Từ ngày 1/9 giá gas bán lẻ trong nước tăng tới 33.000 đồng mỗi bình

Nguyên nhân giá gas bán lẻ tháng Chín tới sẽ tăng là do hợp đồng giá gas thế giới bình quân tháng Chín ở mức 555 USD/tấn, tăng 90 USD/tấn so với tháng trước đó.
(Ảnh: Đỗ Phương Anh/TTXVN)

Giá gas bán lẻ trong nước tháng Chín tới tiếp tục tăng tháng thứ hai liên tiếp theo đà tăng của giá gas trên thị trường thế giới.

Cụ thể, giá gas bình Petrolimex bán lẻ (đã bao gồm VAT) tháng Chín tới tại thị trường Hà Nội sẽ là 413.160 đồng/bình dân dụng 12kg; 1.652.640 đồng/bình công nghiệp 48kg, lần lượt tăng 33.000 đồng/bình 12kg và 132.000 đồng/bình 48kg (đã bao gồm VAT).

Tương tự như vậy, từ ngày 1/9 tới đây, giá bán gas SP của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Dầu khí Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Petro) cũng sẽ tăng 2.750 đồng/kg (đã gồm VAT), tương đương tăng 33.000 đồng/bình 12kg. Với mức tăng này, mỗi bình gas SP 12kg sẽ được bán ở mức 406.500 đồng.

Ông Nghiêm Xuân Cường, Trưởng phòng Kinh doanh gas dân dụng và thương mại, Tổng Công ty Gas Petrolimex-Công ty Cổ phần, cho biết nguyên nhân giá gas bán lẻ tháng Chín tới sẽ tăng là do hợp đồng giá gas thế giới bình quân tháng Chín ở mức 555 USD/tấn, tăng 90 USD/tấn so với tháng trước đó.

Bên cạnh đó, sự biến động tỷ giá ngoại tệ VND/USD cũng khiến giá gas nhập khẩu tăng lên khiến Tổng Công ty Gas Petrolimex phải thực hiện điều chỉnh theo mức tăng tương ứng.

[Giá gas trong nước tháng 8 tăng trở lại sau 2 tháng giảm liên tiếp]

Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá gas trong nước có 5 lần giảm (tháng Một, tháng Ba, tháng Tư, tháng Sáu và tháng Bảy) và bốn lần tăng vào tháng Hai, tháng Năm, tháng Tám và tháng Chín tới.

Trên thị trường thế giới, giá khí đốt giao tháng Chín tới đây trên Sàn Giao dịch hàng hóa New York tăng 2,1 cent, tương đương 0,8%, đạt 2,540 USD/mmBtu. Tại châu Âu, hợp đồng khí đốt kỳ hạn tại trung tâm TTF của Hà Lan, tiêu chuẩn cho giao dịch khí đốt của châu Âu đã tăng 1,9%.

Giá khí đốt tự nhiên chuẩn của châu Âu đã tăng trong bối cảnh lo ngại về nguồn cung khí đốt giảm từ Na Uy - quốc gia thay thế Nga trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho châu Âu.

Thêm vào đó, bất đồng giữa Chevronvới công nhân tại hai cơ sở của tập đoàn này tại Australia là Gorgon và Wheatstone vẫn chưa được giải quyết căn cơ. Theo dự đoán của Goldman Sachs, nếu công nhân tiếp tục đình công dẫn đến sự gián đoạn xuất khẩu LNG tối đa, giá khí đốt tự nhiên của châu Âu có thể vượt quá 109 USD/MWh.

Cùng đó, Trung tâm Bão quốc gia Mỹ (NHC) dự báo một cơn bão nhiệt đới có thể hình thành ở Biển Caribe hoặc Vịnh Mexico trong tuần tới nên nguồn cung khí đốt có thể sụt giảm.

Theo thống kê của Nhà cung cấp dữ liệu Refinitiv, sản lượng khí đốt trung bình tại 48 tiểu bang của Mỹ đã giảm xuống 101,6 tỷ feet khối mỗi ngày (bcfd) từ đầu tháng Tám đến nay, giảm từ 101,8 bcfd trong tháng trước đó./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục