Từ sáng mai, siêu bão Haiyan sẽ càn quét dọc biển miền Trung

Từ sáng mai (10/11) bão đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Bắc, men dọc theo ven biển các tỉnh từ Đà Nẵng đến Quảng Trị.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng Cao Đức Phát kiểm tra công tác phòng, chống bão tại khu neo đậu tàu thuyền Phú Hải (huyện Phú Vang). Ảnh: Quốc Việt - TTXVN

Tại buổi họp báo do Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia tổ chức chiều 9/11, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương nhận định, từ sáng mai (10/11), bão số 14 (HaiYan) sẽ di chuyển dọc theo ven biển các tỉnh từ Đà Nẵng đến Quảng Trị. 

Ông Tăng cho biết, khi còn ở ngoài khơi Thái Bình Dương và trước khi đổ bộ vào miền Trung Philippiné, bão HaiYan là một trong những cơn bão mạnh nhất lịch sử, sánh ngang với những cơn bão gây thiệt hại nặng như Katrina, Andrew đổ bộ vào Hoa Kỳ và bão Nargis đổ bộ vào Myanmar. Tuy nhiên, sau khi tràn qua Philippines do ma sát với các đảo, bão đã giảm 2-3 cấp và hiện còn mạnh cấp 14-15, giật cấp 16-17 trên khu vực gần giữa Biển Đông. 

Bão số 14 đang có hướng di chuyển phức tạp. Trong 24 giờ tới , bão đi theo hướng Tây Tây Bắc, khoảng 30-35 km/giờ. Đến sáng mai (10/11) tâm bão có khả năng vào vùng biển các tỉnh từ Quảng Ngãi-Quảng Trị, cấp bão giảm xuống ở cấp 12-14, giật cấp 15-16. 

Từ sáng mai (10/11) bão đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Bắc, men dọc theo ven biển các tỉnh từ Đà Nẵng đến Quảng Trị và suy yếu thêm. Khả năng từ chiều đến đêm mai, bão sẽ đi vào khu vực các tỉnh từ Quảng Bình đến Thanh Hóa. Khi cập bờ, cường độ bão khoảng cấp 9-12, giật cấp 13-14. Sau đó bão số 14 sẽ suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực Bắc Bộ. 

Theo ông Bùi Minh Tăng, bão ít có khả năng đổ bộ thẳng góc vào các tỉnh miền Trung nên khu vực ảnh hưởng trực tiếp của bão mở rộng nhiều ra phía Bắc, thậm chí các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ cũng có thể bị ảnh hưởng của gió bão. 

Trưa nay (9/11), hoàn lưu bão đang bao phủ toàn bộ khu vực biển giữa 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ở đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) cách tâm bão khoảng 250-300 km đã có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10, cấp 11. 

Vùng biển khu vực Nam Vịnh Bắc Bộ, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bình Định đến Quảng Trị từ 16h đến 19h tối nay (9/11) gió sẽ mạnh dần lên cấp 7-9, đến đêm nay sẽ tăng lên cấp 10-11, khi tâm bão đi qua có gió mạnh cấp 12-14, giật cấp 15-16. 

Vùng biển phía Bắc Vịnh Bắc Bộ từ đêm nay (9/11) do ảnh hưởng của rìa phía Bắc hoàn lưu bão nên gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 8-9. 

Do đây là cơn bão rất mạnh với vùng gió mạnh lớn hơn cấp 6 rộng khoảng 350-450 km đồng thời khi di chuyển lại có xu hướng dọc theo các tỉnh miền Trung nên toàn bộ các tỉnh từ Phú Yên trở ra khu vực Nam đồng bằng sông Hồng sẽ ghi nhận được gió mạnh trên cấp 6. 

Do hoàn lưu bão rộng, phạm vi ảnh hưởng lớn nên từ chiều nay (9/11) vùng mây vành ngoài mắt bão đã bắt đầu ảnh hưởng đến miền Trung. Khoảng chiều tối nay, hoàn lưu mây phía Tây của bão sẽ tác động đến khu vực từ Quảng Trị đến Bình Định. Khu vực này sẽ có mưa to đến rất to. 

Cùng với xu hướng dịch chuyển dần lên phía Bắc của bão số 14, từ đêm nay mưa sẽ lan tới khu vực Quảng Bình, Hà Tĩnh và đến chiều tối mai (10/11) sẽ lan tới khu vực Thanh Hóa và Bắc Bộ. 

Mưa lớn dồn dập kéo dài từ 1-2 ngày, với lượng mưa từ 200-400 mm, có nơi tới 500 mm, sẽ gây lũ lớn trên các sông suối, ngập úng ở các thành phố, vùng trũng và lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi. 

Khu vực ven biển và các đảo thuộc tỉnh Nghệ An-Quảng Ngãi, cần đề phòng nước biển dâng kết hợp với triều cường cao từ 4-6 m. Sóng biển 5-8 m, vùng gần tâm bão trên 10m./. 

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục