Từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân chiến đấu, vì Nhân dân phục vụ

Từ những ngày đầu thành lập với sự che chở của Nhân dân tại các chiến khu, đến các chiến thắng vang dội trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, quân đội ta luôn gắn bó máu thịt với Nhân dân, lấy sự yêu thương và đùm bọc của đồng bào làm nền tảng để chiến đấu và trưởng thành. Do đó, bản chất của Quân đội nhân dân Việt Nam chính là “từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu.”

Cho đến ngày nay, bản chất ấy chưa từng thay đổi mà luôn được kế thừa và phát huy, tạo nên sức mạnh to lớn giúp toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta hiện thực hóa được các mục tiêu kinh tế-xã hội, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.

Bản chất của Quân đội nhân dân Việt Nam

“Vì Nhân dân quên mình
Vì Nhân dân hy sinh
Anh em ơi vì Nhân dân quên mình
Đoàn Vệ quốc chúng ta ở Nhân dân mà ra
Được dân mến được dân tin muôn phần”

Những lời ca trầm hùng trong hành khúc “Vì Nhân dân quên mình” của nhạc sỹ, Trung tá Doãn Quang Khải đã khẳng định rất rõ bản chất của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ngược dòng quá khứ, cách đây tròn 80 năm, ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo (nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã được thành lập chỉ với 34 chiến sỹ. Đây chính là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay.

Quân đội luôn gắn bó máu thịt với Nhân dân, lấy sự yêu thương và đùm bọc của đồng bào làm nền tảng để chiến đấu và trưởng thành.

Ngay từ những ngày đầu đấu tranh cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định rõ: Quân đội là lực lượng của quần chúng lao động, được thành lập để đấu tranh cho quyền lợi của Nhân dân. Do đó, bản chất của Quân đội nhân dân Việt Nam chính là “từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu.” Điều này đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân trong suốt 80 năm lịch sử.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Quân đội ta là quân đội nhân dân. Nghĩa là con em ruột thịt của Nhân dân. Đánh giặc để tranh lại độc lập thống nhất cho Tổ quốc, để bảo vệ tự do hạnh phúc của Nhân dân. Ngoài lợi ích của Nhân dân, quân đội ta không có lợi ích nào khác” (2).

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn kế hoạch tác chiến với các sỹ quan quân đội trong chiến dịch Biên giới năm 1950. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Tư tưởng này không chỉ là kim chỉ nam mà còn định hình bản chất cách mạng của quân đội ta, đồng thời tạo nên sức mạnh to lớn, giúp quân đội ta vượt qua mọi khó khăn để giành thắng lợi trong mọi giai đoạn lịch sử, từ các cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cho đến công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày nay.

"Từ Nhân dân mà ra"

“Từ Nhân dân mà ra” là một nguyên lý cốt lõi, phản ánh truyền thống gắn bó giữa quân đội và Nhân dân. Trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên năm 1930, Đảng đã đặt ra yêu cầu phải “tổ chức ra quân đội công nông” làm nòng cốt cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Từ những đội du kích trong phong trào cách mạng 1930-1931 như Tự vệ Đỏ, đến các tổ chức lớn hơn như Đội du kích Bắc Sơn, Cứu quốc quân, quân đội ta đã hình thành từ chính lòng dân và trưởng thành từ phong trào cách mạng của quần chúng.

Trong suốt hành trình lịch sử, quân đội ta luôn từ Nhân dân mà ra và sau đó lại được nuôi dưỡng bởi lòng yêu nước và sự ủng hộ của quần chúng. Đặc biệt, trong Cách mạng Tháng Tám 1945, dưới sự ủng hộ, đồng lòng của toàn dân, Việt Nam Giải phóng quân đã cùng Nhân dân cả nước tiến hành Tổng khởi nghĩa thành công, đánh đổ ách thống trị của thực dân, phong kiến, giành lại độc lập cho dân tộc. Chính sự gắn bó máu thịt với Nhân dân đã giúp quân đội ta vượt qua mọi khó khăn, xây dựng nên truyền thống cách mạng đầy tự hào.

Truyền thống ấy tiếp tục được phát huy trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1945-1954), hàng vạn dân công đã tham gia vận chuyển lương thực, đạn dược, vũ khí qua những cung đường hiểm trở. Riêng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, theo số liệu từ Tổng cục Hậu cần, có hơn 260.000 dân công, 21.000 xe đạp thồ được huy động.

Dọc các chiến khu như Việt Bắc, Tây Bắc, Đồng bằng Bắc Bộ, Nhân dân đã dành nhà cửa, hầm trú ẩn để bảo vệ cán bộ và bộ đội khỏi sự truy lùng của địch. Những người mẹ Việt Nam nhỏ bé đã dâng hiến những người con thân yêu cho tổ quốc, đồng thời còn trực tiếp tham gia che chở, nuôi giấu cán bộ.

Nhiều gia đình đã lập các trạm trung chuyển lương thực, vũ khí ngay trong vùng địch kiểm soát... Tinh thần yêu nước, lòng hy sinh của Nhân dân không chỉ tiếp sức mà còn tạo nên niềm tin vững chắc cho quân đội trong cuộc chiến đầy cam go; là nền tảng để Quân đội nhân dân Việt Nam đánh bại kẻ thù và giành lại độc lập cho dân tộc.



(Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Nhân dân cả nước đã huy động mọi nguồn lực để nuôi dưỡng và bảo vệ quân đội trong điều kiện chiến tranh khốc liệt. Tại tuyến đường Trường Sơn, Nhân dân miền Bắc đã huy động hàng vạn tấn gạo, thực phẩm và thuốc men để chuyển vào chiến trường miền Nam.

Những đoàn dân công hỏa tuyến, xe thồ, và thậm chí là gùi trên vai đã vượt qua mưa bom bão đạn để đảm bảo hậu cần. Từng cân gạo, từng giọt nước mắm được Nhân dân dành dụm, gửi đến bộ đội không chỉ mang giá trị vật chất mà còn chứa đựng lòng yêu thương và niềm tin chiến thắng.

Trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên năm 1930, Đảng đã đặt ra yêu cầu phải “tổ chức ra quân đội công nông” làm nòng cốt cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.

Tại miền Nam, Nhân dân đã xây dựng hàng nghìn hầm bí mật để che giấu cán bộ, chiến sĩ và vũ khí. Dưới sự đàn áp khốc liệt của kẻ thù, Nhân dân vẫn kiên trung, một lòng bảo vệ cách mạng.

Nhiều gia đình đã trở thành “tai mắt” của quân đội, cung cấp thông tin về hoạt động của địch. Hình ảnh các mẹ như Mẹ Nguyễn Thị Thứ (Quảng Nam) - người đã tiễn đưa 9 người con và cháu lên đường chiến đấu, hy sinh cho Tổ quốc - là biểu tượng bất diệt cho lòng yêu nước và sự hy sinh cao cả.

Những câu chuyện cảm động về sự hy sinh, đùm bọc và đồng hành của Nhân dân với Quân đội Nhân dân Việt Nam trong các cuộc kháng chiến trường kỳ chống quân xâm lược đã khẳng định rằng sức mạnh quân đội không chỉ đến từ vũ khí hay chiến lược, mà còn từ lòng dân. Đây chính là nền tảng quan trọng góp phần tạo nên những chiến thắng vĩ đại, đưa đất nước đến độc lập, tự do và hòa bình.

Vì Nhân dân chiến đấu, vì Nhân dân phục vụ

Nếu “từ Nhân dân mà ra” là cội nguồn của Quân đội Nhân dân Việt Nam, thì “vì Nhân dân chiến đấu” chính là mục tiêu và lý tưởng tối thượng của quân đội. Từ những ngày đầu thành lập, quân đội ta đã không ngừng nỗ lực để bảo vệ Tổ quốc, mang lại hòa bình và hạnh phúc cho Nhân dân.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã thể hiện rõ tinh thần “vì Nhân dân chiến đấu” qua từng chiến dịch. Trong Chiến dịch Việt Bắc (1947), quân và dân ta đã phối hợp chặt chẽ để đánh bại các cuộc tấn công của địch, bảo vệ vùng căn cứ quan trọng, giữ vững niềm tin của Nhân dân vào cuộc kháng chiến.

Chiến dịch Biên giới (1950) đánh dấu bước ngoặt quan trọng, phá vỡ thế bao vây của địch, mở rộng vùng tự do, tạo đà cho cuộc kháng chiến kéo dài. Và chiến thắng vang dội nhất phải kể đến Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), khi quân đội ta, dưới sự ủng hộ, giúp sức tận tình của Nhân dân, đã đánh bại hoàn toàn thực dân Pháp, buộc chúng phải ký hiệp định Geneve về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam.

Những chiến thắng này không chỉ là những cột mốc lịch sử quan trọng trong cuộc kháng chiến mà còn khẳng định sức mạnh của một đội quân cách mạng, được Nhân dân hết lòng ủng hộ và bảo vệ.

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Việt Nam giải phóng quân được đổi tên thành Vệ quốc đoàn, rồi Quân đội quốc gia Việt Nam (1946), từ năm 1950 được gọi là Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong ảnh: Các đơn vị bộ đội tham gia Chiến dịch biên giới tổ chức sinh hoạt chính trị, luyện tập quân sự và tích cực chuẩn bị cho chiến dịch, nêu cao quyết tâm tiêu diệt địch (1950). (Ảnh: TTXVN)

Sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, quân và dân ta lại bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thực hiện sứ mệnh cao cả là thống nhất đất nước. Tuyến đường Trường Sơn huyền thoại đã trở thành biểu tượng của tinh thần quả cảm và hy sinh của quân đội ta. Hàng vạn chiến sỹ đã ngã xuống để đảm bảo từng đoàn quân, từng tấn hàng chi viện cho miền Nam. Các chiến dịch lớn như Xuân Mậu Thân 1968 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975 thể hiện rõ quyết tâm của quân đội trong việc giải phóng đồng bào khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn, mang lại hòa bình cho dân tộc.

Đặc biệt, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975 toàn thắng, là minh chứng cho sức mạnh của một quân đội kiên cường, được sự ủng hộ tuyệt đối của Nhân dân, hoàn thành sứ mệnh lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến thắng này không chỉ là sự kết thúc của cuộc chiến tranh trường kỳ mà còn khẳng định sự anh hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam, một đội quân luôn vì Nhân dân chiến đấu.

Các chiến sỹ không chỉ cầm súng chiến đấu mà còn đồng cam cộng khổ với đồng bào, giúp dân sản xuất, xây dựng đời sống mới. Sau khi chiến tranh kết thúc, quân đội tham gia vào công tác lao động sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng và giúp đỡ những vùng chịu ảnh hưởng nặng nề từ chiến tranh. Quân đội là một lực lượng chính góp phần vào việc tái thiết các khu vực bị tàn phá, hỗ trợ về y tế, giáo dục và hàng hóa thiết yếu cho các khu vực thiếu thốn. Chính sự tham gia này đã củng cố mối quan hệ giữa quân đội và Nhân dân, tạo nên một sức mạnh tổng hợp trong công cuộc phát triển đất nước, giúp đất nước ổn định và vững vàng bước vào thời kỳ đổi mới.

Từ khi đất nước tiến hành đổi mới đến nay, Quân đội Nhân dân Việt Nam vẫn luôn “vì Nhân dân phục vụ.” Thực hiện ba chức năng: đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất, quân đội ta luôn có mặt ở những nơi xung yếu, khó khăn, nguy hiểm, xả thân để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân; luôn đi đầu trong các phong trào giúp dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phòng, chống lụt bão, cháy nổ, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai; đấu tranh chống mọi âm mưu thủ đoạn, hành động phá hoại của các thế lực thù địch, giữ cho đất nước được yên bình.

Trải qua 80 năm xây dựng và trưởng thành, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã chứng minh được bản chất cách mạng, nhân văn sâu sắc qua tinh thần “từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân chiến đấu, vì Nhân dân phục vụ.”

Hình ảnh người lính “Bộ đội Cụ Hồ” với đôi chân trần lội nước, xắn tay vá đê hay cứu dân trong bão lũ đã trở thành biểu tượng đẹp của lòng yêu nước và trách nhiệm. Những hành động thiết thực như xây dựng nhà tình nghĩa, giúp dân khôi phục sản xuất sau thiên tai hay tham gia phòng chống dịch bệnh, càng làm rạng ngời hơn phẩm chất của những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân phục vụ.

Không chỉ dừng lại trong phạm vi quốc gia, tinh thần “vì Nhân dân chiến đấu” của Quân đội nhân dân Việt Nam còn vươn ra quốc tế. Các thế hệ cán bộ, chiến sỹ quân tình nguyện, chuyên gia quân sự Việt Nam đã sát cánh với nhân dân và quân đội các nước Lào, Campuchia, không quản hy sinh, gian khổ, góp phần giành độc lập cho dân tộc bạn, xây dựng tình đoàn kết gắn bó Việt Nam-Lào-Campuchia. Tinh thần đó tiếp tục được Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp nối, thể hiện trong các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, thể hiện vai trò và trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế.

Trải qua 80 năm xây dựng và trưởng thành, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã chứng minh được bản chất cách mạng, nhân văn sâu sắc qua tinh thần “từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân chiến đấu, vì Nhân dân phục vụ.” Đây không chỉ là kim chỉ nam mà còn là lời khẳng định giá trị vĩnh cửu của một đội quân anh hùng trong lịch sử dân tộc.

Trong tương lai, Quân đội Nhân dân Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, không ngừng nâng cao sức mạnh, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc và mang lại cuộc sống bình yên cho Nhân dân. Quân đội Nhân dân Việt Nam mãi là niềm tự hào của dân tộc, xứng danh “quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”./.

Chiến dịch Hồ Chí Minh là chiến dịch hiệp đồng quân, binh chủng quy mô lớn nhất, giành thắng lợi to lớn nhất, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Quân đội ta; là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam, góp phần quyết định kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong ảnh: 11h30 phút ngày 30/4/1975, xe tăng quân Giải phóng băng qua cánh cổng sắt, đánh chiếm Phủ Tổng thống ngụy Sài Gòn, sào huyệt cuối cùng của quân địch. (Ảnh: Mai Hưởng/TTXVN)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục