Từ “Lucy” đến “Người Hobbit”: Những hóa thạch nổi tiếng nhất trong họ “Người”

Lucy có thể là hóa thạch tiền nhân loại nổi tiếng nhất thế giới. Nhưng những hóa thạch nổi tiếng khác cũng đã cung cấp cho chúng ta những hiểu biết quan trọng về lịch sử tiến hóa của loài người.

Hình ảnh mô phỏng về một đứa trẻ Australopithecus afarensis. (Nguồn: Live Science)
Hình ảnh mô phỏng về một đứa trẻ Australopithecus afarensis. (Nguồn: Live Science)

Lucy có thể là hóa thạch tiền nhân loại nổi tiếng nhất thế giới. Nhưng những hóa thạch nổi tiếng khác cũng đã cung cấp cho chúng ta những hiểu biết quan trọng về lịch sử tiến hóa của loài người.

Tổ tiên của chúng ta, "Lucy" — một động vật trưởng thành trẻ tuổi có tên khoa học Australopithecus afarensis — đã trở nên nổi tiếng khắp thế giới nửa thế kỷ trước, sau khi Donald Johanson và các đồng nghiệp phát hiện bộ xương gần như hoàn chỉnh của nó ở Ethiopia. Ngày nay, Lucy là một cột mốc quan trọng trong lịch sử tiến hóa loài người vì sinh vật này sống cách đây 3,2 triệu năm, nằm ở khoảng giữa về mặt tiến hóa giữa tổ tiên loài vượn và chúng ta.

Nhưng Lucy chỉ là một trong nhiều hóa thạch hominin nổi tiếng. Từ "Đứa trẻ Taung" đến "Người Hobbit," đây là một số hóa thạch mang tính biểu tượng đã làm thay đổi những hiểu biết của chúng ta về quá trình tiến hóa của loài người và cây phả hệ phức tạp của nhân loại.

Australopithecine

Hóa thạch australopithecine đầu tiên được công nhận là một hominin đi bằng hai chân là Đứa trẻ Taung, do Raymond Dart phát hiện ở Nam Phi vào năm 1924. Ông đặt tên cho hóa thạch này là Australopithecus africanus, nghĩa là "vượn phương Nam đến từ châu Phi."

Tuy nhiên, phải mất gần 20 năm cộng đồng khoa học mới chấp nhận phát hiện này, một phần vì cho rằng "mắt xích còn thiếu" giữa vượn và người được kỳ vọng có thể tìm thấy ở châu Á hoặc châu Âu, chứ không phải châu Phi. Giờ đây, Đứa trẻ Taung được ca ngợi là một trong những hóa thạch quan trọng nhất thế kỷ 20, vì bộ xương giúp chứng minh rằng dáng đi hai chân tiến hóa trước bộ não lớn.

Một hộp sọ hoàn chỉnh khác từ một A. africanus trưởng thành được đặt biệt danh là "Bà. Ples," dựa trên tên chi ban đầu là Plesi Anthropus ("gần người"). Mrs. Ples được phát hiện vào năm 1947 khi nhà cổ sinh vật học Robert Broom vô tình làm vỡ hộp sọ của Ples trong lúc dùng thuốc nổ khai quật tại khu vực mang tên Cái nôi của Nhân loại ở Nam Phi.

Dù được phát hiện trong hoàn cảnh không mấy thuận lợi, sau khi được lắp ráp lại, Bà Ples trở thành hộp sọ australopithecine hoàn chỉnh nhất từng được tìm thấy, có niên đại 2,35 triệu năm.

Năm 1959, một australopithecine có thân hình cực kỳ vạm vỡ được Mary Leakey phát hiện tại Hẻm núi Olduvai ở Tanzania. Leakey ban đầu đặt tên hộp sọ này là Zinjanthropus boisei — "Zinj" là tên gọi cũ của Đông Phi — và thân mật gọi là "Cậu bé đáng yêu."

Nhưng bộ hàm lớn và răng to gấp bốn lần người thường khiến báo chí đặt biệt danh cho nó là "Người bẻ hạt." Phát hiện này chứng minh rằng có hai loại australopithecine — một loại rất vạm vỡ và một loại mảnh mai hơn — sinh sống ở châu Phi từ 2,5 đến 1 triệu năm trước. Khi công bố hóa thạch này, Dart còn đùa rằng: "Chuyện gì sẽ xảy ra nếu “Bà Ples” gặp “Cậu bé đáng yêu” trong đêm tối?"

Chi Homo

Dù Lucy là mẫu vật tiêu biểu, cá thể hoàn chỉnh nhất từng được tìm thấy là “Cậu bé Nariokotome”, một cá thể Homo erectus sống cách đây khoảng 1,5 triệu năm. Còn được gọi là Cậu bé Turkana, cá thể trẻ 11 hoặc 12 tuổi này được nhà cổ sinh vật học Kamoya Kimeu tìm thấy năm 1984 tại Kenya. Hình thái cơ thể của Cậu bé Turkana cho thấy một dáng vóc rất giống con người hiện tại — nó có thể cao 1,85 mét và nặng 68 kg khi trưởng thành, có bộ não lớn và có thể đi bộ cũng như chạy hiệu quả.

Hai nhánh khác cũng rất nổi tiếng chính là: "Người Hobbit" được tìm thấy trên đảo Flores, Indonesia, và “Homo naledi” từ hang Rising Star ở Nam Phi.

Bộ xương được tìm thấy trong một hang động ở Indonesia hồi năm 2004 khiến các nhà nghiên cứu ngạc nhiên vì kích thước nhỏ bé và niên đại gần đây: từ 700.000 đến 50.000 năm trước.

Với chiều cao chỉ 1,06 mét, loài mới được đặt tên là Homo floresiensis này được gọi là "Người Hobbit," và một cá thể nữ được đặt tên là "Flo." Họ tạo công cụ đá và đi bằng hai chân, nhưng các đặc điểm khác giống australopithecine, tương tự Lucy.

Hiện các nhà khoa học vẫn chưa tìm được lý do tại sao người Hobbit lại nhỏ bé như thế, với một giả thuyết được đặt ra là hiện tượng "lùn hóa trên đảo", các loài động vật có kích thước lớn dần tiến hóa và có kích thước nhỏ hơn khi thức ăn trở nên khan hiếm.

Trong khi đó, ở Nam Phi, các nhà nhân chủng học phát hiện H. naledi sâu bên trong hệ thống hang Rising Star. Cá thể hoàn chỉnh nhất được đặt tên là Neo, nghĩa là "món quà" trong tiếng Sesotho.

Neo là một cá thể đực lớn, xương của hầu hết các phần cơ thể được tìm thấy. H. naledi có hình thái cơ thể pha trộn giữa cổ xưa và hiện đại, với tay dùng để leo trèo và chân dùng để đi lại, một điều khá bất ngờ cho giống loài sống từ 336.000 đến 236.000 năm trước.

Trong khi có rất nhiều câu hỏi được đặt ra xoay quanh Flo và Neo, một số hóa thạch nổi tiếng khác đang giải đáp những câu hỏi tồn tại từ lâu về lịch sử tiến hóa của nhân loại.

Người Neanderthal và và các cá thể lai

Trong nhiều năm sau khi được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1856, các nhà khoa học cho rằng người Neanderthal là những cá thể hung hãn sống trong hang động, không thông minh và không đóng góp gì cho loài người hiện đại. Nhưng việc khám phá ra người Denisovan ở Nga vào năm 2010 và những tiến bộ trong phân tích DNA cổ đại đã cho thấy loài người hiện đại, người Neanderthal và người Denisovan thực ra là "những người họ hàng thân thiết".

Xương của một cô gái 13 tuổi được với biệt danh Denny được tìm thấy trong hang Denisova và được nghiên cứu vào năm 2018. Bộ gen của Denny cho thấy cô có mẹ là người Neanderthal và cha là người Denisovan, khiến cô trở thành cá thể lai giống thế hệ đầu tiên được phát hiện đầu tiên — và duy nhất cho đến thời điểm hiện tại.

Trong 15 năm qua, nhiều nghiên cứu đã cho thấy người Neanderthal, Denisovan và Homo sapiens đã gặp gỡ và lai giống nhiều lần, nhưng Denny, người sống cách đây 90.000 năm, vẫn là biểu tượng cho sự lai giống giữa con người cổ đại và hiện đại.

Mặc dù người Neanderthal đã tồn tại hàng trăm ngàn năm, cuối cùng họ cũng bị tuyệt chủng. "Thorin" có thể là một trong những người Neanderthal cuối cùng, sống cách đây khoảng 42.000 năm với bộ xương sọ và răng được tìm thấy ở Pháp vào năm 2015. Được đặt tên theo một người lùn trong tác phẩm "The Hobbit" của J. R. R. Tolkien, Thorin cung cấp các bằng chứng rằng người Neanderthal tuyệt chủng vì bị cô lập. Khi các nhà nghiên cứu giải mã bộ gen của Thorin, họ phát hiện tổ tiên của ông đã trải qua 50.000 năm mà không trao đổi gen với những người Neanderthal khác.

Denny và Thorin đã cho thấy rằng mặc dù con người cổ đại và hiện đại từng tương tác trong hàng ngàn năm, cuối cùng người Denisovan và Neanderthal đã biến mất với tư cách là các quần thể riêng biệt, dù một số gen của họ vẫn tồn tại trong loài người hiện đại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Những hiện tượng thiên văn đáng chú ý trong năm 2025

Những hiện tượng thiên văn đáng chú ý trong năm 2025

Năm 2025, những người yêu thích bầu trời có thể chiêm ngưỡng một loạt các sự kiện thiên thể tuyệt đẹp bao gồm siêu Trăng, nguyệt thực toàn phần và rất nhiều trận mưa sao băng đạt đỉnh ngoạn mục.

Biểu tượng của Công ty trí tuệ nhân tạo OpenAI trên màn hình điện thoại và máy tính ở Manta, Italy. (Nguồn: AFP/TTXVN)

OpenAI xem xét chuyển đổi mô hình hoạt động

Ban lãnh đạo OpenAI đang xem xét chuyển đổi mô hình hoạt động thành công ty công ích – một loại hình doanh nghiệp có thể theo đuổi lợi nhuận nhưng vẫn ưu tiên mục tiêu cải thiện xã hội.