Từ người khuyết tật đến câu chuyện về một 'người máy' trong đời thực

Lớn lên với nỗi ám ảnh về màu sắc và những thứ không thể cảm nhận được, "cyborg" Harbisson đã quyết định thực hiện phẫu thuật để thay đổi danh tính và cuộc đời mình khi qua tuổi 39.
Từ người khuyết tật đến câu chuyện về một 'người máy' trong đời thực ảnh 1Neil Harbisson, một nghệ sỹ tự gọi mình là 'cyborg.' (Nguồn: AFP)

Đối với anh Neil Harbisson - một nghệ sỹ tự gọi mình là "cyborg" (nửa người nửa máy) - màu sắc không phải được cảm nhận bằng mắt thường mà lại cảm nhận bằng đôi tai giống như cảm nhận âm nhạc, nhờ chiếc ăng-ten do anh tự thiết kế để giúp khắc phục chứng bệnh mù màu.

Thuật ngữ "cyborg" thường gợi nhắc đến hình ảnh của diễn viên Arnold Schwarzenegger trong bộ phim khoa học viễn tưởng Terminator (Kẻ hủy diệt) ra mắt lần đầu từ những năm 80 của thế kỷ trước.

Từ những thước phim viễn tưởng, hình ảnh "cyborg" dần được hiện thực hóa và hiện hữu trong cuộc sống hiện đại nhờ những ứng dụng công nghệ các bộ phận giả và cấy ghép.

"Cyborg" Harbisson không chỉ nổi tiếng tại Tây Ban Nha mà còn cả ở nước ngoài, giúp anh có dịp gặp gỡ những ngôi sao tầm cỡ thế giới như diễn viên gạo cội Leonardo di Caprio hay Tom Cruise.

Harbisson sinh ra ở Bắc Ireland với hội chứng "achromatopsia," một tình trạng hiếm gặp khiến anh chỉ có thể nhìn thấy các màu tông xám.

Anh chuyển đến Barcelona khi còn nhỏ, lớn lên với nỗi ám ảnh về màu sắc và những thứ anh không thể cảm nhận được. Bước qua tuổi 39, "cyborg" Harbisson đã quyết định thực hiện phẫu thuật để thay đổi danh tính và cuộc đời mình.

Khi còn học tại học viện âm nhạc ở Anh, anh đã chế tạo một thanh kim loại mỏng, được đeo qua đầu và có thể rung động tùy theo màu sắc được phát hiện.

Nhìn qua, thiết bị này chỉ như một thiết bị công nghệ đeo bình thường, nhưng thực chất máy hoạt động như một phần cơ thể anh Harbisson, có chức năng như mũi hoặc 2 tai, giúp anh có khả năng "nghe" những màu sắc mà đôi mắt anh không thấy được.

Harbisson chia sẻ trở thành một "cyborg" đồng nghĩa rằng công nghệ là một phần định danh của mình.

[Những câu chuyện xúc động, truyền cảm hứng mạnh mẽ trong cộng đồng]

Lý giải về thiết bị độc đáo giúp anh khắc phục khiếm khuyết thể chất, Harbisson cho biết thiết bị này giúp anh cảm nhận màu sắc từ tia hồng ngoại đến tia cực tím, thông qua những rung động trong đầu sau đó trở thành âm thanh, vì vậy anh thật sự có thể "nghe thấy" màu sắc.

Ban đầu, anh cũng gặp khó khăn khi làm quen với thiết bị vì bộ máy đó không nói rõ rằng đó là màu gì (xanh, đỏ, tím hay vàng...) mà chỉ có những rung động nhưng đến nay, thiết bị đã trở thành một phần nhận thức của anh Harbisson.

Thông thường, con người nghe được âm thanh thông qua dẫn truyền không khí với sóng âm thanh đi qua tai ngoài và tai giữa, làm cho màng nhĩ trong rung động. Tuy nhiên, thiết bị này được cấy trực tiếp vào hộp sọ của anh Harbisson nên các rung động được truyền thẳng qua xương hay hộp sọ đến tai trong.

Việc màu sắc được "nghe" thấy như âm thanh đồng nghĩa với việc anh Harbisson sẽ nghe thấy cả hai, kể cả lúc nghe nhạc hay diễn thuyết, với mỗi âm tiết có tần số liên quan đến màu sắc.

Dù anh Harbisson là người đầu tiên "nghe" được tần số màu sắc dưới dạng nốt nhạc nhưng việc dẫn truyền âm qua xương đã được ứng dụng từ rất lâu, từng trợ giúp nhạc sỹ thiên tài Beethoven khi ông bắt đầu bị mất thính giác. Và khoảng 200 năm sau đó, con người cũng đã tìm ra cách cấy các công cụ hỗ trợ thính giác nhờ kỹ thuật vào hộp sọ.

Không dừng lại ở đó, anh Harbisson đang thử nghiệm một thiết bị mới được thiết kế để đeo ở cổ, giúp cảm nhận dòng chảy thời gian và chuẩn bị tiến hành cuộc thử nghiệm dự kiến kéo dài 1 năm về cách hoạt động của thiết bị thậm chí có thể thay đổi cảm nhận về thời gian nhanh hoặc chậm hơn.

Anh Harbisson cho biết đây mới chỉ được thử nghiệm như một loại thiết bị đeo, do việc cấy máy móc với cơ thể con người có thể tồn tại những rủi ro chưa được phát hiện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục