phát triển nhằm bảo vệ hòa bình, độc lập tự chủ là khát khao cháy bỏng và là mục tiêu của sự nghiệp đấu tranh anh dũng của dân tộc Việt Nam với sự hy sinh xương máu của biết bao thế hệ người Việt. Dưới thời đại Hồ Chí Minh, Người đã phát triển đường lối đối ngoại vì hòa bình, hợp tác và phát triển lên tầm cao mới.
Hồ Chí Minh đã khẳng định đa dạng hóa quan hệ quốc tế, làm bạn với tất cả các nước dân chủ. Một phần quan trọng trong đường lối đối ngoại của Hồ Chí Minh là hợp tác với các nước láng giềng ở châu Á. Người cho rằng: “Thái độ của nước Việt Nam với những nước Á châu là một thái độ anh em” để phân biệt thái độ “đối với ngũ cường [Liên Xô, Anh, Pháp, Mỹ và Trung Quốc] là một thái độ bạn bè.”
Đặc biệt, Người hết sức chú trọng đến quan hệ với các nước láng giềng có chung đường biên giới như Trung Quốc, Lào và Campuchia. Từ khi trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Người đã mang lại nhiều nội dung mới mẻ cho mối quan hệ Việt-Trung thời kỳ hiện đại.
Bằng trí tuệ ưu việt và tài năng ngoại giao xuất chúng, Hồ Chí Minh đã viết nên một chương mới đặc sắc cho lịch sử bang giao giữa hai nước láng giềng mà ở giai đoạn này được Người khái quát một cách chính xác “vừa là đồng chí, vừa là anh em.”
Bí quyết thành công của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quan hệ với Trung Quốc là đã vận dụng được kinh nghiệm ngoại giao của ông cha và ứng xử phù hợp với truyền thống lịch sử của quan hệ Việt Nam và Trung Quốc; đề cao những điểm đồng giữa hai dân tộc; xây đắp quan hệ thân thiết giữa nhân dân hai nước; không ngừng củng cố, xây dựng lòng tin giữa hai Đảng, hai Nhà nước; tăng cường đoàn kết Việt-Trung trong phong trào cộng sản quốc tế, đồng thời phát triển quan hệ hai nước phù hợp với các mối quan hệ toàn cầu mới và trong sự tương tác với các nước lớn khác.
Hơn thế nữa, Hồ Chí Minh còn có sự hiểu biết sâu sắc về các giá trị truyền thống và hiện đại Trung Hoa, tâm thức văn hoá Trung Hoa, cũng như tâm lý và chính trị đối nội của Trung Quốc, nhờ đó tạo dựng được các quan hệ tốt đẹp, ổn định, thông cảm, tôn trọng lẫn nhau giữa hai Đảng, hai chính phủ và nhân dân hai nước, cũng như quan hệ cá nhân các nhà lãnh đạo, tranh thủ được sự ủng hộ vật chất và tinh thần to lớn của chính phủ và nhân dân Trung Quốc.
Với Lào và Campuchia, Hồ Chí Minh chủ trương thực hiện chính sách dân tộc tự quyết và tăng cường đoàn kết giữa ba nước Đông Dương nhằm đấu tranh chống kẻ thù chung. Nước Việt Nam độc lập do Người làm Chủ tịch khẳng định: “đặc biệt đối với nhân dân bạn Khmer và Lào, nước Việt Nam đặt mối quan hệ dựa trên nguyên tắc dân tộc tự quyết. Đã từng chịu ách đô hộ của Pháp, nhân dân ba nước lẽ dĩ nhiên phải cùng nhau đấu tranh để cởi ách đô hộ đó, giúp đỡ lẫn nhau giành lại và duy trì nền độc lập của mình… ba nước sẽ giúp đỡ lẫn nhau trong công cuộc kiến thiết và cùng nhau tiến lên trên con đường tiến bộ.”
Đặc biệt, cách ứng xử của Hồ Chí Minh trong quan hệ với các nước lớn là một phần không thể thiếu trong tư tưởng đối ngoại của Người. Vị trí địa-chiến lược của Việt Nam cũng như sự dính líu trực tiếp của hầu hết các nước lớn vào bán đảo Đông Dương đặt Hồ Chí Minh vào vị trí đặc biệt để xử lý quan hệ với các nước lớn. Những nguyên lý mà Người nêu ra liên quan đến mối quan hệ này là một trong những nội dung quan trọng nhất của tư tưởng Hồ Chí Minh. Các nguyên tắc, sách lược và phương châm xử thế của Hồ Chí Minh, cũng như những bài học trong quan hệ với các nước lớn, là những di sản quí giá của ngoại giao Việt Nam.
Câu hỏi xuyên suốt đối với Hồ Chí Minh là làm thế nào để một nước tương đối nhỏ như Việt Nam tồn tại và phát triển trong vận động phức tạp giữa các nước lớn và làm sao một nước nhỏ có thể thắng được các “đế quốc to”? Đây là những vấn đề cốt lõi trong việc theo đuổi quyền lợi quốc gia của Việt Nam.
Những đối sách của Hồ Chí Minh luôn xuất phát từ sự am hiểu các nước lớn là đồng minh, cũng như nước lớn là đối phương, biết được mối quan tâm và chiến lược cơ bản của họ, hiểu bản chất của nền chính trị, ngoại giao nước lớn và những giới hạn của các mối quan hệ đó.
Điều quan trọng nữa là Người đã tạo dựng được mối quan hệ thoả đáng, không vì quan hệ với nước lớn này gây ra đối kháng với nước lớn khác; giải quyết quan hệ trước mắt đã tính đến hệ quả và chiều hướng phát triển lâu dài; đồng thời luôn đặt quan hệ này trong tổng thể các mối quan hệ khu vực và toàn cầu.
Trong ứng xử với các nước lớn, Người luôn dựa trên cơ sở các nguyên tắc giữ vững độc lập tự chủ, tranh thủ hợp tác quốc tế, vừa hợp tác, vừa đấu tranh và bảo đảm lợi ích chính đáng của dân tộc.
Trong những năm tháng kháng chiến, dù Việt Nam còn nhiều khó khăn, song Người nêu rõ yêu cầu cần phát huy tự lực cánh sinh, “muốn người ta giúp cho thì trước mình phải tự giúp lấy mình đã”. Đồng thời Người cũng coi trọng phương châm có đi có lại trong quan hệ với các nước, trong đó có các nước lớn. Việt Nam sẵn sàng hợp tác, trợ giúp các nước lớn trong chừng mực có thể và phù hợp với lợi ích dân tộc Việt Nam. Người nhấn mạnh “mình được hưởng cái hay của người thì phải có cái hay cho người ta hưởng.”
Quan hệ với các nước lớn luôn đòi hỏi sự khôn khéo, nhạy bén và thực tế ứng xử tài tình của Hồ Chí Minh đã giúp đưa cách mạng Việt Nam đi đến thành công. Người nhận xét: nằm tại vị trí trung lập, giáp giới nhiều nước “thì ta ngoại giao cho khéo.” Người nêu phương châm ngoại giao, trước hết trong quan hệ với nước lớn: “dàn xếp sao cho đại sự thì thành tiểu sự và tiểu sự thì thành vô sự.”
Trong hoạt động ngoại giao, Hồ Chủ tịch căn dặn: “Người ta cương thì mình phải nhu, phải khôn khéo lấy nhu thắng cương thì mới là biết mình biết người” và “phải hiểu cả hai bên mới có thể làm tròn nhiệm vụ”.
Một bộ phận quan trọng khác trong đường lối đối ngoại của Hồ Chí Minh là phục vụ phát triển, phục vụ kiến thiết đất nước. Không chỉ hợp tác với các nước láng giềng anh em, các nước xã hội chủ nghĩa, các nước dân chủ, Hồ Chí Minh còn chủ động hoan nghênh các nước tư bản. Ngày 23/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố: “...Chúng ta hoan nghênh những người Pháp muốn đem tư bản vào xứ ta khai thác những nguồn nguyên liệu chưa có ai khai thác. Có thể rằng chúng ta sẽ mời những nhà chuyên môn Pháp cũng như Mỹ, Nga hay Tàu đến đây giúp việc cho chúng ta trong cuộc kiến thiết quốc gia. Nhưng phải nhắc lại rằng, điều kiện chính vẫn là họ phải thừa nhận nền độc lập của xứ này, nếu không vậy thì không thể nói được chuyện gì cả.”
Sau này, trong kháng chiến chống Mỹ, Người nói rõ: “Người Mỹ đến Việt Nam để bắn giết, để bị giết chết là điều sỉ nhục, nhưng người Mỹ đến để giúp đỡ Việt Nam với tư cách là nhà kinh doanh, chuyên gia kỹ thuật thì họ sẽ được nhân dân Việt Nam nhiệt liệt hoan nghênh.”
Như vậy, hợp tác, phát triển đã được Người nhấn mạnh nhưng đồng thời Người cũng nêu rõ điều kiện của nó là phải bảo đảm độc lập tự chủ của Việt Nam. Theo đó, độc lập tự chủ là nguyên tắc không thay đổi, còn hợp tác quốc tế và cùng phát triển là để phục vụ kiến thiết đất nước sau khi giành độc lập, nhưng không vì hợp tác, phát triển mà đánh mất độc lập tự chủ.
Tháng 12/1946, Người đã chủ trương hướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ tới hợp tác, hội nhập quốc tế: "Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực: a/ Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ thuật của mình; b/ Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế; c/ Nước Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc."
Đường lối đối ngoại vì hòa bình, hợp tác và phát triển giữa các dân tộc của Hồ Chí Minh có sức sống vượt thời gian. Trên con đường phát triển của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục đường lối đối ngoại Hồ Chí Minh vì hòa bình, hợp tác và phát triển bởi lẽ đường lối ấy có lợi cho Việt Nam, có lợi cho các dân tộc ở khu vực và trên thế giới.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại tiếp tục là kim chỉ nam dẫn đường cho cách mạng Việt Nam nói chung và sự nghiệp đối ngoại của Việt Nam nói riêng. Trong mỗi bước tiến của dân tộc, những người chiến sĩ trên mặt trận đối ngoại lại tìm được những triết lý và chỉ dẫn quý báu từ Tư tưởng Hồ Chí Minh và càng nhận thức sâu sắc hơn kho tư tưởng đó, để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ đối ngoại được Đảng, Bác Hồ và Nhà nước giao phó./.
Hòa bình, hợp tác và phát triển luôn là nội dung xuyên suốt của ngoại giao Việt Nam. Hòa bình, độc lập tự chủ để phát triển và phát triển nhằm bảo vệ hòa bình, độc lập tự chủ là khát khao cháy bỏng và là mục tiêu của sự nghiệp đấu tranh anh dũng của dân tộc Việt Nam với sự hy sinh xương máu của biết bao thế hệ người Việt. Dưới thời đại Hồ Chí Minh, Người đã phát triển đường lối đối ngoại vì hòa bình, hợp tác và phát triển lên tầm cao mới.
Hồ Chí Minh đã khẳng định đa dạng hóa quan hệ quốc tế, làm bạn với tất cả các nước dân chủ. Một phần quan trọng trong đường lối đối ngoại của Hồ Chí Minh là hợp tác với các nước láng giềng ở châu Á. Người cho rằng: “Thái độ của nước Việt Nam với những nước Á châu là một thái độ anh em” để phân biệt thái độ “đối với ngũ cường [Liên Xô, Anh, Pháp, Mỹ và Trung Quốc] là một thái độ bạn bè.”
Đặc biệt, Người hết sức chú trọng đến quan hệ với các nước láng giềng có chung đường biên giới như Trung Quốc, Lào và Campuchia. Từ khi trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Người đã mang lại nhiều nội dung mới mẻ cho mối quan hệ Việt-Trung thời kỳ hiện đại.
Bằng trí tuệ ưu việt và tài năng ngoại giao xuất chúng, Hồ Chí Minh đã viết nên một chương mới đặc sắc cho lịch sử bang giao giữa hai nước láng giềng mà ở giai đoạn này được Người khái quát một cách chính xác “vừa là đồng chí, vừa là anh em.”
Bí quyết thành công của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quan hệ với Trung Quốc là đã vận dụng được kinh nghiệm ngoại giao của ông cha và ứng xử phù hợp với truyền thống lịch sử của quan hệ Việt Nam và Trung Quốc; đề cao những điểm đồng giữa hai dân tộc; xây đắp quan hệ thân thiết giữa nhân dân hai nước; không ngừng củng cố, xây dựng lòng tin giữa hai Đảng, hai Nhà nước; tăng cường đoàn kết Việt-Trung trong phong trào cộng sản quốc tế, đồng thời phát triển quan hệ hai nước phù hợp với các mối quan hệ toàn cầu mới và trong sự tương tác với các nước lớn khác.
Hơn thế nữa, Hồ Chí Minh còn có sự hiểu biết sâu sắc về các giá trị truyền thống và hiện đại Trung Hoa, tâm thức văn hoá Trung Hoa, cũng như tâm lý và chính trị đối nội của Trung Quốc, nhờ đó tạo dựng được các quan hệ tốt đẹp, ổn định, thông cảm, tôn trọng lẫn nhau giữa hai Đảng, hai chính phủ và nhân dân hai nước, cũng như quan hệ cá nhân các nhà lãnh đạo, tranh thủ được sự ủng hộ vật chất và tinh thần to lớn của chính phủ và nhân dân Trung Quốc.
Với Lào và Campuchia, Hồ Chí Minh chủ trương thực hiện chính sách dân tộc tự quyết và tăng cường đoàn kết giữa ba nước Đông Dương nhằm đấu tranh chống kẻ thù chung. Nước Việt Nam độc lập do Người làm Chủ tịch khẳng định: “đặc biệt đối với nhân dân bạn Khmer và Lào, nước Việt Nam đặt mối quan hệ dựa trên nguyên tắc dân tộc tự quyết. Đã từng chịu ách đô hộ của Pháp, nhân dân ba nước lẽ dĩ nhiên phải cùng nhau đấu tranh để cởi ách đô hộ đó, giúp đỡ lẫn nhau giành lại và duy trì nền độc lập của mình… ba nước sẽ giúp đỡ lẫn nhau trong công cuộc kiến thiết và cùng nhau tiến lên trên con đường tiến bộ.”
Đặc biệt, cách ứng xử của Hồ Chí Minh trong quan hệ với các nước lớn là một phần không thể thiếu trong tư tưởng đối ngoại của Người. Vị trí địa-chiến lược của Việt Nam cũng như sự dính líu trực tiếp của hầu hết các nước lớn vào bán đảo Đông Dương đặt Hồ Chí Minh vào vị trí đặc biệt để xử lý quan hệ với các nước lớn. Những nguyên lý mà Người nêu ra liên quan đến mối quan hệ này là một trong những nội dung quan trọng nhất của tư tưởng Hồ Chí Minh. Các nguyên tắc, sách lược và phương châm xử thế của Hồ Chí Minh, cũng như những bài học trong quan hệ với các nước lớn, là những di sản quí giá của ngoại giao Việt Nam.
Câu hỏi xuyên suốt đối với Hồ Chí Minh là làm thế nào để một nước tương đối nhỏ như Việt Nam tồn tại và phát triển trong vận động phức tạp giữa các nước lớn và làm sao một nước nhỏ có thể thắng được các “đế quốc to”? Đây là những vấn đề cốt lõi trong việc theo đuổi quyền lợi quốc gia của Việt Nam.
Những đối sách của Hồ Chí Minh luôn xuất phát từ sự am hiểu các nước lớn là đồng minh, cũng như nước lớn là đối phương, biết được mối quan tâm và chiến lược cơ bản của họ, hiểu bản chất của nền chính trị, ngoại giao nước lớn và những giới hạn của các mối quan hệ đó.
Điều quan trọng nữa là Người đã tạo dựng được mối quan hệ thoả đáng, không vì quan hệ với nước lớn này gây ra đối kháng với nước lớn khác; giải quyết quan hệ trước mắt đã tính đến hệ quả và chiều hướng phát triển lâu dài; đồng thời luôn đặt quan hệ này trong tổng thể các mối quan hệ khu vực và toàn cầu.
Trong ứng xử với các nước lớn, Người luôn dựa trên cơ sở các nguyên tắc giữ vững độc lập tự chủ, tranh thủ hợp tác quốc tế, vừa hợp tác, vừa đấu tranh và bảo đảm lợi ích chính đáng của dân tộc.
Trong những năm tháng kháng chiến, dù Việt Nam còn nhiều khó khăn, song Người nêu rõ yêu cầu cần phát huy tự lực cánh sinh, “muốn người ta giúp cho thì trước mình phải tự giúp lấy mình đã”. Đồng thời Người cũng coi trọng phương châm có đi có lại trong quan hệ với các nước, trong đó có các nước lớn. Việt Nam sẵn sàng hợp tác, trợ giúp các nước lớn trong chừng mực có thể và phù hợp với lợi ích dân tộc Việt Nam. Người nhấn mạnh “mình được hưởng cái hay của người thì phải có cái hay cho người ta hưởng.”
Quan hệ với các nước lớn luôn đòi hỏi sự khôn khéo, nhạy bén và thực tế ứng xử tài tình của Hồ Chí Minh đã giúp đưa cách mạng Việt Nam đi đến thành công. Người nhận xét: nằm tại vị trí trung lập, giáp giới nhiều nước “thì ta ngoại giao cho khéo.” Người nêu phương châm ngoại giao, trước hết trong quan hệ với nước lớn: “dàn xếp sao cho đại sự thì thành tiểu sự và tiểu sự thì thành vô sự.”
Trong hoạt động ngoại giao, Hồ Chủ tịch căn dặn: “Người ta cương thì mình phải nhu, phải khôn khéo lấy nhu thắng cương thì mới là biết mình biết người” và “phải hiểu cả hai bên mới có thể làm tròn nhiệm vụ”.
Một bộ phận quan trọng khác trong đường lối đối ngoại của Hồ Chí Minh là phục vụ phát triển, phục vụ kiến thiết đất nước. Không chỉ hợp tác với các nước láng giềng anh em, các nước xã hội chủ nghĩa, các nước dân chủ, Hồ Chí Minh còn chủ động hoan nghênh các nước tư bản. Ngày 23/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố: “...Chúng ta hoan nghênh những người Pháp muốn đem tư bản vào xứ ta khai thác những nguồn nguyên liệu chưa có ai khai thác. Có thể rằng chúng ta sẽ mời những nhà chuyên môn Pháp cũng như Mỹ, Nga hay Tàu đến đây giúp việc cho chúng ta trong cuộc kiến thiết quốc gia. Nhưng phải nhắc lại rằng, điều kiện chính vẫn là họ phải thừa nhận nền độc lập của xứ này, nếu không vậy thì không thể nói được chuyện gì cả.”
Sau này, trong kháng chiến chống Mỹ, Người nói rõ: “Người Mỹ đến Việt Nam để bắn giết, để bị giết chết là điều sỉ nhục, nhưng người Mỹ đến để giúp đỡ Việt Nam với tư cách là nhà kinh doanh, chuyên gia kỹ thuật thì họ sẽ được nhân dân Việt Nam nhiệt liệt hoan nghênh.”
Như vậy, hợp tác, phát triển đã được Người nhấn mạnh nhưng đồng thời Người cũng nêu rõ điều kiện của nó là phải bảo đảm độc lập tự chủ của Việt Nam. Theo đó, độc lập tự chủ là nguyên tắc không thay đổi, còn hợp tác quốc tế và cùng phát triển là để phục vụ kiến thiết đất nước sau khi giành độc lập, nhưng không vì hợp tác, phát triển mà đánh mất độc lập tự chủ.
Tháng 12/1946, Người đã chủ trương hướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ tới hợp tác, hội nhập quốc tế: "Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực: a/ Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ thuật của mình; b/ Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế; c/ Nước Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc."
Đường lối đối ngoại vì hòa bình, hợp tác và phát triển giữa các dân tộc của Hồ Chí Minh có sức sống vượt thời gian. Trên con đường phát triển của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục đường lối đối ngoại Hồ Chí Minh vì hòa bình, hợp tác và phát triển bởi lẽ đường lối ấy có lợi cho Việt Nam, có lợi cho các dân tộc ở khu vực và trên thế giới.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại tiếp tục là kim chỉ nam dẫn đường cho cách mạng Việt Nam nói chung và sự nghiệp đối ngoại của Việt Nam nói riêng. Trong mỗi bước tiến của dân tộc, những người chiến sĩ trên mặt trận đối ngoại lại tìm được những triết lý và chỉ dẫn quý báu từ Tư tưởng Hồ Chí Minh và càng nhận thức sâu sắc hơn kho tư tưởng đó, để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ đối ngoại được Đảng, Bác Hồ và Nhà nước giao phó./.
(Phạm Gia Khiêm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao)