Từ Ngày Thống nhất nghĩ về “Điều mong muốn cuối cùng”

Với mỗi người dân Việt Nam, thắng lợi lịch sử 30/4/1975 mở ra khát vọng mới và đáp ứng “điều mong muốn cuối cùng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Hòa bình, Thống nhất, Độc lập, Dân chủ, Giàu mạnh.
Các chiến sỹ Quân đoàn 2 - Binh đoàn Hương Giang tiến vào cắm cờ trên nóc Phủ Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, đánh dấu thắng lợi trọn vẹn của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đỉnh cao của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa

Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ cách mạng tung bay trên Dinh Độc Lập, báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối, đất nước bước vào kỷ nguyên mới - độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Với mỗi người dân Việt Nam, thắng lợi đó vừa hoàn thành di nguyện “Bắc Nam sum họp” của Bác Hồ kính yêu, hiện thực ước mơ thống nhất kéo dài hơn hai mươi năm của dân tộc.

Thắng lợi đó cũng mở ra khát vọng mới và đáp ứng “điều mong muốn cuối cùng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Hòa bình, Thống nhất, Độc lập, Dân chủ, Giàu mạnh.

Năm 1954, khi Hiệp định Geneva được ký kết, người dân Việt Nam không quan tâm lắm đến việc mình sống trên vĩ tuyến nào. Bởi, họ chỉ biết “nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một.”

Họ chỉ biết thực dân Pháp phải rút khỏi Việt Nam và hai năm sau sẽ tiến hành tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Vậy mà, khi nhân dân bờ Bắc sông Bến Hải được hưởng không khí hòa bình, bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, thì bờ Nam lại trở thành thuộc địa kiểu mới của đế quốc Mỹ.

Chính quyền tay sai được Mỹ dựng lên để từ chối hiệp thương giữa hai miền, cự tuyệt tổng tuyển cử, thống nhất đất nước, biến vỹ tuyến 17 thành giới tuyến quân sự chia cắt đất nước. Bè lũ ác ôn tiến hành khủng bố, đàn áp đồng bào ta, tàn sát những người kháng chiến cũ bằng các chiến dịch “tố cộng, diệt cộng” và Luật 10/59.

Những đạo quân viễn chinh, quân đội đồng minh của Mỹ vào miền Nam cũng song hành với những hành động man rợ, những tội ác diệt chủng. Đó là những thảm sát Mỹ Lai, là bom napalm, là chất độc da cam mà hậu quả của nó sau hơn nửa thế kỷ vẫn còn nhức nhối. Đó là những cuộc ném bom rải thảm, quyết "đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá.”

[Tôn vinh tinh thần cách mạng, quyết tâm đưa Bắc-Nam sum họp một nhà]

Trước âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, Đảng và Bác Hồ đã khẳng định: “Trung, Nam, Bắc đều là bờ cõi của ta, nước ta nhất định sẽ thống nhất, đồng bào cả nước nhất định được giải phóng.”

Người còn chỉ rõ “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào.” Và con đường đấu tranh, hoàn thành mục tiêu cách mạng, khát vọng cháy bỏng của dân tộc ta là hòa bình, độc lập, thống nhất, chính là "điều mong muốn cuối cùng" được Người ghi trong Di chúc ngay từ những năm tháng gian khó nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh…”

Miền Nam máu chảy ruột mềm! Khi phong trào Đồng khởi như nước vỡ bờ tràn ra khắp Nam bộ thì tại hậu phương xã hội chủ nghĩa, quân và dân miền Bắc ròng rã hơn 20 năm “thắt lưng, buộc bụng,” sẵn sàng chia lửa, sẵn sàng hy sinh, sẵn sàng cung cấp đến những dòng vật chất cuối cùng để chở sức mạnh hậu phương ra chiến trường, vì một miền Nam thành đồng “đi trước, về sau.”

Sáng 15/5/1975, hàng triệu nhân dân Sài Gòn-Gia Định đổ về quảng trường trước trụ sở Ủy ban quân quản thành phố để dự Lễ mừng chiến thắng. Chủ tịch Tôn Đức Thắng cùng nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham dự buổi lễ trọng đại này. (Ảnh: TTXVN)

Khát vọng thống nhất của dân tộc, sức mạnh của hậu phương miền Bắc, lòng yêu nước và ý chí quyết chiến quyết thắng của nhân dân miền Nam, đã từng bước đánh bại các chiến lược chiến tranh kiểu mới của đế quốc Mỹ ở miền Nam và chiến tranh phá hoại ở miền Bắc. Giữa năm 1972, cuộc tiến công chiến lược trên toàn miền Nam đã giành thắng lợi to lớn.

Một bộ phận lớn ngụy quân, nguỵ quyền bị tiêu diệt, nhiều vùng đất đai rộng lớn ở miền Nam được giải phóng. Tại miền Bắc, kỳ tích “Điện Biên Phủ trên không” 12 ngày đêm cuối năm 1972 của quân dân Hà Nội đã buộc đế quốc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán, ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

“Mỹ cút” đã tạo điều kiện thuận lợi để Đảng ta, dân tộc ta tiếp tục tạo thế và lực, chớp thời cơ “đánh cho ngụy nhào.” Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với 5 cánh quân tiến về giải phóng Sài Gòn bằng những bước chân thần tốc, táo bạo, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới, quyết chiến, đã giành thắng lợi hoàn toàn vào trưa 30 tháng 4 năm 1975. Miền Nam được giải phóng, non sông thu về một mối, đất nước bước vào kỷ nguyên mới - độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Nhưng để có ngày huy hoàng đó, những tổn thất, hy sinh, mất mát là vô cùng to lớn. Máu đào của hàng triệu đồng bào, chiến sỹ đã đổ xuống. Hơn 9.000 nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sỹ khắp dọc dài đất nước, từ phía Nam, ra Đông Trường Sơn, Quảng Trị đến các tỉnh, thành phố phía Bắc. Ở Hà Nội, Đài tưởng niệm Khâm Thiên như chứng tích nhắc nhớ về những ký ức đau thương mà hào hùng đó!

Vẫn còn đó những day dứt khôn nguôi, khi ba mươi vạn hài cốt liệt sỹ chưa xác định được danh tính, hàng triệu thương binh, bệnh binh mang trên mình thương tích, bệnh tật, số nạn nhân chất độc da cam/dioxin lên đến hơn 3 triệu người. Đất nước tiếp tục mất đi hàng trăm ngàn người khi bước vào giai đoạn khắc phục hậu quả chiến tranh, rà phá bom mìn, vật nổ sót lại…

Chiến thắng 30/4/1975 ghi dấu mốc trọng đại, mở ra trang sử mới trong lịch sử dân tộc. Dẫu vậy, gian khổ, chông gai không phải đã kết thúc. Ngay sau ngày thống nhất, dân tộc Việt Nam vừa phải khẩn trương xây dựng lại đất nước, băng bó các vết thương chiến tranh và kiến tạo tương lai, vừa phải bước vào những cuộc chiến đấu mới nơi phên dậu phía Tây Nam, nơi biên cương phía Bắc và nơi biển đảo phía Đông, để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Trong chặng đường cam go ấy, đất nước lại hơn mười năm chịu sự tác động, ảnh hưởng của bao vây, cấm vận và những khó khăn, trì trệ từ kinh tế-xã hội.

Thế nhưng, với truyền thống kiên cường, không lùi bước trước bất kỳ trở ngại nào, Việt Nam đã từng bước vươn lên, dựng xây và phát triển. Một dải bờ cõi thiêng liêng của Tổ quốc được giữ vững, chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia được bảo đảm. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, nền kinh tế Việt Nam hiện đứng thứ 44 thế giới theo GDP danh nghĩa và thứ 34 khi tính theo sức mua tương đương quốc tế.

Từ một đất nước không có tên trên bản đồ thế giới, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189 quốc gia thuộc tất cả các châu lục. Việc Việt Nam đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 cho thấy vị thế và uy tín của đất nước ngày càng cao!

Bốn mươi lăm năm trôi qua kể từ ngày non sông liền một dải, cỏ đã lên xanh dưới chân Thành cổ Quảng Trị, đường mòn Trường Sơn năm nào nay là Đường Hồ Chí Minh - con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Màu xanh cũng đã phủ lên những hố bom năm xưa và nhà cửa, bệnh viện, trường học, nhà máy, cầu cống, đường sá khang trang, hiện đại đã xóa đi vết tích chiến trường khốc liệt.

Việt Nam đang nuôi dưỡng và quyết tâm theo đuổi, thực hiện khát vọng mới - đó là đời sống nhân dân ấm no, đất nước hùng cường, thịnh vượng, thực hiện “điều mong muốn cuối cùng” của Bác. Nhưng đó là một chặng đường dài lâu và không hề dễ dàng, thậm chí bộn bề những khó khăn. Đó là nạn tham nhũng, quan liêu, lợi ích nhóm diễn ra dai dẳng và biến tướng muôn hình muôn vẻ.

Cờ hoa được trang trí trên đường Nguyễn Huệ, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, mừng kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Ý thức chấp hành pháp luật của một số đảng viên là cán bộ, công chức còn thấp, thậm chí “khinh nhờn luật” dẫn đến tình trạng tiêu cực, vi phạm pháp luật xảy ra ngày càng phổ biến. Sự buông lỏng lãnh đạo, cục bộ, bè phái, vi phạm nguyên tắc trong công tác cán bộ; một bộ phận chỉ biết “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về,” "mũ ni che tai" tìm chỗ trú ẩn an toàn... đã làm suy giảm năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, suy giảm niềm tin trong nhân dân. Khoảng cách giàu-nghèo có xu hướng giãn rộng ngày càng rõ rệt; văn hóa, đạo đức xã hội có biểu hiện xuống cấp… Sức chống chịu và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế còn nhiều hạn chế; năng suất, chất lượng, hiệu quả chưa cao; nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu vẫn còn hiện hữu...

Chỉ rõ những tồn tại, yếu kém đang kìm hãm sự phát triển đi lên của đất nước không phải là tự hạ thấp những thành tựu đạt được 45 năm qua. Nhìn thẳng vào sự thật, thấy rõ hơn điểm mạnh, mặt yếu để tiếp tục vươn lên, vững bước trên chặng đường không ít chông gai phía trước. Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ trong bài phát biểu đón chào năm mới Canh Tý 2020 và chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam: "Con đường phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức, đan xen với những cơ hội, thuận lợi mới. Có đánh thức được tiềm năng và biến thành nguồn lực to lớn để xây dựng và bảo vệ đất nước hay không, điều đó phụ thuộc vào ý chí, nghị lực của toàn Đảng, toàn dân ta, của mỗi người Việt Nam chúng ta".

Kỷ niệm 45 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là dịp khơi dậy niềm tự hào dân tộc, truyền thống yêu nước, trung dũng kiên cường.

Đây chính là nguồn động lực tinh thần to lớn cổ vũ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tiếp tục giành nhiều thành tựu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hôm nay, không cam chịu nghèo nàn lạc hậu, tranh thủ thời cơ, biến thách thức thành cơ hội, vươt lên những khó khăn do hậu quả đại dịch COVID-19, ổn định và phục hồi kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Bài học phát huy sức mạnh hòa hợp và đại đoàn kết toàn dân tộc vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Với sự đoàn kết nhất trí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, với khát khao cháy bỏng và ý chí quyết tâm của gần 100 triệu con dân đất Việt, “điều mong muốn cuối cùng” của Bác Hồ đang dần trở thành hiện thực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục