Từ nay đến năm 2017 sẽ không tăng tiền đóng bảo hiểm y tế

Mặc dù từ cuối năm nay sẽ tăng giá dịch vụ của 1.800 dịch vụ y tế nhưng mức đóng bảo hiểm y tế của người dân từ nay đến 2017 sẽ không tăng. Quỹ bảo hiểm y tế vẫn có thể đảm bảo chi trả cho người dân.
Từ nay đến năm 2017 sẽ không tăng tiền đóng bảo hiểm y tế ảnh 1Cán bộ y tế khám chữa bệnh cho người dân. (Ảnh: TTXVN)

Mặc dù từ cuối năm nay sẽ tăng giá dịch vụ của 1.800 dịch vụ y tế nhưng mức đóng bảo hiểm y tế của người dân từ nay đến 2017 sẽ không tăng. Quỹ bảo hiểm y tế vẫn có thể đảm bảo chi trả cho người dân mà không tăng mức giá đóng bảo hiểm.

Đây là thông tin được ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết tại buổi toạ đàm “Điều chỉnh viện phí - Chất lượng khám chữa bệnh sẽ ra sao?”. Toạ đàm do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 6/11.

Ông Sơn cũng cho biết, theo lộ trình, việc tăng viện phí sẽ áp dụng trước với người đóng bảo hiểm y tế. Những người nghèo sẽ ít bị tác động vì các đối tượng hộ nghèo, người sống ở những vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo đã được hưởng 100% bảo hiểm y tế. Vì thế, điều chỉnh lần này chỉ tác động đến những người phải chung chi với bảo hiểm y tế.

“Các dịch vụ bảo hiểm y tế chi trả cũng có những thay đổi nên người dân vẫn được hưởng lợi. Có những dịch vụ trước đây bảo hiểm y tế không chi trả hoặc chi trả ở mức thấp, người dân phải đóng thêm, nhưng sau điều chỉnh thì người dân không cần phải đóng thêm nữa,” ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, đối tượng bị tác động nhiều nhất trong điều chỉnh viện phí không phải là những người tham gia bảo hiểm y tế mà là những người không tham gia bảo hiểm y tế, vì từ năm 2016, giá dịch vụ tăng sẽ áp dụng cả với các đối tượng này.

Trả lời câu hỏi liệu giá dịch vụ tăng, chất lượng y tế liệu có tăng lên, ông nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế, cho rằng thời gian tới, cùng với việc tăng giá dịch vụ, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đổi mới cung cách phục vụ thì chất lượng y tế các tuyến sẽ từng bước được nâng lên.

“Người dân cũng không thể đòi hỏi chất lượng dịch vụ y tế phải tăng trước, sau đó mới tăng giá dịch vụ, vì đây là một vòng xoay,” ông Liên nói.

Tuy nhiên, ông Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng lại cho rằng, dù viện phí có điều chỉnh cũng khó giải quyết được tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên cũng như thay đổi nhiều về chất lượng phục vụ của ngành y.

“Khi người thân bị bệnh, điều quan trọng nhất với người dân không phải là mức giá dịch vụ, mà là chất lượng khám chữa bệnh. Và vì thế, họ vẫn sẽ lên các tuyến trên vì hiện nay, chất lượng dịch vụ y tế của Việt Nam vẫn có sự chênh lệch lớn giữa các tuyến,” ông Tuấn nói.

Về việc số cơ sở khám chữa bệnh có thể thanh toán bảo hiểm y tế hiện nay còn khá hạn chế, đặc biệt là đối với cơ sở y tế tư nhân, dẫn đến hạn chế khả năng tiếp cận của người dân, ông Sơn thừa nhận là một hạn chế, nhưng cũng là vì đảm bảo quyền lợi của người dân.

Theo ông Sơn, hiện có khoảng 2.500 cơ sở y tế có thanh toán bảo hiểm y tế, trong đó có khoảng 500 cơ sở y tế tư nhân. Đa số trong số này là các bệnh viện tư, số phòng khám tư rất hạn chế. “Điều này là phòng khám không đảm bảo các yêu cầu về chất lượng, quy mô do bảo hiểm y tế quy định hoặc giá dịch vụ quá cao,” ông Sơn nói.

Tuy nhiên, cũng theo ông Sơn, thời gian tới, số lượng cơ sở y tế tư nhân ký kết với bảo hiểm y tế chắc chắn sẽ tăng, tạo điều kiện để người dân thuận lợi hơn trong khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục