Từ nay đến năm 2030 sẽ có gần 70 triệu trẻ em tử vong trước 5 tuổi

Năm 2030 gần 70 triệu trẻ em sẽ mất đi mạng sống của mình trước khi bước sang lần sinh nhật thứ năm, nếu thế giới không đạt được những tiến bộ nhanh hơn trong việc giảm tỷ lệ tử vong trẻ em.
Nhân viên y tế chăm sóc cho trẻ sơ sinh. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Chiều 29/6, theo thông tin phát đi từ Qũy Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF), nếu thế giới không đạt được những tiến bộ nhanh hơn trong việc giảm tỷ lệ tử vong trẻ em, thì đến năm 2030 gần 70 triệu trẻ em sẽ mất đi mạng sống của mình trước khi bước sang lần sinh nhật thứ năm.

Theo một phân tích mới của UNICEF, đầu tư cho sức khỏe và sự sống còn của trẻ em và cộng đồng thiệt thòi nhất đem lại giá trị đầu tư lớn hơn, cứu sống gần gấp đôi mạng sống của trẻ em trên mỗi khoản đầu tư 1 triệu USD so với những khoản đầu tư tương tự vào các nhóm ít thiệt thòi.

Tổng Giám đốc Điều hành UNICEF cho biết: “Bằng chứng hết sức thuyết phục: Đầu tư vào những trẻ em nghèo nhất không chỉ đúng về nguyên tắc, mà còn đúng trong thực tiễn - cứu nhiều mạng sống của trẻ em hơn trên mỗi đồng đô la chi ra để đầu tư.”

Nghiên cứu mới có tên: "Thu hẹp khoảng cách: Sức mạnh của đầu tư vào những trẻ em nghèo nhất," đã đưa ra bằng chứng thuyết phục mới, bổ sung thêm cho dự đoán trái với thông lệ mà UNICEF đưa ra năm 2010, mặc dù chi phí cao hơn để hỗ trợ những trẻ em nghèo nhất thông qua các can thiệp y tế mang tính sống còn và tác động cao nhưng hiệu quả lại lớn hơn.

Đây là thông tin quan trọng cho các Chính phủ đang nỗ lực chấm dứt tử vong trẻ em vì các nguyên nhân có thể phòng tránh được tại thời điểm mà mỗi đô la đều có giá trị. Bởi việc đầu tư công bằng vào sức khỏe của trẻ em cũng giải cứu cho tương lai và giúp phá vỡ vòng luẩn quẩn của cái nghèo truyền từ đời này sang đời khác. Một trẻ em khỏe mạnh có cơ hội học tập nhiều hơn và sau này có thu nhập nhiều hơn khi trưởng thành.

Với những số liệu mới từ 51 quốc gia nơi có đến 80% trẻ em sơ sinh và dưới 5 tuổi tử vong, nghiên cứu chỉ ra rằng cải thiện mức độ bao phủ của các can thiệp mang tính sống còn đối với những nhóm dân số nghèo giúp giảm tỷ lệ tử vong trẻ em ở các quốc gia này nhanh gần gấp ba lần so với những nhóm dân số không nghèo khác.

Nghiên cứu đã chọn lựa 6 can thiệp y tế chính làm các chỉ số đánh giá sự tiếp cận với các can thiệp y tế bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em có tác động cao: sử dụng màn chống muỗi được xử lý thuốc diệt côn trùng, cho con bú sớm, chăm sóc tiền sản, tiêm vắcxin đầy đủ, sự có mặt của người đỡ đẻ lành nghề trong quá trình sinh nở, và chăm sóc đối với trẻ em bị tiêu chảy, sốt và viêm phổi.

Nghiên cứu đã liệt kê các quốc gia như Afghanistan, Bangladesh và Malawi có tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi cao, nơi mà đầu tư tập trung vào những đối tượng thiệt thòi nhất đã tạo ra sự khác biệt đối với trẻ em. Từ năm 1990 đến 2015, tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm một nửa tại Afghanistan và giảm 74% ở Bangladesh và Malawi.

Những phát hiện của nghiên cứu được đưa ra tại một thời điểm quan trọng, khi các chính phủ đang tiếp tục nỗ lực để đạt được Các Mục tiêu phát triển bền vững, đặt ra mục tiêu chấm dứt tất cả tử vong vì các nguyên nhân có thể phòng tránh được ở trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 5 tuổi trước năm 2030.

Báo cáo "Thu hẹp khoảng cách: Sức mạnh của đầu tư vào những trẻ em nghèo nhất" kêu gọi các quốc gia có các bước đi thực tế nhằm giảm sự bất bình đẳng như có số liệu bóc tách để xác định những trẻ em đang bị bỏ lại phía sau; đầu tư nhiều hơn vào những hoạt động can thiệp được chứng minh là có hiệu quả trong phòng ngừa và điều trị những bệnh nguy hiểm nhất cướp đi mạng sống của trẻ em; tăng cường cải thiện hệ thống y tế để cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế có chất lượng một cách rộng rãi hơn.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục