Ngày 16/10, tại hội thảo lấy ý kiến dự thảo Luật về máu và tế bào gốc do Bộ Y tế tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, hầu hết các đại biểu cho rằng việc thành lập các trung tâm máu hoặc ngân hàng máu phải do các đơn vị chuyên môn trực thuộc Nhà nước quản lý thực hiện.
Nếu để tư nhân tham gia lĩnh vực này sẽ xuất hiện tình trạng mua bán máu và gia tăng đội ngũ cho máu chuyên nghiệp khiến chất lượng máu không đảm bảo yêu cầu điều trị bệnh.
Theo ông Đỗ Trung Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), hiện nay các bệnh viện tư nhân khi thành lập có quy chế hoạt động theo loại hình doanh nghiệp cụ thể và chịu sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp.
Trong khi đó, các Trung tâm máu hoặc Ngân hàng máu có đặc thù riêng nên nếu để tư nhân tham gia thì khi đăng ký thành lập sẽ rất khó phân loại.
Bên cạnh đó, khi một đơn vị tư nhân tham gia vào vấn đề này họ sẽ phải đầu tư các thiết bị máy móc, công nghệ để lấy máu, lưu trữ máu…
Vì vậy, kinh phí đầu tư này sẽ được hạch toán vào giá thành sản phẩm, khiến giá thành một chế phẩm máu tương đối cao so với hiện nay và chi phí sử dụng của người bệnh sẽ tăng lên.
Mặt khác, nếu để tư nhân tham gia vào lĩnh vực này cũng dễ phát sinh tình trạng mua bán máu, trong khi chủ trương của Nhà nước là giảm đội ngũ cho máu chuyên nghiệp (để lấy tiền), đảm bảo chất lượng máu cho quá trình điều trị của bệnh nhân.
Góp ý thêm về vấn đề này, tiến sỹ Lê Hoàng Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm truyền máu, Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng, không nên tư nhân hóa hoạt động liên quan đến máu và các chế phẩm máu. Tuy nhiên, theo tiến sỹ Oanh, vấn đề sử dụng máu nên mở rộng cho các cơ sở tư nhân mà các Trung tâm máu của Nhà nước cung cấp thì sẽ đầy đủ hơn.
Nguồn máu hiện nay không thiếu, song các cơ sở y tế bao gồm cả y tế tư nhân cũng cần căn cứ vào tình hình hoạt động của mình để có kế hoạch cụ thể trong việc dự trù nguồn máu cần sử dụng để khi cần thiết có thể huy động nguồn máu được kịp thời.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận một số vấn đề như vai trò của Hội Chữ thập Đỏ và chính quyền địa phương trong việc vận động, huy động nguồn máu; trách nhiệm của các bên liên quan khi có tai biến sau khi truyền máu; trách nhiệm của người cho máu…
Riêng vấn đề về tế bào gốc, đây là một vấn đề mới đặt ra trong những năm gần đây, chủ yếu được thực hiện trong các đề tài nghiên cứu khoa học và pháp luật Việt Nam chưa có quy định nào liên quan nên chưa nhận được nhiều ý kiến góp ý.
Dự thảo Luật về máu và tế bào gốc bao gồm 6 chương và 29 điều, trong đó quy định cụ thể về hoạt động truyền máu; xét nghiệm, bảo quản, vận chuyển, quản lý mẫu và sản phẩm chế phẩm máu; vấn đề sử dụng máu, chế phẩm máu; các vấn đề liên quan về tế bào gốc…
Dự kiến, Luật này tiếp tục được Bộ Y tế lấy ý kiến hoàn thiện, trình Quốc hội xem xét thông qua và sẽ có hiệu lực thi hành từ năm 2018./.