Biến thể Delta vẫn đang là thách thức chung của đa số các quốc gia Đông Nam Á, trong khi thiếu hụt nguồn cung vaccine ngừa COVID-19 cũng là bài toán nan giải đối với nhiều nước.
Điều đó buộc chính phủ các nước khu vực phải nỗ lực tìm kiếm mọi nguồn vaccine để tiêm chủng đại trà cho người dân, nhanh chóng đạt được miễn dịch cộng đồng.
Cùng với nguồn vaccine đặt mua hoặc được tài trợ từ bên ngoài, một số quốc gia Đông Nam Á, điển hình như Thái Lan, Indonesia và Việt Nam vẫn đang nỗ lực tìm lời giải cho bài toán tiêm chủng từ chính nội lực của mình, thông qua việc nghiên cứu, phát triển vaccine trong nước.
Hiện 3 loại vaccine được Thái Lan tự nghiên cứu phát triển là Baiya SARS-CoV Vax 1 do công ty Baiya Phytopharm bào chế, ChulaCov19 do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển vaccine của Đại học Chulalongkorn sản xuất và NDV-HXP-S do Cơ quan Dược phẩm chính phủ (GPO) bào chế.
[Vaccine của Thái Lan sẵn sàng cho thử nghiệm trên người]
Vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên do Thái Lan phát triển và sản xuất là ChulaCov19, bắt đầu được thử nghiệm trên người từ giữa tháng 6 vừa qua.
ChulaCov19 đã được thử nghiệm trên khỉ và chuột và cho thấy có khả năng giúp tăng miễn dịch đối với virus SARS-CoV-2. Nếu thử nghiệm trên người cho kết quả tốt, vaccine ChulaCov19 có thể được sản xuất hàng loạt vào giữa năm 2022.
Giáo sư Kiat Ruxrungtham, chuyên gia của Đại học Chulalongkorn và là người dẫn đầu dự án phát triển ChulaCov19, cho biết mong muốn phát triển vaccine “cây nhà lá vườn” này hiệu quả trước các biến thể của virus SARS-CoV-2.
Theo ông Kiat Ruxrungtham, ChulaCov19 sẽ có mặt trên thị trường sớm nhất vào quý 1 hoặc chậm nhất là quý 3/2022, đồng thời cho rằng với vaccine tự sản xuất, Thái Lan có thể xuất khẩu vaccine sang những nước khác trong khu vực như Lào hay Campuchia.
Vaccine của hãng Baiya Phytopharm cũng đã được chứng minh có hiệu quả trong việc ngăn ngừa sự lây nhiễm COVID-19 ở động vật.
Hãng Baiya Phytopharm đang chuẩn bị cho giai đoạn thử nghiệm trên 100 tình nguyện viên vào tháng 8, với hy vọng vaccine sẽ sẵn sàng để sử dụng vào năm tới.
Phó Giáo sư Suthira Taychakhoonavudh tại Khoa Dược thuộc Đại học Chulalongkorn và là Giám đốc điều hành của Baiya Phytopharm, nhấn mạnh người Thái Lan sẽ có nhiều lựa chọn vaccine hơn từ năm 2022 khi vaccine của nước này được đưa ra thị trường.
Vaccine NDV-HXP-S hiện trong giai đoạn thử nghiệm thứ hai trên người. Theo Giám đốc điều hành GPO Withoon Danwiboon, loại vaccine này có thể được cung cấp vào đầu năm sau.
Quy trình sản xuất vaccine này tương tự như quy trình sản xuất vaccine cúm mà nhà máy của GPO đã sản xuất. Điều đó có nghĩa là việc sản xuất hàng loạt vaccine ngừa COVID-19 có thể bắt đầu ngay tại nhà máy có quy mô công nghiệp của GPO với công suất sản xuất khoảng 25-30 triệu liều mỗi năm.
Thái Lan cũng dự định cuối năm nay sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng 2 loại vaccine ngừa COVID-19 dạng xịt mũi mà nước này đang phát triển, sau khi các cuộc thử nghiệm ở chuột mang lại kết quả khả quan.
Các cuộc thử nghiệm cũng sẽ kiểm tra tính hiệu quả của các vaccine này trong phòng chống biến thể Delta, với giai đoạn hai dự kiến diễn ra vào tháng 3/2022.
Nếu các thử nghiệm lâm sàng cho kết quả tốt, Thái Lan đặt mục tiêu sản xuất hàng loạt vaccine dạng xịt vào giữa năm 2022.
Tại Indonesia, quốc gia Đông Nam Á chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch, vaccine Merah Putih - dự án hợp tác giữa 6 viện nghiên cứu trong nước, trong đó có Viện Sinh học phân tử Eijkman, cùng hai công ty dược phẩm PT Kalbe Farma và PT Biofarma, có thể hoàn tất thử nghiệm lâm sàng vào cuối năm nay và bắt đầu sản xuất hàng loạt vào đầu năm 2022.
Merah Putih đã được gửi đến công ty PT Bio Farma, nhà sản xuất vaccine lớn nhất Đông Nam Á, để thử nghiệm lâm sàng.
Giám đốc điều hành Bio Farma, ông Honesti Basyir, cho biết sau khi quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 diễn ra suôn sẻ, Bio Farma sẽ tiến hành sản xuất đại trà vaccine Merah Putih.
Công ty này đã chuẩn bị các cơ sở sản xuất với công suất tối đa 250 triệu liều mỗi năm.
Theo Bộ trưởng Nghiên cứu và Công nghệ Indonesia Bambang Brodjonegoro, vaccine Merah Putih sẽ có giá thành thấp hơn sản phẩm nhập khẩu vì chương trình nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng vaccine này được chính phủ tài trợ.
Cơ quan thực phẩm và dược phẩm Indonesia cũng phê chuẩn kế hoạch thử nghiệm giai đoạn 2 loại vaccine nội địa thứ hai là Nusantara. Đây là một sản phẩm do nhóm nghiên cứu thuộc công ty dược phẩm PT. Rama Emerald Multi Sukses (Rama Pharma) của Indonesia, hãng dược AIVITA Biomedical của Mỹ và Khoa Y thuộc Đại học Diponegoro cùng bào chế.
Giai đoạn 1 thử nghiệm đã hoàn tất vào cuối tháng 1/2021 với kết quả tốt và không gây bất cứ vấn đề nào nghiêm trọng đối với 27 tình nguyện viên.
Việt Nam đã triển khai chiến lược vaccine với nhiều mũi "chủ công:" ngoại giao vaccine để tiếp cận các nguồn vaccine trên thế giới và đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, trong đó tự lực, tự cường về vaccine được coi là giải pháp căn cơ lâu dài.
Trên quan điểm đó, ngay từ khi dịch COVID-19 bùng phát, trên tinh thần khuyến khích các đơn vị trong nước nghiên cứu, phát triển vaccine phòng COVID-19, Chính phủ Việt Nam đã có các chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine phòng COVID-19 trong nước.
Tới thời điểm này, Việt Nam có 2 ứng viên vaccine đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2-3 là Nano Covax và Covivac.
Vaccine Nano Covax của Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen và Học viện Quân y nghiên cứu phát triển từ tháng 5/2020, đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 trên 13.000 người để đánh giá 3 yếu tố: tính an toàn, tính sinh miễn dịch, hiệu lực bảo vệ trên người.
Qua 2 giai đoạn đầu, kết quả thử nghiệm cho thấy 100% tình nguyện viên đều sinh miễn dịch tốt. Tỷ lệ chuyển đổi huyết thanh đạt trên 99%.
Vaccine Covivac do Viện vaccine và sinh phẩm y tế (IVAC) nghiên cứu, cũng đã chuyển sang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn. Nhóm nghiên cứu cũng kỳ vọng cuối quý 3, đầu quý 4/2021 sẽ có kết quả đánh giá thử nghiệm lâm sàng của giai đoạn 2 để bước sang giai đoạn 3.
Có thể nói, câu chuyện sản xuất vaccine nội địa cho thấy nỗ lực đáng ghi nhận của các nước đang phát triển ở Đông Nam Á trong bối cảnh nguồn cung hạn chế và tình trạng bất bình đẳng vaccine trên toàn cầu đang khiến khu vực này tụt hậu về tiêm chủng so với nhiều nơi trên thế giới.
Theo đánh giá trên chuyên trang phân tích Geopolitical Monitor, đối với một khu vực phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu và du lịch như Đông Nam Á, “bao phủ vaccine chậm cộng thêm chính sách đóng cửa biên giới sẽ khiến các nền kinh tế Đông Nam Á bỏ lỡ cơ hội phục hồi vào thời điểm phương Tây đang dần mở cửa trở lại.”
Giáo sư Paul Tambyah thuộc Hiệp hội châu Á-Thái Bình Dương về vi sinh và lây nhiễm lâm sàng, cho rằng vaccine tự phát triển là “câu trả lời đúng đắn” cho Đông Nam Á.
Theo ông Paul Tambyah, các nước thu nhập tầm trung ở khu vực hoàn toàn có đủ năng lực để tự phát triển vaccine, nhất là nếu được hỗ trợ cốt yếu như bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa COVID-19, nguồn quỹ, năng lực sản xuất và nguồn nguyên liệu thô.
Đứng trước nhiều khó khăn chưa thể tháo gỡ ngay và trước một thực tế Đông Nam Á đã là “người đi sau” trong cuộc đua phát triển vaccine, các nước Đông Nam Á đang khá tỉnh táo trong kỳ vọng đối với những chương trình vaccine nội địa.
Giáo sư Thái Lan Kiat Ruxrungtham khẳng định: “Đối với những nước đi sau trong cuộc đua vaccine, điều quan trọng nhất là hướng tới giá trị dài hạn và bền vững. Mỗi khu vực nên có một số quốc gia có thể tự sản xuất vaccine khi xảy ra dịch bệnh. Ngay cả khi không thể tạo ra đột phá, việc này cũng sẽ tạo cơ hội cọ xát để tích luỹ kinh nghiệm ứng phó với các bệnh truyền nhiễm khác.”
Giáo sư Kiat Ruxrungtham cho rằng việc phát triển vaccine của Thái Lan có thể là quá muộn để giải quyết các vấn đề trước mắt, nhưng điều quan trọng đối với tương lai và an ninh y tế của đất nước là có thể tự sản xuất vaccine.
Theo ông Kiat Ruxrungtham, Thái Lan sẽ có kiến thức và cơ sở vật chất để kịp thời chuẩn bị vaccine cho riêng mình, vì vậy sẽ không còn phải phụ thuộc hoàn toàn vào vaccine nhập khẩu trong trường hợp có một đại dịch khác.
Trong khi đó, cách tiếp cận của Việt Nam là tập trung, dành sự quan tâm đặc biệt để có vaccine sản xuất trong nước nhanh nhất, sớm nhất trên nguyên tắc phải đảm bảo sức khỏe, tính mạng của người dân.
Việc nghiên cứu và phát triển vaccine "made in Vietnam” được thực hiện khẩn trương nhưng bảo đảm khoa học, chặt chẽ với đầy đủ các số liệu tin cậy.
Sang năm thứ hai của đại dịch COVID-19, nhiều chuyên gia giờ đã phải thẳng thắn thừa nhận nguy cơ về một đại dịch kéo dài và thường trực bất ổn với những biến số từ sự xuất hiện của các biến thể mới.
Chuyên gia Jerome Kim, Tổng Giám đốc Viện Vaccine quốc tế đặt trụ sở tại Seoul (Hàn Quốc), cho rằng: “Nếu chấp nhận giả thuyết rằng thế giới sẽ còn phải tiếp tục chung sống với đại dịch COVID-19 trong dài hạn, các nước tự cung cấp được vaccine đều có thể thu về những lợi ích kinh tế lớn, không quan trọng việc “đi chậm” hay “đi nhanh.”
Thế giới vẫn cần hàng tỷ liều vaccine nữa, và thêm hàng tỷ liều nữa sau đó, nếu các biến thể mới tiếp tục xuất hiện, nguy hiểm hơn, đe dọa đánh bại những vaccine thế hệ đầu.”
Theo ông Ken Ishii, Giám đốc Trung tâm Sáng chế vaccine quốc tế đặt trụ sở tại Tokyo (Nhật Bản), bên cạnh những lợi ích kinh tế và y tế, các quốc gia tự sản xuất vaccine còn có thể nâng cao vị thế quốc gia trên bình diện khoa học-kỹ thuật, ngoại giao hay đơn giản như một quốc gia tự lực tự cường.
Vaccine giờ đây được coi là vũ khí quan trọng hàng đầu trong cuộc chiến chống dịch. Những nỗ lực không ngừng nghỉ để nghiên cứu và phát triển vaccine nội địa mà Việt Nam và một số quốc gia Đông Nam Á đang thực hiện không chỉ cho thấy quyết tâm “bước qua đại dịch bằng chính đôi chân của mình,” mà còn thể hiện sự tự lực, tự cường của các nước trong việc bảo vệ người dân trước đại dịch COVID-19./.