Từ nay đến 2015 tăng trưởng kinh tế ASEAN dự kiến 5,6% mỗi năm

Theo Thủ tướng Malaysia, AEC sẽ tạo ra thêm nhiều cơ hội kinh tế và và việc làm trong ASEAN, giúp Hiệp hội tiếp tục là một điểm đến hấp dẫn đối với giới đầu tư và doanh nhân quốc tế.
Từ nay đến 2015 tăng trưởng kinh tế ASEAN dự kiến 5,6% mỗi năm ảnh 1Ông Najib Razak. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 20/11, Thủ tướng Malaysia ​cho biết sau khi thành lập Cộng đồng ASEAN (AEC), nền kinh tế Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ đạt tăng trưởng dự kiến 5,6%/năm cho tới năm 2019.

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh và đầu tư ASEAN 2015, Thủ tướng Najib Razak bày tỏ tin tưởng rằng với việc thành lập AEC, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực sẽ tiếp tục tăng. Ông khẳng định các nền kinh tế thành viên sẽ tăng trưởng bền vững, mang lại sự thịnh vượng và nâng cao đời sống mọi người dân.

Theo ông, AEC sẽ tạo ra thêm nhiều cơ hội kinh tế và và việc làm trong ASEAN, giúp Hiệp hội tiếp tục là một điểm đến hấp dẫn đối với giới đầu tư và doanh nhân quốc tế.

Thủ tướng Malaysia cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của quan hệ đối tác công-tư và lĩnh vực tư nhân trong việc thúc đẩy nền kinh tế vì khu vực tư nhân là động lực để giải phóng toàn bộ tiềm năng và tạo ra nhiều của cải hơn.

Theo Báo cáo Hội nhập ASEAN (AIR), được công bố cùng ngày, tăng trưởng kinh tế của ASEAN sẽ tiếp tục cao hơn mức trung bình của toàn cầu. Trong khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự báo đạt 3,3% trong năm nay, giảm nhẹ so với mức 3,4% của năm nóoái, nền kinh tế ASEAN được dự báo sẽ giữ đà tăng trưởng của năm ngoái là 4,6% và sẽ tăng mạnh hơn vào năm 2016 với mức tăng 4,9%.

Hội nhập kinh tế khu vực sẽ tiếp tục góp phần đẩy nhanh đà phục hồi kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng. Dự báo sau năm nay, toàn cảnh kinh tế ASEAN sẽ tiếp tục biến đổi để vượt qua những thách thức kinh tế toàn cầu.

Theo AIR, cơ cấu các nền kinh tế ASEAN nói chung đã thay đổi từ khi thông qua kế hoạch AEC vào năm 2007, với lĩnh vực dịch vụ đóng vai trò quan trọng. Thị phần dịch vụ trong nền kinh tế tăng liên tục lên hơn 50% vào năm ngoái, trong khi thị phần của công nghiệp và nông nghiệp giảm xuống lần lượt còn 38% và 11%. Tăng trưởng kinh tế đạt được nhờ sự gia tăng của dòng vốn FDI đổ vào lĩnh vực dịch vụ và thành quả vững chắc trong lĩnh vực thương mại, góp phần tăng sản lượng của khu vực.

Thị phần của thương mại nội khối trong tổng kim ngạch thương mại ASEAN tương đối bền vững, ở mức 25%. Năm ngoái, thương mại nội khối tăng gần 60% so với năm 2007, cao hơn tăng trưởng thương mại ngoại khối (gần 52%).

Theo AIR, ASEAN là một trong những điểm đến chính thu hút FDI, đạt hơn 136 tỷ USD trong năm ngoái. FDI ngoại khối đạt gần 18% tổng FDI của năm ngoái, trong khi con số này năm 2007 chỉ là hơn 11%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục