Từ Nghệ An-Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai đề phòng lũ quét, sạt lở đất

Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia khuyến cáo người dân sống ở vùng núi phải thường xuyên chú ý, quan sát xung quanh nơi ở để sớm phát hiện các dấu hiệu sạt lở.
Lực lượng chức năng triển khai phương tiện máy móc tiến hành khắc phục sạt lở đất gây ách tắc giao thông. (Ảnh: TTXVN phát)

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tính đến 7 giờ ngày 16/10, khu vực Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên đã có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to.

Tại Lũng Vân (Hòa Bình) lượng mưa đo được là 43mm (Hòa Bình); Thạch Kiệt 1 (Phú Thọ) 36mm; Việt Tiến (Lào Cai) 36mm; Vạn Xuân (Thanh Hóa) 63,2mm; Thủy điện Đồng Văn (Nghệ An) 61,2mm; Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) 256,2mm; Hướng Hóa (Quảng Bình) 73mm; Cửa Tùng (Quảng Trị) 94,8mm; Sông Trà (Quảng Nam) 80mm; Ea Sin (Đắk Lắk) 160,6mm; Buôn Dù Ia Mláh (Gia Lai) 85,2mm; Nâm Nđir (Đắk Nông) 51,2mm...

Dự báo đến 13 giờ ngày 16/10, khu vực Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa-Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên tiếp tục có mưa, mưa vừa, mưa to có nơi mưa rất to. Lượng mưa ở khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An và khu vực Tây Nguyên phổ biến từ 10-30mm, có nơi mưa trên 70mm. Khu vực từ Hà Tĩnh-Quảng Nam phổ biến từ 40-70mm, có nơi trên 140mm; từ Quảng Ngãi-Bình Thuận phổ biến từ 10-30mm, có nơi trên 60mm.

Về diễn biến lũ trên các sông, trưa 16/10, mực nước trên sông Thao (Yên Bái) đang xuống. Lúc 7 giờ ngày 16/10, mực nước tại Yên Bái là 30,81m, dưới báo động 2 là 0,19m.

Mực nước trên sông Cả (Nghệ An) đang lên, các sông khác từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam, Kon Tum và Gia Lai đang giao động.

[Hoàn lưu bão số 8 và mưa lớn gây nhiều thiệt hại cho các địa phương]

Cảnh báo, từ khoảng 13-19 giờ ngày 16/10, mực nước trên sông Thao tại Yên Bái tiếp tục xuống. Tối 16/10, mực nước Yên Bái sẽ xuống mức 30,1m, trên báo động 1 là 0,1m. Đến 7 giờ ngày 17/10, mực nước sông Thao tại Yên Bái sẽ xuống mức dưới báo động 1. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.

Từ ngày 16-19/10, trên các sông từ Nghệ An đến Quảng Ngãi, Kon Tum và Gia Lai xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ thượng lưu các sông ở Hà Tĩnh, các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị, sông Bồ (Thừa Thiên-Huế) lên mức báo động 2-báo động 3 và trên báo động 3. Sông La (Hà Tĩnh), sông Hương (Thừa Thiên-Huế), sông Vu Gia (Quảng Nam), thượng lưu các sông ở Nghệ An lên mức báo động 1-báo động 2 và trên báo động 2. Sông Thu Bồn (Quảng Nam), các sông ở Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai lên mức báo động 1 và trên báo động 1.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông, khu đô thị, đặc biệt tại các tỉnh: Yên Bái, Lào Cai, Hòa Bình, Phú Thọ, từ Nghệ An đến Quảng Ngãi, Kon Tum và Gia Lai. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, khuyến cáo người dân sống ở vùng núi phải thường xuyên chú ý, quan sát xung quanh nơi ở để sớm phát hiện các dấu hiệu sạt lở như vết lún, vết nứt trên mặt đường, tường nhà, cây cối nghiêng dần, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất... cần chạy nhanh ra khỏi khu vực sạt lở, tuyệt đối không đi qua các khu vực đã sạt lở vì vẫn tiềm ẩn khả năng tiếp tục sạt lở.

Theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, lũ quét thường xảy ra bất ngờ tại các sông, suối khu vực miền núi; lũ lên nhanh và cũng xuống nhanh, có sức tàn phá lớn, thường đi kèm với sạt lở đất, đá.

Người dân cần nhanh chóng di chuyển đến nơi có vị trí cao hơn; sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền, an toàn tính mạng là quan trọng nhất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục