Tự mua cồn y tế về pha thành rượu uống, 1 người tử vong

Trung tâm Chống độc của Bệnh viện Bạch Mai vừa có một bệnh nhân bị ngộ độc methanol nặng, kèm theo xuất huyết não do uống cồn y tế thay rượu, đã tử vong sau 4 ngày cấp cứu.
Tự mua cồn y tế về pha thành rượu uống, 1 người tử vong ảnh 1Cấp cứu cho một bệnh nhân ngộ độc rượu có Methanol. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sáng 14/7, theo thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai, tại Trung tâm Chống độc của bệnh viện vừa có một bệnh nhân bị ngộ độc methanol nặng, kèm theo xuất huyết não do uống cồn y tế thay rượu, đã tử vong sau 4 ngày cấp cứu.

[Thêm 2 trường hợp nguy kịch vì uống rượu có Methanol]

Bệnh nhân tên Đ.N.H, ở 45 tuổi, ở Đại La, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Bệnh nhân vào cấp cứu tại Trung tâm Chống độc vào cuối tháng Sáu do ngộ độc methanol.

Người nhà bệnh nhân H. kể lại, bệnh nhân nghiện rượu và đã mua cồn y tế về để pha thành rượu uống.

Bệnh nhân đến viện trong tình trạng nguy kịch, hôn mê, co giật, tổn thương não, sốc, toan chuyển hóa nặng.

Kết quả xét nghiệm máu: nồng độ methanol là 321,76mg/dL (cao gấp 16 lần mức cho phép).

Mặc dù được điều trị tích cực, bệnh nhân đã tử vong sau 4 ngày nhập viện.

Loại cồn y tế bệnh nhân đã sử dụng là “Dai Loi”, cồn 90 độ, Ethanol, chai 500 ml, do Công ty Cổ phần quốc tế Đại lợi, SĐK: HN-0238/2007/CBTC-TĐC.

Tuy nhiên xét nghiệm dung dịch còn lại trong chai cồn của bệnh nhân đã dùng cho kết quả: nồng độ methanol là 88%, không tìm thấy ethanol.

Thạc sỹ Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc cho hay, trong thời gian gần đây, tình hình ngộ độc methanol có xu hướng gia tăng. Bên cạnh nguyên nhân do người dân uống phải loại rượu không rõ nguồn gốc, còn có những trường hợp uống cồn y tế pha thay rượu (do nghiện rượu, thiếu rượu để uống hoặc hiểu nhầm cồn y tế là an toàn).

Hầu hết các trường hợp uống cồn y tế đến cấp cứu tại Trung tâm Chống độc cho tới nay đều bị ngộ độc methanol nặng.

Từ tháng 1/2017 đến nay, Trung tâm Chống độc đã ghi nhận 4 trường hợp ngộ độc methanol do uống cồn y tế (trong đó 1 bệnh nhân nặng đã tử vong, 1 bệnh nhân để lại di chứng trên não, 2 bệnh nhân được hồi phục)./.

Để phòng tránh ngộ độc methanol trong cồn sát trùng, các tai nạn do nhầm lẫn chai lọ và đảm bảo hiệu quả sát trùng của các loại cồn y tế hiện nay trên thị trường, ngày 12/7, Bệnh viện Bạch Mai đã có công văn gửi Cục Quản lý Dược, Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế để báo cáo và đưa ra một số kiến nghị trong việc quản lý và sử dụng hiệu quả, an toàn các sản phẩm cồn sát trùng trong y tế.

Theo đó, về hình thức các sản phẩm cồn: Nên đóng chai lọ cồn sát trùng và nhãn mác khác hoàn toàn so với chai lọ nước cất, nước rửa mắt, mũi để tránh nhầm lẫn.

Kiến nghị Bộ Công Thương khẩn trương thực hiện các bước để đưa thêm chất chỉ thị màu vào cồn công nghiệp (để tránh việc một số nhà sản xuất cồn sát trùng mua cồn công nghiệp về sơ chế hoặc đóng chai thành cồn sát trùng hoặc kẻ xấu pha cồn công nghiệp thành rượu lậu để bán).

Bộ Y tế nên thêm chất chỉ thị màu (khác với màu của cồn công nghiệp) vào chai lọ cồn sát trùng để người dân không nhầm lẫn và biết nguy cơ phòng tránh ngộ độc.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục