Những dòng tự sự trữ tình của nhà báo kỳ cựu Thanh Bền cho chúng ta biết thêm về một mùa Xuân đáng nhớ đối với những cán bộ phóng viên Thông tấn xã Giải Phóng (TTXGP): Xuân 1973, thời điểm Mỹ vừa “cút,” ngụy sắp “nhào.”
1. Ngày 29/3/1973, Mỹ chịu “ký tắt” Hiệp định Paris rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, để cho quân ngụy Sài Gòn tiếp tục cuộc chiến tranh cục bộ.
Cũng như các cơ quan Dân chính Ðảng, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam với 24 tiểu ban, trong đó có Tiểu ban TTXGP, được lệnh mỗi đơn vị cử một lực lượng, từ đất bạn Campuchia trở về xây dựng căn cứ trên đất miền Nam vào dịp giáp Tết Quý Sửu 1973, sau mấy năm xa cách.
Được trở về xây “cứ” trên Tổ quốc mình, ai cũng cảm thấy bồi hồi, lòng dấy lên một tình cảm thiêng liêng sâu nặng.
2. Những nụ mai đầu tiên của rừng miền Ðông đã lung linh trong gió sớm như chào đón đoàn người trở về. Rừng cây cổ thụ, sao dầu, bằng lăng vẫn trầm mặc như xưa, nhưng nay trở nên thân tình biết mấy!
Đoàn TTXGP gồm 20 đảng viên, đoàn viên thuộc các bộ phận: Văn phòng, B7 (biên tập tin), B22 (biên tập ảnh), B8 (kỹ thuật điện đài) do đồng chí Duy Thu, Phó Bí thư liên chi, và đồng chí Cao Văn Mì, Chi ủy viên phụ trách. Ðoàn được chia thành 4 tổ theo từng bộ phận. Tổ trưởng chỉ huy tự tìm địa điểm đóng quân, bảo đảm cự ly cách nhau khoảng 30 phút đi bộ để tránh sát thương khi địch ném bom. Nhiệm vụ đầu tiên là đào giếng, rồi xây bếp Hoàng Cầm và đào hầm trú ẩn cá nhân. Tiếp đó là cất nhà ăn, xây hội trường, đào giao thông hào, mở đường đi lại, đủ phục vụ cho 500 người hội họp, sinh hoạt tập thể. Hầm cá nhân thì mọi người tự đào trong nhà của mình. Nặng nhất là cánh B8 phải đào thêm nhiều hầm to kiên cố để bảo vệ máy phát điện. Tất cả công việc này được tiến hành một cách khẩn trương trong vòng bí mật.
3. Sau một tháng, kế hoạch xây căn cứ mới đã hoàn thành. Phần lớn anh chị em trở về nhiệm sở cũ với công việc hàng ngày. Tôi được phân công phụ trách tổ ở lại giữ cứ gồm 8 anh em: Nhựt, Tao, Kênh, Thành, Cang, Vinh, Bền và Út Nhuẫn - nữ y tá, cấp dưỡng. Nhiệm vụ của tổ là tuần tra hàng ngày giáp vòng khu vực 4B của TTXGP (khoảng hai tiếng đi bộ) và giữ liên lạc thường xuyên với cơ quan.
Tết là dịp sum họp gia đình người thân, không có gia đình thì cơ quan là đại gia đình. Tuy anh chị em Tổ giữ cứ có buồn, nhưng lại đầm ấm tình đồng đội. Phó Giám đốc Ðỗ Văn Ba gửi thư chúc Tết và động viên, kèm quà bánh, trà, kẹo cho Tổ giữ cứ. Có người tranh thủ mấy ngày nghỉ Tết theo xe sang thăm người yêu trong tổ, chúng ôi càng thêm vui vẻ. Có đơn vị bộ đội bảo vệ căn cứ Ban Tuyên huấn ghé thăm và tặng một ít cá vừa đánh bắt được ở sông Vàm Cỏ. Bên cạnh đó, chúng tôi còn tổ chức “cải thiện” thêm bằng nhiều cách. Anh Tao và Nhựt xung phong đi câu lươn ở bãi sông; cô Út Nhuẫn hái trái me xanh, nấu lấy nước để sẵn trong chai, chuẩn bị cho những nồi canh chua ngon lành. Các anh Cang, Thành, Vinh tìm chặt cây mai vàng nở sớm, kèm nhánh lan rừng tím, hồng để trang trí bàn thờ Tổ quốc. Ảnh Bác Hồ được cắt trong sổ lịch, treo trang trọng ở giữa lá cờ Tổ quốc nền đỏ bằng lá trung quân khô kết thành, có đính sao vàng năm cánh bằng những đóa hoa mai rực rỡ.
4. Chưa đến giờ giao thừa mà cả tám anh chị em đã có mặt đầy đủ, phục sức chỉnh tề đứng quanh bàn thờ Tổ quốc. Chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ bánh, mứt, kẹo và cả trà. Về khuya, đêm rừng càng tĩnh mịch. Gió lạnh ùa vào. Tám anh em quây quần bên nhau mà vẫn cảm thấy trống vắng giữa “hội trường” to lớn. Chúng tôi yên lặng nhìn nhau, chờ đón giao thừa, chờ nghe thư chúc Tết của Chủ tịch nước từ chiếc radio Sony 6 băng mở để sẵn.
- Ðùng! Ðùng! Ðùng!
Pháo nổ-giao thừa tới rồi! Không ai bảo ai, tất cả đều đứng nghiêm, hướng về bàn thờ Tổ quốc, hồi hộp lắng nghe từng lời thư chúc Tết. Sau đó là một tiệc liên hoan nhẹ nhưng rôm rả. Ai đó khởi xướng hát bài "Xuân chiến khu" của Xuân Hồng “Xuân chiến khu nhớ tình làng quê xóm cũ” sao mà đúng lúc. Mọi người hát hòa theo. Âm vang bài hát như vươn cao, bay xa đầy không khí Xuân làm ấm lòng những người làm nhiệm vụ giữ cứ./.