Ngày 18/2, tại Hà Nội, Chính phủ tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước 2014-2015. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đồng chủ trì hội nghị.
Những kết quả bước đầu
Báo cáo tình hình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước các năm 2011-2013 và nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh đến năm 2015 của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho thấy từ năm 2011 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định, quyết định, chỉ thị về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; phân công, phân cấp thực hiện các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước; thành lập mới, tổ chức lại, giải thể, phá sản doanh nghiệp; đánh giá hiệu quả hoạt động, giám sát và công khai tài chính của doanh nghiệp.
Về tái cơ cấu và cổ phần hóa, Thủ tướng Chính phủ đã hoàn thành phê duyệt các đề án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2015 của các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
Từ năm 2011 đến hết năm 2013, cả nước đã sắp xếp được 180 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 99 doanh nghiệp và sắp xếp theo các hình thức khác 81 doanh nghiệp; tổng số doanh nghiệp cổ phần hóa từ trước đến nay là 4.065 doanh nghiệp.
Doanh nghiệp Nhà nước tập trung hơn vào những ngành, lĩnh vực, địa bàn then chốt, quan trọng mà Nhà nước cần nắm giữ. Các doanh nghiệp được cổ phần hóa hầu hết có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành, tài chính phức tạp. Việc cổ phần hóa được số doanh nghiệp này với số cổ phần chào bán gần 19.000 tỷ đồng là nỗ lực, cố gắng rất lớn, đáng ghi nhận.
Hầu hết các doanh nghiệp sau cổ phần hóa có tốc độ tăng trưởng khá, hoạt động hiệu quả hơn. Sự ra đời của các công ty cổ phần hóa tiếp tục làm tăng tính cạnh tranh trong nền kinh tế, thúc đẩy tái cơ cấu thị trường chứng khoán, tạo bước đổi mới trong nhận thức tư duy về quan hệ sản xuất và vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trong quá trình cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, chính sách trợ cấp hỗ trợ đào tạo, đào tại lại nghề cho người lao động dôi dư do sắp xếp lại vẫn được thực hiện tốt, làm cho doanh nghiệp và người lao động yên tâm, bảo đảm được ổn định xã hội. Bên cạnh đó, các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước đã tích cực triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu được Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành, địa phương phê duyệt.
Công tác sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường quốc doanh tiếp tục đạt được những kết quả tích cực; đã chuyển hầu hết các công ty nông, lâm nghiệp thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Cả nước thí điểm cổ phần hóa 35 công ty, chuyển thành Ban quản lý rừng phòng hộ 91 công ty, giải thể 36 công ty. Nhiều công ty bước đầu đổi mới quản trị doanh nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tài sản và đất đai, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp tiếp tục được bảo toàn, phát triển từ 700.000 tỷ đồng năm 2010 lên 810.000 tỷ đồng năm 2011, 1.019 nghìn tỷ đồng năm 2012 (bình quân tăng 15%).
Nhiệm vụ chung tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đến năm 2015 được xác định là kiên quyết thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là cổ phần hóa, kể các các tập đoàn kinh tế; thoái vốn đầu tư ngoài ngành và bán phần vốn Nhà nước không cần nắm giữ theo nguyên tắc thị trường; tách bạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với nhiệm vụ chính trị, công ích.
Bênh cạnh đó, hoàn thiện cơ chế thực hiện quyền sở hữu nhà nước đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp; tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra của chủ sở hữu; kiện toàn cán bộ quản lý, giám sát, kiểm tra chủ sở hữu; thực hiện công khai, minh bạch kết quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước theo quy định của pháp luật...
Nhiệm vụ cụ thể trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đến năm 2015
Báo cáo tình hình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước các năm 2011-2013 và nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh đến năm 2015 của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đã xác định rõ các nhiệm vụ cụ thể trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đến năm 2015.
Ban chỉ đạo xác định cần sớm ban hành các quy định về quản lý, kiểm tra, giám sát tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; giám sát, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật; giám sát, kiểm tra việc thực hiện chiến lược, kế hoạch; số lượng, bổ nhiệm, thi tuyển cán bộ quản lý chủ chốt; hoạt động của người địa diện theo ủy quyền đối với phần vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp...; ban hành tiêu chí phân loại doanh nghiệp theo Kết luận số 50-KL/TW của Trung ương làm căn cứ để tiếp tục rà soát, phân loại 949 doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài hiện có.
Theo các đề án đã phê duyệt, do ba năm 2011-2013, số doanh nghiệp cổ phần hóa đạt thấp nên số còn lại trong hai năm 2014-2015 là 432 doanh nghiệp, bình quân mỗi năm 216 doanh nghiệp. Đây là nhiệm vụ to lớn, phức tạp, quan trọng nhất trong tái cơ cấu, cần đặc biệt quan tâm, có những giải pháp mới, đột phá, dồn sức thực hiện để có được kết quả rõ rệt.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng là đẩy mạnh thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; sớm ban hành Nghị quyết của Chính phủ làm cơ sở để thực hiện; giải quyết cho được những vướng mắc trong thoái vốn; xây dựng lộ trình chặt chẽ, khả thi để thoái những khoản đầu tư không hiệu quả; thực hiện sắp xếp doanh nghiệp nhà nước theo ngành, lĩnh vực không phân biệt cấp, cơ quản quản lý, trước mắt đối với ngành công nghiệp, thương mại, giao thông, xây dựng.
Doanh nghiệp nhà nước phải áp dụng các chuẩn mực quản trị kinh doanh hiện đại có hiệu quả cao, hoàn thiện hệ thống quy chế quản lý nội bộ; tăng cường công tác cán bộ, nâng cao kỷ luật chấp hành pháp luật, kỷ cương trong quản lý, điều hành.
Doanh nghiệp nhà nước đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ vào sản xuất kinh doanh, quản lý nhằm hạ giá thành, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm để có được hiệu quả tổng hợp cao; thực hiện sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường quốc doanh theo Nghị quyết mới của Bộ Chính trị. Chính phủ có chương trình hành động và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết, tạo chuyển biến mạnh trong lĩnh vực này. Các bộ, ngành, địa phương, đơn vị có nông, lâm trường xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới nông lâm trường quốc doanh trực thuộc.
Các giải pháp chủ yếu được xác định nhằm thực hiện các nhiệm vụ nêu trên là các ngành, các cấp tiếp tục quán triệt sâu sắc các Nghị quyết của Đảng và các Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, tạo ra sự nhất trí cao trong toàn hệ thống chính trị và xã hội về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; tiếp tục khẩn trương ban hành các cơ chế, chính sách.
Các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước căn cứ tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước mới ban hành, tiếp tục rà soát, bổ sung những doanh nghiệp Nhà nước không cần nắm giữ vào diện thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hóa và chỉ đạo tổ chức thực hiện nếu có điều kiện.
Thực hiện các giải pháp đột phá để cổ phần hóa 432 doanh nghiệp như nhiệm vụ đã đề ra còn lại cho hai năm 2014-2015. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, địa phương theo thẩm quyền phê duyệt và có quyết định chuyển thành công ty cổ phần tất cả các doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa đã phê duyệt và chỉ đạo kiểm tra, giám sát chặt chẽ, bảo đảm thực hiện theo đúng tiến độ.
Bộ Tài chính, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xử lý những khó khăn, vướng mắc, với lộ trình phù hợp, chặt chẽ, khả thi để các bộ quản lý ngành, địa phương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các phương án cổ phần hóa các tổng công ty nhà nước; tiếp tục thực hiện chính sách đối với lao động dôi dư và cơ chế, chính sách xử lý nợ khi thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước./.